/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đăng tin sai sự thật 'tố' người khác đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?

Đăng tin sai sự thật 'tố' người khác đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đăng tin sai sự thật 'tố' người khác đánh bạc trong thời gian giãn cách trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là một trong những hành vi bị cấm. Hành vi này xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được pháp luật bảo vệ và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm.

Người bị tố có hành vi đánh bài giữa mùa dịch. 

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin "tố" một vị lãnh đạo phường tại quận Long Biên đã vi phạm các quy định phòng chống dịch, tụ tập đánh bài cùng một số cán bộ địa chính. Nội dung bài đăng cùng hình ảnh thể hiện một người đàn ông đang cầm trên tay nhiều quân bài. Lúc này, trên bàn đang có nhiều quân bài khác và một xấp giấy tờ có màu giống tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng.

Đáng chú ý, tài khoản đăng tải nội dung cho rằng, người cầm bài là lãnh đạo một phường ở quận Long Biên, một số người tham gia chơi cùng là cán bộ địa chính cùng phường. Cũng theo thông tin tố cáo thì sự việc xảy ra lúc 17h ngày 07/8.

Ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Long Biên và công an quận đã vào cuộc làm rõ thông tin tố cáo nêu trên. Theo vị đại diện Ủy ban kiểm tra Quận ủy Long Biên, trước đó, cơ quan này đã phối hợp với Công an quận Long Biên để xác minh thông tin "tố" một vị lãnh đạo phường trên địa bàn tụ tập đánh bạc trong thời gian thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

Qua xác minh, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy khẳng định, không có việc vị lãnh đạo này tụ tập đánh bạc vào ngày 07/8 như mạng xã hội đã lan truyền.

Liên quan sự việc này, ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Long Biên khẳng định, mình không vi phạm và nội dung tố là không chính xác. Theo ông Hùng, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết ‘tố’ ông có tham gia đánh bạc vào 17h chiều 07/8. Thực tế ngày 07/8, tại trụ sở UBND phường, ông tham gia trao gần 2.000 suất quà cho người dân lao động tự do đang tạm trú trên địa bàn.

"Tôi khẳng định ngày 07/8, tôi không tham gia đánh bạc như thông tin trên mạng xã hội. Sau khi thông tin đăng tải trên mạng xã hội, tôi đã làm việc, làm bản tường trình với Ủy ban kiểm tra Quận ủy Long Biên, cung cấp các hình ảnh chứng minh tôi không đánh bạc vào thời gian đó. Ủy ban kiểm tra Quận ủy sẽ có kết luận về việc này", ông Hùng nói.

Chủ tịch UBND phường Long Biên cho biết ngay sau khi nắm được thông tin chia sẻ trên mạng xã hội tố cáo ông đánh bạc, ông đã đề nghị cơ quan Công an vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi đăng tải, tài khoản Facebook này đã xóa bài đăng và khóa tài khoản. Hiện nay, cơ quan Công an vẫn đang điều tra, làm rõ người đăng thông tin này.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Hoàng Kiên, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ cho rằng, để có cơ sở xem xét, giải quyết chính xác, đúng người, nội dung vụ việc nêu trên thì Cơ quan Công an quận Long Biên và các đơn vị chức năng có thẩm quyền cần tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ thêm một số vấn đề như ai là người đã đăng bài tố giác vị cán bộ phường? Người trong bức ảnh đính kèm với bài đăng là ai? Danh tính, địa chỉ cụ thể? Bức ảnh đó được chụp vào thời gian nào, tại đâu? Động cơ, mục đích của việc đăng bài tố là gì? Đồng thời, cần làm rõ vào khoảng 17h ngày 07/8/2021 vị cán bộ bị tố đang làm gì, ở đâu, với ai? Cần căn cứ để chứng minh rõ ràng. Trong trường hợp cần thiết cần phải trích xuất camera an ninh của phường theo lời trình bày của vị cán bộ bị tố để xem xét, làm cơ sở xử lý.

Trường hợp có đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định thông tin đăng là sai sự thật thì người thực hiện hành vi tung tin, loan tin sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".

Như vậy, đăng tin sai sự thật 'tố' người khác đánh bạc trong thời gian giãn cách trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là một trong những hành vi bị cấm. Hành vi này xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được pháp luật bảo vệ và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm.

Cụ thể, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 thì hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
...

Thêm vào đó, theo khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. 

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.

Trường hợp xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người bị “tố” thì người đăng tin còn có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Pháp luật hiện hành quy định mức xử lý đối với hành vi cán bộ đánh bạc như sau:

Nếu số tiền hay giá trị hiện vật dưới 5.000.000 đồng và phạm tội lần đầu thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đánh bạc của ông chủ tịch UBND xã lên đến 2 triệu đồng.

Trong trường hợp, số tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc quy định tại Điều 322, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp số tiền hay hiện vật trị giá trên 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm tù.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 31 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 quy định về xử lý kỉ luật Đảng viên vi phạm, Đảng viên tham gia đánh bạc, có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, hoặc trong trường hợp đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp được quy định thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm này đủ điểu kiện để khởi tố và bị xử lý phạt tù thì cũng sẽ bị cách chức.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, Hà Nội đã liên tiếp thực hiện các đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ vụ việc để làm gương và nêu cao tinh thần phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình chống dịch.

PHƯƠNG HOA

Hà Nội: Tập trung cao độ cho công tác xét nghiệm và tiêm chủng

Admin