/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Đạo đức nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với khách hàng – Những điểm cần lưu ý

Đạo đức nghề nghiệp Luật sư trong quan hệ với khách hàng – Những điểm cần lưu ý

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được ban hành và có hiệu lực vào ngày 13/12/2019, cùng với Quy chế Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, là hai văn bản nội bộ rất quan trọng, có thể ví như một văn bản thuộc về luật nội dung và một văn bản thuộc về luật hình thức trong nội bộ Luật sư, làm công cụ giữ gìn các giá trị chuẩn mực nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư trước xã hội, và đồng thời là căn cứ để áp dụng xử lý các hành vi vi phạm trong nội bộ tổ chức Luật sư.

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Quy tắc đạo đức) được Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011. Qua gần 10 năm áp dụng, thực hiện, Quy tắc đạo đức đã phát huy giá trị, là chuẩn mực, thước đo ứng xử để các Luật sư làm căn cứ tuân thủ, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.

Quá trình thực hiện các quy tắc theo Quy tắc đạo đức, từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, xử lý vi phạm đã phát sinh những vấn đề cần được bổ sung, hoàn thiện đối với Quy tắc đạo đức. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, tổng hợp rộng rãi các ý kiến đóng góp từ giới Luật sư, từ các cơ quan chức năng và xã hội để bổ sung, hoàn thiện Quy tắc đạo đức. Kết quả là Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019, thay thế Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam năm 2011.

Hội thảo "Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam".

Tổng quan về các quy tắc tại Chương II

Bộ quy tắc đạo đức gồm Lời nói đầu, 06 Chương và 32 Quy tắc, trong đó Chương II (Quan hệ với khách hàng) là một Chương rất quan trọng, điều chỉnh trực tiếp, phổ biến và thường xuyên đối với hoạt động hành nghề Luật sư.

Luật sư là hoạt động nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng trên các lĩnh vực tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Công việc hành nghề của Luật sư luôn gắn với khách hàng và là quan hệ thường xuyên, phổ biến nhất trong các quan hệ liên quan đến nghề nghiệp Luật sư. Do đó, quan hệ giữa Luật sư với khách hàng là quan hệ cơ bản nhất trong hoạt động nghề nghiệp Luật sư.

Từ ý nghĩa đó, Bộ quy tắc đạo đức đã dành ra một Chương (Chương II) được thiết kế thành 04 mục với 12 quy tắc để quy định những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, làm khuôn mẫu cho mỗi Luật sư ứng xử, rèn luyện, tu dưỡng để giữ gìn uy tín đội ngũ Luật sư và tôn vinh nghề nghiệp Luật sư. 

Các vấn đề lưu ý đối với những quy tắc cơ bản

Mục 1 Chương II Bộ quy tắc đạo đức quy định: “Những quy tắc cơ bản” trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng. Trong các quy tắc tại Mục 1 thì các Quy tắc 5 (Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng), Quy tắc 6 (Tôn trọng khách hàng), Quy tắc 7 (Giữ bí mật thông tin) có nội dung trực tiếp và dễ hiểu, không phải dẫn chiếu đến các quy tắc khác hoặc các quy định của pháp luật.

Đối với Quy tắc 8 (Thù lao), nội dung quy tắc yêu cầu Luật sư phải giải thích, thông báo cho khách hàng về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán, thông báo rõ mức thù lao, chi phí và ghi vào hợp đồng dịch vụ pháp lý. Việc tuân thủ đúng Quy tắc này đòi hỏi các Luật sư phải nghiên cứu, tìm hiểu tiếp các quy định của pháp luật liên quan đến thù lao Luật sư và hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Đây là quy tắc rất quan trọng, gắn với nghề nghiệp Luật sư, do đó các Luật sư cần quan tâm tuân thủ, thỏa thuận minh bạch, hợp lý khi thương lượng, ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Việc minh bạch về thù lao, phân chia rõ ràng trị giá thù lao theo từng giai đoạn, từng phần công việc, minh bạch thỏa thuận về chi phí còn rất có ý nghĩa trong giải quyết tranh chấp với khách hàng, và là công cụ bảo vệ Luật sư khi mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng xấu đi, hoặc khi khách hàng muốn chấm dứt hợp đồng, đòi lại tiền thù lao, chi phí đã thanh toán cho Luật sư.

Đối với Quy tắc 9(Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng), đây là Quy tắc mà thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm thường hay gặp nhiều nhất. Đồng thời, quy tắc này rất thường được áp dụng để xử lý kỷ luật đối với Luật sư.

Quy tắc 9.1 (Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng) là quy tắc thường gặp trên thực tế, trong số các trường hợp xử lý vi phạm đối với Luật sư. Biểu hiện cụ thể là thông qua hoạt động nghề nghiệp, Luật sư có thể nhận những khoản tiền của khách hàng để nộp đóng án phí, đo vẽ, định giá,... nhưng không thực hiện mà sử dụng cá nhân. Có trường hợp Luật sư đại diện khách hàng nhận tiền thi hành án nhưng không thông báo cho khách hàng biết mà giữ để sử dụng cá nhân.

Quy tắc 9.2 (Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho Luật sư...) là quy tắc mà trong thực tiễn xử lý vi phạm thường gặp. Trên thực tế, vi phạm quy tắc này thường biến tướng thành nhiều hình thức, trong đó có hình thức lập văn bản hứa thưởng cho Luật sư bằng tiền hoặc tài sản khác.

Quy tắc 9.4 (Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng) cũng là quy tắc hay vi phạm trên thực tế, thể hiện ở các hành vi sách nhiễu khách hàng nhằm trục lợi, nhận thêm những khoản tiền ngoài thù lao, chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

Quy tắc 9.6 (Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của Luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng... nhằm mục đích gây niềm tin...) là quy tắc mà một số Luật sư hay vi phạm. Biểu hiện cụ thể là khoe khoang mối quan hệ với các cơ quan, cán bộ nhà nước để nhận được dịch vụ pháp lý, thậm chí nhận với mức thù lao rất cao.

Quy tắc 9.8 (Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của Luật sư) là quy tắc đã từng có một số Luật sư vi phạm. Biểu hiện cụ thể là hứa hẹn bào chữa với kết quả là án treo trong vụ án hình sự. Một số trường hợp Luật sư đã phân chia thang bậc năm tù (dự kiến) mà khách hàng có khả năng gánh chịu để làm căn cứ tính thù lao. Mức năm tù càng thấp thì thù lao Luật sư càng cao.

Các vấn đề lưu ý đối với các quy tắc về nhận vụ việc của khách hàng

Mục 2 Chương II là các quy tắc về nhận vụ việc của khách hàng, bao gồm 02 Quy tắc: Quy tắc 10 (Tiếp nhận vụ việc của khách hàng), Quy tắc 11 (Những trường hợp Luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng).

Đối với Quy tắc 10 (Tiếp nhận vụ việc của khách hàng), từ thực tiễn vi phạm trong Luật sư cho thấy có các vấn đề cần quan tâm sau đây:

- Quy tắc 10.4 quy định về nghĩa vụ giải thích của Luật sư đối với khách hàng. Theo đó thì Luật sư có nghĩa vụ: “Giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với Luật sư, về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng, những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với Luật sư”.

Trên thực tế, khi có sự việc bất đồng, tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý thì khách hàng sẽ tranh luận nội dung từng điều khoản, nhất là các vấn đề về phạm vi công việc, thù lao, chi phí trong hợp đồng. Do đó, để tránh khác biệt quan điểm về cách hiểu các nội dung, điều khoản của hợp đồng, Luật sư cần giải thích và ghi rõ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý là Luật sư đã giải thích, khách hàng đã được nghe giải thích về quyền, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

- Quy tắc 10.5 (Khi nhận vụ việc của khách hàng, Luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật) là quy tắc bắt buộc Luật sư phải tuân thủ. Việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng là yêu cầu bắt buộc đối với Luật sư.

Từ quy tắc này có mối liên hệ đến Điều 26 Luật Luật sư, theo đó thì luật sư phải thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản và có những nội dung chính bao gồm: tên, địa chỉ của khách hàng và tổ chức hành nghề Luật sư (hoặc Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân); Nội dung dịch vụ; Thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; Các khoản chi phí (nếu có); Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

Quy tắc 11 (Những trường hợp Luật sư phải từ chối khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng) quy định Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc trong các trường hợp:  Khách hàng thông qua người khác yêu cầu Luật sư mà luật sư biết rõ người này có biểu hiện lợi dụng tư cách đại diện cho khách hàng để mưu cầu lợi ích không chính đáng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Khách hàng yêu cầu dịch vụ pháp lý của Luật sư mà Luật sư biết rõ khách hàng có ý định lợi dụng dịch vụ đó cho mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc khách hàng không tự nguyện mà bị phụ thuộc theo yêu cầu của người khác; Có căn cứ rõ ràng xác định khách hàng đã cung cấp chứng cứ giả hoặc yêu cầu của khách hàng trái đạo đức, vi phạm điều cấm của pháp luật; Vụ việc của khách hàng có xung đột về lợi ích theo quy định tại Quy tắc 15.

Như vậy, Quy tắc 11 quy định nếu luật sư biết rõ các trường hợp nêu trong quy tắc thì buộc phải từ chối nhận vụ việc. Trường hợp Luật sư biết rõ mà vẫn nhận vụ việc là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Các vấn đề lưu ý đối với các quy tắc về thực hiện vụ việc của khách hàng

Mục 3 Chương II gồm các quy tắc: Quy tắc 12 (Thực hiện vụ việc của khách hàng); Quy tắc 13 (Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng); Quy tắc 14 (Giải quyết khi Luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý); Quy tắc 15 (Xung đột về lợi ích).

Quy tắc 12 (Thực hiện vụ việc của khách hàng) quy định về trách nhiệm và ứng xử của Luật sư trong quá trình thực hiện vụ việc của khách hàng. Đây là giai đoạn Luật sư thực hiện công việc theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết, tức là cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.

Quy tắc 13 (Từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng) là Quy tắc quy định về việc Luật sư được từ chối thực hiện vụ việc của khách hàng trong giai đoạn sau khi đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý đối với khách hàng. Quy tắc này chia làm 02 phần quy định, gồm phần quy định về các trường hợp Luật sư có thể từ chối, và phần Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng.

Các trường hợp Luật sư được quyền chọn lựa ứng xử và có thể từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng, gồm:

- Khách hàng đưa ra yêu cầu mới mà yêu cầu này không thuộc phạm vi hành nghề Luật sư hoặc trái đạo đức, trái pháp luật;

- Khách hàng không chấp nhận ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc đúng pháp luật, phù hợp với đạo đức do Luật sư đưa ra, mặc dù luật sư đã cố gắng phân tích thuyết phục;

- Khách hàng vi phạm cam kết theo hợp đồng dịch vụ pháp lý mà các bên không thể thỏa thuận được hoặc quan hệ giữa Luật sư với khách hàng bị tổn hại không phải do lỗi của Luật sư;

- Có sự đe dọa hoặc áp lực về vật chất hoặc tinh thần từ khách hàng hoặc người khác buộc Luật sư phải làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp;

- Có căn cứ xác định khách hàng đã lừa dối Luật sư.

Các trường hợp quy định Luật sư phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc của khách hàng gồm:

- Có căn cứ xác định khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư để thực hiện hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức;

- Phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Quy tắc 11;

- Các trường hợp phải từ chối do quy định của pháp luật hoặc trường hợp bất khả kháng.

Quy tắc 14 (Giải quyết khi luật sư đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý) là quy tắc quy định về thái độ, ứng xử của Luật sư khi đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý theo Quy tắc 13, theo đó thì dù cho chấm dứt nhưng Luật sư cần có thái độ tôn trọng khách hàng, thông báo bằng văn bản cho khách hàng trong thời hạn hợp lý để khách hàng có điều kiện tìm luật sư khác, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.

Quy tắc 15 (Xung đột về lợi ích) của Bộ quy tắc mới có những nội dung thay đổi khá nhiều so với Quy tắc 11 - cũ (Giải quyết xung đột lợi ích). Trong Quy tắc 15 này, các nội dung định nghĩa về xung đột lợi ích mang tính bao quát hơn, rộng hơn so với Quy tắc cũ. Những phần diễn giải về các trường hợp xung đột lợi ích cũng chi tiết, cụ thể và có phạm vi rộng hơn so với quy tắc cũ. 

Thực tiễn vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quan hệ với khách hàng

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì kể từ giữa năm 2009 đến giữa năm 2020, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã nhận được khoảng gần 1.500 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, các Ban Chủ nhiệm, thành viên Ban Chủ nhiệm của các Đoàn Luật sư. Tuy nhiên, đa số là khiếu nại, tố cáo vượt cấp hoặc khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền. Có khoảng 180 trường hợp là thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Qua nghiên cứu, tổng hợp thực trạng các trường hợp khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại thì hầu hết thuộc các dạng trường hợp sau đây:

- Đa số các trường hợp là khách hàng của Luật sư khiếu nại đối với Luật sư liên quan đến việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý. Chủ yếu là khách hàng không hài lòng về chất lượng công việc mà Luật sư đã thực hiện so với số tiền mà khách hàng đã thanh toán cho Luật sư nên khiếu nại đòi lại một phần hoặc toàn bộ tiền thù lao;

- Một số trường hợp khách hàng cho rằng Luật sư hứa hẹn kết quả nhưng không làm được công việc như đã hứa;

- Một số khách hàng khiếu nại vì Luật sư làm việc thiếu nhiệt tình, tắc trách hoặc có thái độ không đúng với khách hàng;

- Một số trường hợp người khiếu nại lại không phải là khách hàng của Luật sư, mà là đương sự có quyền lợi đối lập với khách hàng của Luật sư;

- Một số trường hợp cơ quan tố tụng có văn bản gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư để yêu cầu xử lý Luật sư do cho rằng Luật sư có những ứng xử không chuẩn mực khi tham gia tố tụng;

- Và gần đây, hiện tượng một số Luật sư nhân danh nghề nghiệp Luật sư, tư cách Luật sư có nhiều phát biểu, phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với nội dung sai trái, ngôn phong, thái độ thể hiện sự lệch lạc về chuẩn mực ứng xử, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp Luật sư, gây hậu quả xấu đối với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội và làm mất uy tín đối với đội ngũ Luật sư.

Theo ghi nhận từ thông tin báo cáo của các Đoàn Luật sư thì từ 2009 đến tháng 6/2020, các Đoàn Luật sư đã xử lý vi phạm khoảng 600 trường hợp, trong đó xử lý xóa tên đối với 483 Luật sư. Trong số bị xóa tên thì có 399 Luật sư bị Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. HCM và các đoàn khác xóa tên do nợ phí thành viên quá lâu và thuộc trường hợp đương nhiên bị xóa tên. 84 Luật sư bị xóa tên do vi phạm nghiêm trọng Luật Luật sư, đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

Trong những trường hợp vi phạm kỷ luật thì đa số là vi phạm liên quan đến quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, và trong đó chủ yếu là vi phạm về việc nhận, chiếm giữ tiền của khách hàng không đúng quy định. Thậm chí, trong số đó có một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực trong hành nghề.

Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng - Kỷ luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Một số khuyến nghị trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng

Trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng, ngoài việc xây dựng, củng cố, duy trì, gìn giữ niềm tin của khách hàng, của xã hội theo những chuẩn mực chung của Bộ Quy tắc đạo đức, trong phạm vi bài viết này, quan điểm của người viết là Luật sư khi hành nghề thì cần quan tâm ứng xử đối với một số vấn đề sau đây trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng:

- Trong khâu tiếp nhận vụ việc của khách hàng, cần xác lập quan hệ dịch vụ đúng quy định. Cụ thể là giữa tổ chức hành nghề của Luật sư với khách hàng phải có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản với đầy đủ các nội dung chính theo quy định của Điều 26 Luật Luật sư, trong đó cần xác định rõ: Phạm vi và nội dung dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Phương thức tính và mức thù lao cụ thể; Các khoản chi phí (nếu có); Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

- Đối với thù lao, nếu công việc là một tiến trình gồm nhiều giai đoạn, nhiều hạng mục công việc thì nên phân chia rõ là mỗi giai đoạn công việc tương ứng mức thù lao là bao nhiêu.

- Luật sư cần thỏa thuận rõ với khách hàng, phân biệt mức giá trị ghi trong hợp đồng là bao gồm thù lao hay bao gồm cả thù lao và chi phí. Luật sư có thể thỏa thuận cách tính chi phí (các khoản ăn ở, đi lại, chi phí trang trải cho hoạt động liên quan đến công việc) với khách hàng và tách thành mục riêng trong hợp đồng. Chi phí có thể thỏa thuận thanh toán theo thực tế hoặc trọn gói cho Luật sư.

- Về căn cứ và phương thức tính thù lao, trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính thì tuyệt đối tránh việc thỏa thuận lập các văn bản về hứa thưởng. Luật sư nên xác lập lợi ích của mình ngay trong hợp đồng (hoặc phụ lục hợp đồng), có thể xác định thù lao Luật sư theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án...

- Điều 9 Luật Luật sư thì một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Do vậy, việc thỏa thuận hứa thưởng hiện nay được hiểu là vi phạm Luật Luật sư và đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

- Khi Luật sư đại diện cho khách hàng trong tố tụng, ngoài tố tụng thì giữa Luật sư với khách hàng cần lập văn bản xác định rõ phạm vi đại diện, tránh trường hợp khách hàng khiếu nại, cho rằng Luật sư tự ý thỏa thuận, thực hiện công việc vượt quá phạm vi đại diện, nhất là các trường hợp Luật sư đại diện đàm phán, thương lượng với đối tác hoặc phía đối lập của khách hàng về những vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế. 

- Khi thực hiện công việc cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết, Luật sư cố gắng theo dõi, nắm rõ phạm vi công việc đã thỏa thuận với khách hàng, tránh trường hợp làm thiếu công việc (không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ), hoặc làm thừa công việc (vượt phạm vi trách nhiệm). Cả hai tình huống đều có nguy cơ rủi ro khi công việc không thành công và bị khách hàng khiếu nại.

- Khi Luật sư và khách hàng có bất đồng, mâu thuẫn hoặc tranh chấp và khách hàng khiếu nại thì cố gắng hòa giải, tự giải quyết, tránh cố chấp, bảo thủ quan điểm. Thực tiễn xử lý khiếu nại, tố cáo thì quan điểm người làm công tác xử lý cũng có thể có những quan điểm, góc nhìn khác nhau. Do đó, Luật sư không nên chủ quan và cho rằng mình luôn đúng, khách hàng luôn sai. Khi cần thiết, luật sư cũng cần phải nhượng bộ khách hàng, hy sinh một phần lợi ích để đổi lấy sự an toàn cho vị trí nghề nghiệp.

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được ban hành và có hiệu lực vào những ngày cuối năm 2019 (13/12/2019), cùng với Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật ban hành kèm theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc (hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) là hai văn bản nội bộ rất quan trọng, có thể ví như một văn bản thuộc về luật nội dung và một văn bản thuộc về luật hình thức trong nội bộ Luật sư, làm công cụ giữ gìn các giá trị chuẩn mực nghề nghiệp của Đội ngũ Luật sư trước xã hội, và đồng thời là căn cứ để áp dụng xử lý các hành vi vi phạm trong nội bộ tổ chức Luật sư.

                                   Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG
UVBTV Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Chủ nhiệm UB Khen thưởng - Kỷ luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam
/mot-so-diem-moi-cua-bo-quy-tac-dao-duc-va-ung-xu-nghe-nghiep-luat-su-viet-nam-va-nhung-diem-can-luu-y-khi-trien-khai-thuc-hien.html