/ Pháp luật - Đời sống
/ Đất chưa bồi thường, UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho chủ đầu tư

Đất chưa bồi thường, UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho chủ đầu tư

22/07/2024 20:07 |

(LSVN) - Vì diện tích đất của ông Thảo bị Công ty TNHH Đại Thanh Quang (Cty ĐTQ) “lấy” theo hai Quyết định 672 và 1324 của UBND tỉnh Bình Thuận nên đối tượng ông Thảo tố giác là Giám đốc Cty ĐTQ. Với những bằng chứng chứng minh nguồn gốc đất của mình dựa trên kết quả điều tra của Cơ Công an tỉnh Bình Thuận, ông Thảo quyết định khởi kiện hành chính hai Quyết định 672 và 1324. Vụ kiện này đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thụ lý vào ngày 22/02/2023. Ngày 25/12/2023, TAND tỉnh Bình Thuận quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhưng tính chất cơ bản vụ án có nhiều tình tiết cần làm rõ nên TAND tỉnh Bình Thuận phải dừng phiên tòa nhiều lần, đến nay Tòa vẫn chưa tuyên án.

Toàn cảnh dự án KSPT sau 15 năm được UBND tỉnh Bình thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Chưa bồi thường cho dân đã cấp giấy Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp

Ngày 24/3/2005 thay mặt UBND tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Văn Dũng ký ban hành Quyết định 672/QĐ-UBBT về việc thu hồi và cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang (Cty ĐTQ) thuê đất để xây dựng khu du lịch tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Quyết định này quyết định,thu hồi 456.000m2(45,6ha) đất giao cho Cty ĐTQ thuê 450.4210m2(45,4ha) với thời hạn sử dụng đất 50 năm kể từ ngày ban hành quyết định.

Tương tự ngày 30/05/2005 ông Dũng tiếp tục ký Quyết định 1324/QĐ-UBND về việc thu hồi 109.643,0m2 (10,9ha) giao cho Cty ĐTQ 61.239m2 (6,1ha) thuê để xây dựng khu du lịch tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết.

Dự án khu du lịch của Cty ĐTQ có tên gọi đầy đủ là “Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết (gọi tắt là King Sea Phan Thiết- KSPT)”, dự án còn có tên gọi khác là Khu du lịch Hồ Lở. Dự án KSPT được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất tổng cộng là 55,4ha. Dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 31/11/2010.

Theo Điều 1 của Quyết định 672 và 1324,đất mà UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi thì hoàn toàn là đất công, gồm đất rừng lâm nghiệp, đất rừng quy hoạch rừng phòng hộ, đất chưa sử dụng do UBND xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết quản lý. Trên cơ sở đất công đó, căn cứ theo Hợp đồng thuê đất số 157/HDTĐ mà Sở TN&MT đã ký ngày 17/9/2007 với Cty ĐTQ. Cũng chính ngày 17/9/2007, thay mặt UBND tỉnh Bình Thuận, thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh, ông Huỳnh Giác, Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số hiệu AH 565695 cho Cty ĐTQ được quyền sử dụng riêng, thời gian sử dụng 50 năm trên diện tích 424478m2 (42,44ha). Vấn đề pháp lý nảy sinh từ tấm sổ đỏ này của Cty ĐTQ. Bởi trước khi ban hành hai quyết định thu hồi đất và cho thuê đất 672 và 1324, các ban ngành sở tại tỉnh Bình Thuận chưa thẩm định kỹ nguồn gốc đất rõ ràng nhưng đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất rồi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty ĐTQ. Trên diện tích 42,44ha đất mà Sở TN&MT cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cty ĐTQ có một số diện tích đất do người dân khai phá và sử dụng hợp pháp lâu năm, chính quyền cấp cơ sở đang tiến hành thủ tục kê khai để cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nhưng vì sự án KSPT mà không tiến hành được. Bình luận pháp lý về hành vi này của UBND tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Kiều, người đại diện cho các hộ dân, nói: “Trước khi ban hành Quyết định số: 672 và 1324/QĐ của UBND tỉnh Bình Thuận thì các cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 130 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 hướng dẫn Luật Đất đai 2003. Theo đó, tại mục 8  quy định: “Sau khi hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao đất cho Tổ chức phát triển quỹ đất để quản lý hoặc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án.”. Nay là quy định tại các Điều 62, 67, 69 Luật Đất đai 2013 và Điều 17 Nghị định 43 của Chính phủ”.

Tạo nguyên nhân khiếu kiện kéo dài

Hệ quả của việc chưa bồi thường đất và thành quả lao động trên đất cho người dân của chính quyền các cấp sở tại tỉnh Bình thuận thời điểm đó, đã đẩy người dân vào thế đường cùng. Vì đất của người dân khai phá từ thập niên 80 thế kỷ trước đang được chính quyền cơ sở kê khai để cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, thì nay UBND tỉnh đã cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cty ĐTQ, Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của Cty ĐTQ là nguyên nhân đẩy người dân vào thế phải thưa kiện kéo dài và dự án đến nay không thực hiện được vì đất đang tranh chấp. Từ tháng 6 đến tháng 11/ 2015, UBND xã Tiến Thành thống kê đất của các hộ dân nằm trong dự án KSPT như sau: 14 hộ dân có đất đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích đất của 14 hộ dân này là 43.735m2(4,37ha). 32 hộ dân có đất nằm trong dự án KSPT nhưng chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 180.106m2(18,01ha). Từ năm 2015 đến nay, trong tổng số 46 hộ dân có đất nằm trong dự án KSPT đã có hộ nhận tiền bồi thường và một số hộ chưa nhận. Các hộ chưa nhận tiền đều có chung mục đích là để tiếp tục đi khiếu kiện hành vi của UBND tỉnh Bình Thuận: Thu hồi đất, giao đất, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhưng chưa bồi thường cho người dân.

Cơ sở để người dân khiếu kiện Quyết định 672 và 1324 là người dân đã chứng minh được nguồn gốc đất của mình. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Thảo, thường trú tại 349F Trần Quang Diệu, phường Xuân An, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Khi biết Cty ĐTQ lấy 22.060,7m2 của mình tại xã Tiến Thành. Ông Thảo làm đơn tố giác tội phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận(CQCGiấy Chứng nhận quyền sử dụng đấtCABT). Ông Thảo tố giác ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Cty ĐTQ đã có hành vi giả mạo giả giấy tờ, hồ sơ để chiếm đoạt 17.500m2 đất của ông Thảo.

Sau thời gian điều tra, xác minh, ngày 15/11/2022, Cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận thông báo kết quả giải quyết tin báo tố giác tội phạm như sau: “Năm 1988 bà Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1920, trú tại khu phố 7, phường Phú thủy,TP. Phan Thiết mua lại diện tích khoảng 1,7ha tại dốc Campuchia, thuộc thôn Tiến bình, xã Tiến thành, TP. Phan Thiết của ông Nguyễn Văn Cam sinh năm 1929 trú tại thôn Tiến bình, Tiến thành, TP. Phan Thiết với số tiền 400.000đ, hai bên mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương ngày 11/11/1988. Sau khi mua được thửa đất này gia đình bà Huệ canh tác đến ngày 12/06/2004 thì bán lại cho ông Nguyễn Văn Thảo… ông Thảo đi đăng ký địa chính tại TP. Phan Thiết, đã xác lập bản đồ đủ tiêu chuẩn cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất … Ông Phạm Văn Vinh là con trai bà Huệ khai xác nhận bà Huệ có bán diện tích đất trên cho ông Nguyễn Văn Thảo, còn lại bà Huệ không bán cho ai khác”.

Sổ đỏ cấp cho Cty ĐTQ năm 2007. 

Vì diện tích đất của ông Thảo bị Cty ĐTQ “lấy” theo hai Quyết định 672 và 1324 của UBND tỉnh Bình Thuận nên đối tượng ông Thảo tố giác làGiám đốc Cty ĐTQ không cấu thành tội phạm, Cơ quan Công an tỉnh Bình Thuận không khởi tố vụ án. Với những bằng chứng chứng minh nguồn gốc đất của mình dựa trên kết quả điều tra của Công an tỉnh Bình Thuận, ông Thảo quyết định khởi kiện hành chính hai Quyết định 672 và 1324. Vụ kiện này đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thụ lý vào ngày 22/02/2023. Ngày 25/12/2023, TAND tỉnh Bình Thuận quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nhưng tính chất cơ bản vụ án có nhiều tình tiết cần làm rõ nên TAND tỉnh Bình Thuận phải dừng phiên tòa nhiều lần, đến nay tòa vẫn chưa tuyên án.

 Tạp Chí Luật Sư sẽ thông tin tiếp lúc TAND tỉnh Bình Thuận mở lại phiên tòa.

PV

Hơn 2000 người nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam trong 6 tháng

Nguyễn Hoàng Lâm