/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Dấu hiệu “lạm quyền” thu phí cách ly: Sẽ gây ra hệ lụy khá lớn

Dấu hiệu “lạm quyền” thu phí cách ly: Sẽ gây ra hệ lụy khá lớn

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Việc thu phí cách ly dịch bệnh Covid-19 tại một số tỉnh/thành tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước trong bối cảnh Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực hết mình chống lại căn bệnh này. Luật sư Việt Nam Online tiếp tục thông tin đến bạn đọc quan điểm, góc nhìn của bạn đọc, các chuyên gia pháp lý… về vấn đề này.

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ  có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Bắt đầu từ 00h ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Sau thời điểm này, một số tỉnh/thành phố đã áp dụng việc thu phí cách ly đối với người đến từ vùng dịch. Liệu việc thu phí này có đúng với quy định pháp luật?

Áp dụng biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở thực hiện cách ly

Theo đó, Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là dạng văn bản áp dụng quy phạm pháp luật. Tại nội dung, văn bản này có thể hiểu là áp dụng biện pháp cách ly tại nhà (theo khoản 1 Điều 01 Nghị định 101/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm) đối với người dân trên toàn quốc. Dừng mọi việc di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, trừ những trường hợp cần thiết.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19, trong đó có nội dung: “Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: toàn quốc”

Vậy, trong lãnh thổ Việt Nam, tất cả các tỉnh thành đều có thể  là vùng có dịch. Nếu có người dân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở y tế hoặc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác theo điểm b khoản 02, khoản 4 Điều 1 Nghị định 101/NĐ-CP như sau:

2. Biện pháp cách ly tại cơ sở y tế áp dụng đối với các trường hợp:

b) Người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại khoản 1,khoản 3 Điều này nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

4. Biện pháp cách ly y tế tại các cơsở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhậpcảnh, quá cảnh Việt Nam thuộc quy định tại khoản 3 Điều này vượt quá khả năng tiếpnhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quákhả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

Ngày 03/4/2020, Văn phòng Chính Phủ ban hành văn bản số 2601/VPCP-KGXV2020 thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ có nội dung như sau: “Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg,bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài”.

Từ đó cho thấy, việc một số tỉnh/thành áp dụng biện pháp cách ly đối với những người di chuyển từ vùng khác trở về là hoàn toàn có thể hiểu được. Đảm bảo cho việc tránh lây lan dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội theo đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Những người bị áp dụng cách ly y tế sẽ không phải trả chi phí tiền ăn

Ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về môt số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung: “Mức hỗ trợ tiền ăn  là 80.000 đồng/ ngày trong thời gian các ly y tế; được cấp không thu tiền nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế với tổng chi phí là 40.000 đồng/ngày. Đối với địa phương đang hỗ trợ tiền ăn cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế khác mức 80.000 đồng/ngày trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì thanh quyết toán theo số đã chi. Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép quyết định mức hỗ trợ cao hơn".

Có thể thấy, Nghị quyết này đã quy định rất rõ về  đối tượng được áp dụng là người Việt Nam, người nước ngoài đang bị áp dụng biện pháp cách ly tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại cơ sở, địa điểm khác (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, khách sạn, resort, doanh nghiệp).

Thực tiễn về việc áp dụng chế độ cách ly tại một số tỉnh/thành

Việc một số tỉnh/thành áp dụng cơ chế thu phí đối với những người di chuyển từ vùng khác về tỉnh của họ. Họ viện dẫn một số quy định, đưa ra những câu trả lời mang nội dung việc di chuyển vùng khác về sẽ vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nhưng liệu có phù hợp với thực tế không, trong khi Nghị quyết đã quy định rõ về đối tượng đang áp dụng?.

Đặt trong tình huống cụ thể, một người có hoàn cảnh khó khăn muốn trở về quê hương trong thời kỳ đại dịch, liệu áp đặt cơ chế thu phí có nên hay không? Có thể thấy, sẽ gây ra hệ lụy khá lớn như việc trốn cách ly, không thực hiện cách ly, khai báo không đầy đủ... Đây là trường hợp cụ thể dành cho một người, trong xã hội còn rất nhiều trường hợp khác phát sinh thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế nào?

Như vậy, việc thu phí cách ly là hoàn toàn không hợp lý. Vì vậy, trong thời kỳ đại dịch các tỉnh/thành phố cần phải có cách hiểu thống nhất về vấn đề này.

An My

Luật sư Việt Nam Online trân trọng kính mời các chuyên gia pháp lý, luật sư và độc giả bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về việc này để việc áp dụng chính sách pháp luật đúng quy định. Mọi ý kiến xin gửi về email tòa soạn: banbientaplsvno@gmail.com.

/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-khong-de-phep-vua-thua-le-lang.html
/dau-hieu-lam-quyen-thu-phi-cach-ly-khong-phu-hop-voi-quy-dinh-phap-luat.html