/ Góc nhìn
/ Dấu hiệu oan sai

Dấu hiệu oan sai

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Một mối lo ngại không nhỏ trong thực thi pháp luật là tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, gây nên những hệ lụy xấu trong đời sống pháp luật và kinh tế. Hình sự hóa... đã được đề cập rất nhiều, không chỉ các cuộc hội thảo, tọa đàm, các bài viết nghiên cứu, sự tham gia của truyền thông và dư luận xã hội mà cả những chính sách pháp luật nhằm hạn chế tối đa tình trạng này. Tuy nhiên, nó vẫn xảy ra và gây nên sự oan sai trong những vụ án cụ thể, dù có được thừa nhận hay không.

Mới đây nhất, một nữ doanh nhân "nuôi trồng thủy sản" ở Cần Thơ bị tuyên án 15 năm tù về tội "Lừa đảo" giờ được "miễn trách nhiệm hình sự" do "chuyển biến tình hình". Bà bị buộc tội "Lừa đảo" trong 9 vụ vay tiền nhưng cơ quan điều tra đã "xác định lại" 8 vụ là quan hệ dân sự, 1 vụ còn lại không phải "lừa đảo" mà là "lạm dụng", chuyển tội danh, vẫn xác định là có tội nhưng do "chuyển biến tình hình", "người phạm tội không còn nguy hiểm với xã hội" nên vụ án được đình chỉ.

Đáng chú ý là nữ doanh nhân này bị bắt tạm giam từ tháng 01/2013, bị đưa ra xét xử vào năm 2018, bị kết án 15 năm tù giam và bị bắt ngay tại phiên tòa. Suốt trong thời gian hơn 8 năm bà kêu oan, 47 tháng trời bị giam và cuối cùng, nỗi oan không được giải mà vẫn khẳng định là có tội và chỉ "đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can" mà thôi. Rõ ràng, những dấu hiệu về một vụ án oan sai đã lộ diện và cả những dấu hiệu "né" bồi thường oan sai của cơ quan tiến hành tố tụng thì mắt thường cũng nhìn thấy được.

Những vụ án tương tự như thế này, tức là hình sự hóa quan hệ dân sự, gây oan sai và không chịu thừa nhận, tìm cách gán tội dù phải đình chỉ vụ án để tránh bồi thường xảy ra không phải là ít trong đời sống pháp luật của chúng ta. Rất nhiều lần, thủ đoạn đó bị công luận vạch trần song nó cứ tái diễn bất chấp sự phẫn nộ của dư luận.

Ở vụ án nêu trên, dư luận đã dành lời khen cho các Luật sư tham gia bảo vệ và bào chữa cho nữ doanh nhân này đã kiên trì đi đến tận cùng sự việc và minh oan cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, các vụ án như thế này dẫu được minh oan thì cũng đã tán gia, bại sản, sinh mệnh pháp lý cùng sự nghiệp kinh doanh của các chủ doanh nghiệp bị gán tội đã tiêu tan. Tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự không chỉ cản trở các hoạt động giao dịch dân sự, kinh doanh mà còn gây nên sự bất ổn xã hội và bất an lòng người, chẳng có vật chất nào "bồi thường" lại được. Vì thế, không để tình trạng này xảy ra hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của nó là việc phải làm. Các chuyên gia pháp lý và xây dựng pháp luật đã tiên liệu và ứng phó bằng các chính sách pháp luật đúng đắn, còn trong thực thi pháp luật thì cần đến sự nhập cuộc tích cực của các Luật sư, làm rõ các dấu hiệu hình sự hóa này để loại trừ nó khỏi đời sống pháp luật của chúng ta. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ pháp chế và lẽ công bằng!

NHỊ NGỌC

/loat-can-bo-o-can-tho-bi-de-nghi-truy-to.html