/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề nghị thanh tra, kiểm tra việc huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện

Đề nghị thanh tra, kiểm tra việc huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021. Theo đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Ảnh minh họa. 

Theo Ủy ban Tư pháp, năm 2021, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện như công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc "có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…"

Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang… Báo cáo cơ quan thẩm tra dẫn chứng vụ Trần Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Vụ Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ"...

Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ. 

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Trong báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021, Ủy ban Tư pháp cũng đã lưu ý về hoạt động từ thiện. Theo đó, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này. 

Hiện, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định, ngoài các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương MTTQVN; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; một số tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

PHƯƠNG ANH

Lần đầu tiên Việt Nam thu được 2,6 triệu USD tiền thi hành án từ nước ngoài

Lê Minh Hoàng