/ Thư viện pháp luật
/ Đề xuất bỏ yêu cầu khai thông tin cá nhân trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Đề xuất bỏ yêu cầu khai thông tin cá nhân trong hoạt động trợ giúp pháp lý

29/08/2023 19:25 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý và Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.


Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tư pháp, việc xây dựng dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 08/2017/TT-BTP và Thông tư số 12/2018/TT-BTP là cần thiết nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính cũng như đơn giản phương thức thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

Trong đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP, qua rà soát, Cục Trợ giúp pháp lý nhận thấy, một số trường thông tin liên quan đến ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú được quy định tại Mẫu số TP-TGPL-10, Mẫu số TP-TGPL-11 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP.

Hiện nay, Cục Trợ giúp pháp lý đang xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý, dự kiến trong thời gian tới sẽ kết nối Cơ sở dữ liệu về trợ giúp pháp lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và một số Cơ sở dữ liệu khác.

Các tổ chức trợ giúp pháp lý có thể khai thác một số thông tin về ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú trên các cơ sở dữ liệu trên.

Do vậy, đối với Mẫu số TP-TGPL-10 (Đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý), Mẫu số TP-TGPL-11 (Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý), dự thảo thông tư đề xuất bỏ yêu cầu khai các thông tin liên quan đến ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú. Các biểu mẫu đã được bãi bỏ một số nội dung và được thay thế bằng các biểu mẫu ban hành kèm theo thông tư này.

Bên cạnh đó, để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo thuận tiện cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý khi thực hiện các thủ tục liên quan đến tham gia trợ giúp pháp lý, dự thảo thông tư bổ sung thêm hình thức nộp qua fax, hình thức điện tử, cụ thể như sau:

- Khi muốn thay đổi nội dung của Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc qua fax hoặc hình thức điện tử hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký.

- Trường hợp chấm dứt theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý thì tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý nộp trực tiếp hoặc qua fax hoặc hình thức điện tử hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính

Ngoài ra, qua rà soát, Cục Trợ giúp pháp lý nhận thấy, một số trường thông tin liên quan đến ngày tháng năm sinh, giới tính của người được trợ giúp pháp lý được quy định tại Mẫu số 02-TP-TGPL (Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý), Mẫu số 04-TP-TGPL (Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý) và Mẫu số 05-TP-TGPL (Đơn rút yêu cầu trợ giúp pháp lý) ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP có thể được các tổ chức trợ giúp pháp lý khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và một số Cơ sở dữ liệu khác...

Do vậy, Điều 2 dự thảo thông tư bãi bỏ thông tin ngày tháng năm sinh, giới tính của các biểu mẫu: Mẫu số 02-TP-TGPL, Mẫu số 04-TP-TGPL và Mẫu số 05-TP-TGPL và được thay thế bằng các biểu mẫu ban hành kèm theo thông tư này.

HÀ ANH

Khuyến cáo doanh nghiệp kê khai sử dụng hóa đơn

Bùi Thị Thanh Loan