/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất quy định nồng độ cồn bằng 0: Cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn

Đề xuất quy định nồng độ cồn bằng 0: Cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn

21/11/2023 18:27 |

(LSVN) – Vừa qua, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự thảo Luật). Xoay quanh Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có nhiều ý kiến tham gia góp ý cũng như nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận của người dân về vấn đề này.


Ảnh minh họa.

Về ý kiến thứ nhất, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.

Về ý kiến thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỉ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

Theo quan điểm cá nhân của tác giả, Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là phù hợp với tình hình thực tiễn trong thời gian qua.

Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông một cách rõ rệt, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của người dân và đã dần hình thành ý thức không uống rượu, bia khi tham gia giao thông của đại bộ phận người dân.

Nếu hiện nay có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" trong dự thảo Luật vì cho rằng, quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam và đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ nồng độ cồn là bao nhiêu mới xử phạt thì sẽ gây ra xáo trộn và thiếu tính khả thi như: Người dân khó xác định được mình uống rượu, bia bao nhiêu là vi phạm nồng độ cồn khi lái xe; tùy vào tửu lượng của từng người mà nồng độ cồn trong máu cũng khác nhau; nhiều người khi đã nhậu thì khó có thể tự khắc chế bản thân,...

Bên cạnh đó, khi lái xe bị xử phạt nồng độ cồn sẽ xảy ra sự chống đối với lực lượng Cảnh sát giao thông. Đặc biệt, các vụ việc tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn có thể sẽ gia tăng trở lại.

Thiết nghĩ, thời gian qua đa số người dân đã có ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ và nhiều người đã không uống rượu bia khi tham gia giao thông; đồng thời, nhiều người đã có thói quen sử dụng các phương tiện công cộng (Taxi, Grab,…) để đi tiệc tùng, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.

Do đó, cần thiết phải giữ nguyên như Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ về hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để tránh thay đổi thói quen không uống rượu, bia khi tham gia giao thông của người dân và công sức của lực lượng chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xử lý các vi phạm nồng độ cồn để giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức của người dân như thời gian qua.

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an cho biết, với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết, khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm. Quy định này thống nhất với quy định của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trên thực tế, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Sau thời gian quyết liệt kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.

Từ thực trạng đó, đại diện V03 cho rằng việc đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi. Dự thảo luật đang đề xuất tỷ lệ nồng độ cồn bằng 0.

Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Bộ Công an nói gì về việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?

Bùi Thị Thanh Loan