/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất bỏ các chức danh Trưởng Công an quận, Trưởng Công an phường

Đề xuất bỏ các chức danh Trưởng Công an quận, Trưởng Công an phường

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ các chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận trong cơ cấu tổ chức của UBND quận; bỏ chức danh Trưởng Công an phường trong cơ cấu tổ chức của UBND phường.

Ảnh minh họa.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Theo Bộ Nội vụ, căn cứ Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành các Nghị quyết nêu trên. 

Do đó, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố được thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 (từ ngày 01/7/2021). 

Quá trình thực hiện đến nay cho thấy tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương quận, phường nơi không tổ chức HĐND đã đi vào ổn định, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, chủ động hơn, điều hành và quyết định kịp thời hơn những vấn đề cấp bách trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của chính quyền đô thị. 

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành đã bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. 

Việc sửa đổi, bổ sung 3 Nghị định nhằm sửa đổi những quy định không phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị; kịp thời giải quyết, khắc phục những bất cập, vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 03 thành phố trong thời gian vừa qua.

Dự thảo Nghị định gồm 05 Điều (sửa đổi, bổ sung 08 điều của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung 15 điều của Nghị định số 33/2021/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung 11 điều của Nghị định số 34/2021/NĐ-CP).

Trong đó, đáng chú ý, về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi 3 Nghị định theo hướng bỏ các chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận trong cơ cấu tổ chức của UBND quận; bỏ chức danh Trưởng Công an phường trong cơ cấu tổ chức của UBND phường.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung để thống nhất trong quản lý, sử dụng cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường với công chức làm việc tại UBND phường.

Cụ thể, quy định biên chế, sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường do UBND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố quản lý, sử dụng (việc bầu cử cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường vẫn thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và quy định của pháp luật liên quan).

Quy định liên thông giữa cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường với công chức ở phường và công chức từ cấp quận trở lên. 

Theo đó, người được bầu giữ chức vụ cán bộ thuộc tổ chức Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường khi thôi đảm nhiệm chức vụ (không trong thời hạn xử lý kỷ luật) thì được xem xét, tiếp nhận vào làm công chức phường hoặc công chức từ cấp quận trở lên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh, vị trí công chức đó theo quy định.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 03 Nghị định theo hướng 03 thành phố được chủ động quy định số lượng, chế độ, chính sách của người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố trên cơ sở tình hình thực tiễn và cân đối ngân sách của địa phương.

DUY ANH

Luật sư trong thời đại 4.0: Thời cơ và thách thức

Lê Minh Hoàng