/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất cắt điện, nước các hộ dân không di dời khỏi chung cư mất an toàn

Đề xuất cắt điện, nước các hộ dân không di dời khỏi chung cư mất an toàn

05/06/2023 15:29 |

(LSVN) - Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra vào sáng ngày 05/6, Ủy ban Pháp luật cho rằng nếu xác định cấp điện, nước cho các căn hộ có nguy cơ sập đổ là giao dịch bị cấm, có thể bổ sung quy định này vào luật để buộc người dân phải di dời.

Ảnh minh hoạ. 

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Uỷ ban Pháp luật nhận định đây là một trong những vướng mắc lớn cần khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở. Trong hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng nội dung này không nhận được sự đồng tình. Vì thế, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Dù vậy, Ủy ban Pháp luật đánh giá nội dung bổ sung trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về tính cụ thể, khả thi trong việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn.

Liên quan đến trình tự, thủ tục di dời người dân, Ủy ban Pháp luật lưu ý quy định này tác động trực tiếp đến các quyền hiến định (quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở...) nên phải quy định trong Luật. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu rõ, dẫn đến khó triển khai.

Bên cạnh đó, đặt vấn đề nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn, trong đó có biện pháp cưỡng chế cần thiết để khắc phục tình trạng này.

Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định biện pháp cắt điện, nước để buộc thực hiện nghĩa vụ di dời vì nhiều quan điểm cho rằng cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự độc lập với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu xác định việc cung cấp điện, nước cho các căn hộ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, buộc phải di dời là giao dịch bị cấm thì có thể bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở để tạo áp lực cho các chủ sở hữu căn hộ phải di dời. 

PV

Nguyễn Mỹ Linh