/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất lập danh mục 'biển số đẹp' tứ quý, ngũ quý, số tiến…

Đề xuất lập danh mục 'biển số đẹp' tứ quý, ngũ quý, số tiến…

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cần xây dựng danh mục và chỉ xác định giá khởi điểm cho danh mục các “biển số đẹp” đã được thừa nhận rộng rãi như các biển tứ quý, ngũ quý, số tiến…. để xác định giá khởi điểm cho phù hợp. Đồng thời có mức giá khởi điểm phù hợp hơn để khuyến khích, động viên người dân tham gia; nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá để sau khi hết thời gian thí điểm có phương án, cách thức đảm bảo quản lý Nhà nước hiệu quả cũng như đảm bảo được quyền của người dân.

Toàn cảnh Phiên họp.

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 3, sáng ngày 14/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. 

Theo đó, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Phó Cục trưởng Cục CSGT Lê Xuân Đức cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hoá đầy đủ, cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Biển số xe ô tô được coi là tài sản công, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô; nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá…

Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá mang tính chất đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Nghị quyết còn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng theo nhu cầu; bảo đảm công tác quản lý Nhà nước trong đăng ký, quản lý xe và đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu Hệ thống đăng ký trong quá trình đấu giá; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, có kinh phí đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, một số nước thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn theo sở thích và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí quy định hoặc tổ chức đấu giá. Từ những lý do trên, Phó Cục trưởng Cục CSGT nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh nêu rõ, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Đồng thời cho rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào hồ sơ dự thảo Nghị quyết này để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Bên cạnh đó, để bảo đảm thông tin cần thiết cho đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết, đề nghị Ban soạn thảo báo cáo bổ sung làm rõ thêm về các giải pháp để thực hiện các chính sách trong dự thảo Nghị quyết, tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu bày tỏ nhất trí việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân các địa phương.

Đồng thời để khai thác hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ việc tham gia đấu giá ở tất cả các địa phương thì công tác quản lý như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thí điểm đối với những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn cần tiến hành thận trọng trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định để kiểm soát tác động.

Sau khi thí điểm thành công mới mở rộng phạm vi áp dụng; một số nghị quyết thí điểm của Quốc hội ban hành gần đây về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cơ chế, chính sách đặc thù… đều giới hạn phạm vi thực hiện thí điểm tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định phạm vi điều chỉnh không nên liệt kê các nội dung cụ thể được quy định trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời đề nghị rà soát đối tượng áp dụng để bảo đảm tính đầy đủ; bổ sung quy định về doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia đấu giá phải bảo đảm đủ điều kiện đăng ký xe ô tô theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng tình với việc xây dựng Nghị quyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng cho hay, việc xây dựng Nghị quyết nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong việc cấp đăng ký biển số xe, bảo đảm tính công bằng, công minh, minh bạch. Quan tâm tới vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, việc lựa chọn đấu giá qua trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho người dân tham gia đấu giá và người trúng đấu giá cần làm rõ hơn điều kiện, tiêu chí đấu giá để hạn chế rủi ro, bảo đảm không có tiêu cực trong vấn đề này.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, cần xây dựng danh mục và chỉ xác định giá khởi điểm cho danh mục các “biển số đẹp” đã được thừa nhận rộng rãi như các biển tứ quý, ngũ quý, số tiến…. để xác định giá khởi điểm cho phù hợp. Đồng thời có mức giá khởi điểm phù hợp hơn để khuyến khích, động viên người dân tham gia; nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá để sau khi hết thời gian thí điểm có phương án, cách thức đảm bảo quản lý Nhà nước hiệu quả cũng như đảm bảo được quyền của người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao trách nhiệm, sự tích cực, khẩn trương của Bộ Công an trong việc hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Ý kiến các đại biểu tại phiên họp rất trách nhiệm, tâm huyết, có giá trị lý luận và thực tiễn cho việc hoàn chỉnh Nghị quyết; nhiều vấn đề cụ thể có ý nghĩa rất lớn trong hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Công an trong việc quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Đồng thời nêu rõ tên gọi, đối tượng, nội dung Nghị quyết cần thiết kế ngắn gọn rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện theo hướng tạo sự hấp dẫn và có lợi cho người dân khi tham gia đấu giá, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng phạm vi thẩm quyền của Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, do nhiều nguyên nhân nên dự thảo Nghị quyết mới chỉ đủ độ chín để thí điểm, do đó Chính phủ cần tuân thủ đúng, đầy đủ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, bổ sung đánh giá đầy đủ kỹ lưỡng hồ sơ dự thảo Nghị quyết như tờ trình; báo cáo; thẩm định; công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đánh giá tác động của 05 nhóm chính sách cho đúng, đầy đủ, thống nhất với dự thảo Nghị quyết. Các tác động kinh tế xã hội, nguồn lực tổ chức, chi phí tài chính phát sinh từ các chính sách được đề cập và các quy định khác luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị điều chỉnh bố cục dự thảo Nghị quyết chặt chẽ, phù hợp; nghiên cứu bổ sung các quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá và người chuyển nhượng đấu giá, cho, tặng, thừa kế để quy định phù hợp; cân nhắc lựa chọn phạm vi, hình thức, phương pháp đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá để quy định chi tiết bảo đảm linh hoạt trong quá trình điều hành, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống làm cơ sở để tổng kết, đánh giá khi hết thời hạn thí điểm qua đó báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện chính sách pháp luật.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, phiên họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra.

Các ý kiến tại phiên họp có ý nghĩa quan trọng để giúp Chính phủ đưa vào Nghị định quy định chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhấn mạnh, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và quán triệt nghiêm túc trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Trước đó (chiều 11/10), trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị xây dựng danh mục và chỉ xác định giá khởi điểm cho danh mục các "biển số đẹp" đã được thừa nhận rộng rãi như các biển tứ quý, ngũ quý, số tiến… để xác định giá khởi điểm cho phù hợp.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc xây dựng danh mục các "biển số đẹp" là không khả thi, vì không có tiêu chí cụ thể để xác định "biển số đẹp", mà tùy thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá và sở thích của mỗi người khác nhau.

HOÀNG TRẦN

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10

Admin