/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất mở rộng đối tượng chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

Đề xuất mở rộng đối tượng chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 02/11/2022 về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Theo đó, góp ý về nội dung chất vấn của dự thảo Nội quy kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng nhằm nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng, chiến lược khác do Quốc hội quyết định, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết.

Về lựa chọn nội dung chất vấn để tránh trùng lặp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn như số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị Quốc hội sớm thiết kế cơ sở dữ liệu trực tuyến, định hướng rõ các vấn đề trọng tâm, quy trình, cách thức cho ý kiến và bố trí thời gian hợp lý để đại biểu nghiên cứu cho ý kiến. Đồng thời thống kê, đánh giá kết quả, tỷ lệ đại biểu Quốc hội cho ý kiến đối với từng vấn đề.

Bên cạnh đó, góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đồng tình với nhiều quy định chi tiết, tuy nhiên sử dụng tên gọi dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) là chưa phù hợp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, về ngữ nghĩa, nội quy là quy định nội bộ sẽ ràng buộc đại biểu Quốc hội và những người tham gia các kỳ họp Quốc hội. Nhưng nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết không thuộc nội quy mà là trình tự, thủ tục, thể thức để Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiến hành các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và bầu cử các chức danh quan trọng nhất của Nhà nước.

Nhiều quy định trong dự thảo Nghị quyết chính là chi tiết hóa Luật Tổ chức Quốc hội. Trong đó, nội quy kỳ họp chỉ có một chương, nhưng nhiều quy định trong dự thảo đề cập đến các nội dung khác. Ví dụ quy định Đoàn đại biểu Quốc hội, thủ tục chất vấn, người trả lời chất vấn,… 

Đại biểu cho rằng, nếu thiết kế không khéo sẽ xung đột với các quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị nên thiết kế những nội dung này thành một nghị quyết hoặc pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết thi hành Luật Tổ chức Quốc hội. Như vậy nghị quyết này sẽ trở thành văn bản quy phạm pháp luật và không vướng cụm “nội quy”.

THU HƯƠNG

Hôm nay, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Loan B T Thanh