/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất mới về thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ

Đề xuất mới về thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Yêu cầu thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ là quy định mới tại dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thay thế Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư.

 

Ảnh minh họa.

Mục tiêu của yêu cầu nhằm hình thành thói quen bảo hiểm rủi ro ngoại tệ cho các bên đi vay, hạn chế tác động tiêu cực đến điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ của Nhà nước Việt Nam.

Bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ theo các nguyên tắc sau:

- Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn, Bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các khoản vay ngắn hạn nước ngoài có kim ngạch vay trên 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; thời điểm thực hiện trước hoặc vào thời điểm rút vốn của khoản vay; giá trị giao dịch tối thiểu bằng 30% giá trị rút vốn; thời hạn giao dịch phù hợp với kế hoạch trả nợ của khoản vay ngắn hạn nước ngoài.

- Đối với khoản vay nước ngoài trung dài hạn, Bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các đợt chuyển tiền trả nợ gốc có giá trị trên 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; thời điểm thực hiện tối thiểu 3 tháng trước ngày trả nợ gốc; giá trị của giao dịch tối thiểu bằng 30% số tiền trả nợ gốc; thời hạn của giao dịch phù hợp với kế hoạch trả nợ gốc của khoản vay trung dài hạn nước ngoài.

Yêu cầu thực hiện phái sinh ngoại tệ không áp dụng trong trường hợp: Bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật hiện hành; bên đi vay dự kiến có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.

Mục đích soạn thảo Thông tư nhằm xây dựng điều kiện vay chặt chẽ, có tính đến mức độ rủi ro của từng đối tượng đi vay đảm bảo các hạn mức, giới hạn vay nước ngoài tự vay tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm song vẫn hỗ trợ các nhu cầu sử dụng vốn vay nước ngoài hiệu quả, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể.

Đồng thời, đảm bảo tính minh bạch trong các quy định về điều kiện vay để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện hoạt động vay nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; việc đảm bảo minh bạch chính sách cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý có điều kiện kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định.

VĂN QUANG

Đối tượng, chức danh luân chuyển cán bộ theo quy định mới nhất

Loan B T Thanh