/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đề xuất người trúng đấu giá đất nộp thêm tiền cọc thực hiện hợp đồng

Đề xuất người trúng đấu giá đất nộp thêm tiền cọc thực hiện hợp đồng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra vào chiều ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã nêu hàng loạt kiến nghị để khắc phục tình trạng người trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc.

Một số vấn đề pháp lý xung quanh việc bỏ cọc đấu giá đất

  Ảnh minh họa. 

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản quy định người tham gia phải nộp tiền đặt trước 5-20% giá khởi điểm. Tuy nhiên, đây chỉ được coi là khoản đặt trước để tham gia đấu giá. Để khắc phục tình trạng này, cần quy định người dân phải nộp ngay số tiền cọc sau khi buổi đấu giá kết thúc phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá bởi tiền cọc cam kết thực hiện hợp đồng khác với khoản đặt trước để tham gia. Đồng thời, cần tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá đất; điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng; tính khả thi về huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần có chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ, hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá. Người trúng rồi bỏ cọc sẽ không được tham gia các cuộc tương tự trong thời gian nhất định. Thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất cần được bổ sung theo hướng không cho phép chậm và phạt chậm nộp như quy định chung về quản lý thuế.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua tại một số địa phương xuất hiện tình trạng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ"; để lộ thông tin người đăng ký tham gia; xã hội đen đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia phải rút hồ sơ; thông đồng giữa đơn vị tư vấn định giá với người tham gia để dìm giá. 

Luật Đấu giá tài sản quy định, đấu giá viên có quyền dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự; hoặc dừng do yêu cầu của người có tài sản, khi có căn cứ cho rằng có hành vi thông đồng làm sai lệch thông tin tài sản, dìm giá... Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi này rất khó nhận biết, khó bị phát hiện. Có hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất khác hoặc bán ra các lô đất đã mua gom trong khu vực, nhằm thu lợi. 

Pháp luật về đấu giá tài sản chưa quy định việc dừng khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá lên quá cao. Các quy định hiện tại về điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi huy động vốn, phương án đầu tư... không đầy đủ, chưa rõ ràng. Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm, TP. HCM) là sơ hở để các công ty tham gia thực hiện ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong ngân hàng, bán hàng tồn đọng.

Ngoài ra, việc đấu giá đất hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản. Luật Đất đai 2013 quy định, đấu giá đất được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Tuy nhiên, Nghị định từ năm 2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chưa nêu cụ thể về các chế tài với người bỏ cọc...

PV

Tội 'Tham ô tài sản' bị xử lý thế nào?

Lê Minh Hoàng