/ Tin tức
/ Đề xuất sớm ban hành văn bản hướng dẫn học trực tuyến

Đề xuất sớm ban hành văn bản hướng dẫn học trực tuyến

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; đổi mới phương pháp dậy học phù hợp với tình hình mới; xây dựng hệ thống học liệu điện tử, bài giảng điện tử; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá phù hợp bảo đảm chất lượng, chính xác, khách quan, công bằng.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận tại nghị trường.

Trong buổi sáng (08/11) đã có 32 đại biểu phát biểu tham luận, không có ý kiến tranh luận. Các ý kiến tập trung nhiều vào nội dung y tế và lao động, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị trong buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu giải trình thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các nội dung thảo luận tại hội trường trong ngày 08-09/11 đã được Quốc hội thảo luận tại tổ một cách sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng với 320 lượt ý kiến phát biểu từ 72 tổ.

Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo và giải trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra đã đánh giá tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính – ngân sách cơ bản đã phán ánh sát đúng, khách quan thực tế của đất nước.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương nhằm kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe tính mạng nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều giải pháp cần ghi nhận và bổ sung.

Để tiếp nối kết quả của đợt họp trực tuyến và các phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong các tờ trình, báo cáo thẩm tra trong đó tập trung vào việc đánh giá thực trạng tình hình, kết quả đã đạt được, những hạn chế tồn tại yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là hiến kế thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe tính mạng của nhân dân, những tình huống và giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.

Đáng chú ý, tại phiên họp Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) tham gia góp ý các giải pháp nhằm khôi phục và phát triển thị trường du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như: Nâng cao năng lực phát triển bền vững cho các doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng trong du lịch; chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch,...

Về giáo dục, đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, việc chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến là cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp này có hạn chế đối với khu vực vùng sâu, vùng xa và con em các gia đình nghèo, cận nghèo gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hạn chế; bản thân giáo viên cũng lúng túng trong phương pháp giảng dạy trực tuyến,...

Do đó, để khắc phục các hạn chế trên, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến; đổi mới phương pháp dậy học phù hợp với tình hình mới; xây dựng hệ thống học liệu điện tử, bài giảng điện tử; xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá phù hợp bảo đảm chất lượng, chính xác, khách quan, công bằng; thống nhất phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong giáo dục, triển khai tiêm chủng vaccine cho học sinh...

Từ những hạn chế trên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho học sinh, thầy cô giáo, đảm bảo việc học hiệu quả, an toàn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, ông Dương Tấn Quân đề xuất: "Các doanh nghiệp viễn thông cần xem xét miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh, giáo viên khi học tập, truy cập học liệu, giảm giá dịch vụ học thêm cho các chương trình đào tạo từ xa".

DUY ANH

Hà Nội tạm dừng việc học trực tiếp tại 17 huyện, thị xã

Lê Minh Hoàng