/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề xuất thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Đề xuất thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nhằm tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm tra công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, căn cứ quy định về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Điều 6 của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, dự thảo Thông tư quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý trên phạm vi cả nước; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực được phân công.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan sau: a- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và UBND xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi địa bàn quản lý; b- Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương được liệt kê.

Chủ tịch UBND cấp huyện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của UBND cấp xã thuộc phạm vi địa bàn quản lý.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình.

Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình.

Dự thảo cũng quy định, người có thẩm quyền kiểm tra ban hành kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra, quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, kết luận kiểm tra, thông báo kết luận kiểm tra, quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra.

Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định trong một số trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền kiểm tra có thể gia hạn thời hạn kiểm tra. Để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Thông tư quy định cụ thể các trường hợp được gia hạn thời hạn kiểm tra như cuộc kiểm tra có số lượng hồ sơ xử lý vi phạm hành chính nhiều; hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh, làm rõ; đối tượng được kiểm tra không phối hợp thực hiện việc kiểm tra; địa điểm kiểm tra ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn...

HỒNG HẠNH

Ông Nguyễn Đức Chung sẽ đối diện với mức án ra sao khi bị khởi tố thêm tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’?

Lê Minh Hoàng