/ Tư vấn
/ Đi công tác trong mùa dịch: Nên hay không nên?

Đi công tác trong mùa dịch: Nên hay không nên?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng ngày càng tăng, đặc biệt ở các tỉnh/thành như Đà Nẵng, Quảng Nam. Tại văn bản số 262/TB-VPCP ngày 29/7/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố tùy diễn biến dịch, quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020.

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo chỉ thị, thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Còn tại Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Theo đó, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải như: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Đánh giá về việc cán bộ, cá nhân có nên đi công tác trong mùa dịch, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, có thể thấy tình hình dịch bệnh tại nước ta hiện nay đang có diễn biến, chiều hướng rất phức tạp, do đó, bên cạnh việc Chính phủ đang triển khai mọi biện pháp để kiểm soát dịch bệnh thì mọi người cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm chỉnh các khuyến cáo của chính phủ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trách nhiệm này không chỉ của một cá nhân, một tổ chức mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo Luật sư Cường, nếu là lịch công tác đã theo kế hoạch từ trước thì tùy từng diễn biến phức tạp dịch bệnh cũng như tính chất quan trọng của chuyến công tác thì các cán bộ này cần sắp xếp, thay đổi thời gian công tác hợp lý.

Sự việc chỉ đáng trách nếu xuất hiện các hành vi “đi nghỉ mát” “nghỉ dưỡng” của một số cán bộ trong thời điểm nhạy cảm này. Tất cả các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; các cơ quan hữu quan từ trung ương xuống địa phương đều có trách nhiệm quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, là đầu tàu trong công tác chống dịch.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp).

"Do đó, mọi việc làm không gương mẫu của cán bộ, công chức, của người có chức vụ trong thời điểm này đều có thể gây ra hệ lụy rất xấu cho xã hội, làm mất niềm tin của người dân đối với nhà nước trong việc phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, cần có sự gương mẫu, quyết liệt trong công tác chống dịch từ trung ương đến địa phương, từ cán bộ cho đến người dân thì mới có thể đồng sức, đồng lòng chống dịch được", Luật sư Cường chia sẻ.

Bởi vậy, trong từng trường hợp, cần phải làm rõ các cán bộ đi công tác hay là đi nghỉ mát trong thời điểm dịch bệnh. Nếu là đi công tác thì hiện địa phương đó đã có người nào nhiễm bệnh Covid-19 chưa? Còn trường hợp nhiều địa phương đã phát hiện ra người mắc bệnh, bệnh dịch đang lây lan, khó kiểm soát mà cán bộ lãnh đạo địa phương lại lên kế hoạch đi nghỉ mát, tổ chức đi nghỉ mát đông người thì đây là việc rất đáng trách, ngoài ra còn phải xem xét trách nhiệm kỷ luật về hành vi không nêu gương, không chấp hành công tác phòng chống dịch, Luật sư Cường nói.

Gần đây, dư luận xôn xao thông tin đoàn công tác của tỉnh Thái Bình, do Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh này làm trưởng đoàn cùng hơn 30 người hiện đang công tác tại các Sở, ngành và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình lại có chuyến thăm và làm việc tại một số tỉnh miền Trung.
Điều đáng nói, ở thời điểm hiện tại, trong khi Chính phủ cùng các Bộ, ngành và người dân cả nước đang căng mình phòng, chống dịch bệnh Covid -19 thì đoàn công tác này lại có chuyến thăm và làm việc vào đúng thời điểm dịch bệnh Covid - 19 đang ở giai đoạn bùng phát trở lại.
Cụ thể, theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, ngày 29/7, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 3619/UBND-TB, thông báo về lịch trình chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tỉnh này ở một số tỉnh miền Trung vào ngày 31/7.
Trao đổi nhanh với PV, ông Trần Ngọc Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Bình xác nhận và cho biết: “Đoàn công tác có chuyến thăm và làm việc tại miền Trung vào ngày 31/7, do có chương trình công tác từ trước rồi, nay đã về Thái Bình”.

THANH THANH

/benh-nhan-426-tu-vong-vi-suy-than-man-giai-doan-cuoi-va-mac-covid-19.html