/ Thư viện pháp luật
/ Điều kiện để trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

Điều kiện để trẻ em được nhận chăm sóc thay thế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 28/11/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện các quy định về chăm sóc thay thế cho trẻ em. Trong đó nổi bật là quy định về điều kiện để trẻ em được nhận chăm sóc thay thế.

Ảnh minh họa.

Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH được áp dụng đối với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Tại Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH, trẻ em được nhận chăm sóc thay thế khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Trẻ em thuộc các đối tượng theo quy định tại Điều 62 Luật Trẻ em bao gồm:

+ Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa;

+ Trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em;

+ Trẻ em bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang cần được ưu tiên bảo vệ;

+ Trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ.

- Trẻ em thuộc danh sách được Sở LĐ-TB&XH, UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định đối với trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội;

- Trẻ em có đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 38 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em của Chính phủ;

- Được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Luật Trẻ em hoặc của người giám hộ đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Trẻ em;

- Trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên phải lấy ý kiến của trẻ em.

Theo Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập các thông tin về tình trạng và nhu cầu của trẻ em, các thành viên trong gia đình và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận chăm sóc thay thế.

Người có trách nhiệm cũng cần đánh giá tình trạng của trẻ em về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, tình hình học tập, điều kiện chăm sóc hiện tại, các nguy cơ có thể gây tổn hại cho trẻ em, nguyên nhân hoặc đối tượng gây tổn hại cho trẻ em, tình trạng gia đình, người thân thích (nếu có).

Thêm nữa, việc xác định các dịch vụ, chính sách hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em cần được chú trọng. UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đơn đăng ký và hướng dẫn các cá nhân, gia đình có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã, Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp cùng cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cần xác định và lựa chọn cá nhân, gia đình chăm thay thế.

Theo đó, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế phải bảo đảm các điều kiện bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em. Đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác minh theo mẫu số 11 ban hành kèm theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

Ngoài ra, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên bảo vệ trẻ em, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan cần xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em được nhận chăm sóc thay thế.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nhu cầu được nhận chăm sóc thay thế. Theo dõi và đánh giá tình trạng trẻ em, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế.

Thông tư 14/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 12/01/2021.

TRÀ MY

Không cấp giấy tờ nuôi con nuôi đã bị sửa chữa cho người dân

Lê Minh Hoàng