/ Góc nhìn
/ Đỉnh điểm của sự coi thường pháp luật

Đỉnh điểm của sự coi thường pháp luật

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Pháp luật về tố tụng hành chính cũng đã có những quy định rõ ràng đối với hành vi cản trở hoặc cố tình trì hoãn không thi hành bản án. Hình thức kỷ luật có thể là khiển trách hoặc cảnh cáo và có thể áp dụng những hình thức kỷ luật cao hơn đối với những công chức, viên chức có những hành vi này như cách chức hoặc giáng chức. Có điều, trong thực tế, chưa có trường hợp nào bị xử lý theo luật đối với những người có hành vi coi thường pháp luật này.

Đó là biểu hiện thường thấy nhất, công khai nhất trong việc xét xử và thi hành án hành chính như người bị kiện (Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan ra các quyết định hành chính bị kiện) triệu tập nhưng không đến Tòa, bản án có hiệu lực pháp luật mà không thi hành hoặc cản trở, kéo dài, trì hoãn thi hành án. Người thắng kiện trong những vụ án hành chính thường bị thua thiệt đủ điều, thể hiện cái thân phận pháp lý mong manh của họ.

Về phía cơ quan tố tụng và thi hành án thì có những biểu hiện nể nang, né tránh, không cương quyết cưỡng chế thi hành án,... thậm chí, có trường hợp trong phiên tòa xét xử án hành chính, người kiện (nguyên đơn) bị đối xử, tra vấn như bị cáo. Thái độ như vậy của Thẩm phán xét xử vụ án hành chính đủ thấy cán cân công lý đã bị nghiêng lệch như thế nào.

Tình trạng "ách tắc" trong lĩnh vực án hành chính được đề cập nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên diễn đàn Quốc hội. Mới nhất, ngày 25 tháng 3 vừa qua, khi thẩm tra các báo cáo nhiệm kỳ của TAND tối cao và Viện KSND tối cao vấn đề này lại được đưa ra "mổ xẻ" tại phiên họp UBTV Quốc hội, đề xuất các biện pháp tháo gỡ sự "ách tắc" này.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền 2 văn bản của các cơ quan hành chính bị thua kiện cùng với những ý kiến phản ứng coi đây là "đỉnh điểm" của sự coi thường pháp luật hay chính xác hơn là coi phán quyết của Tòa án là không là gì cả, công khai và ngang nhiên vô hiệu hóa bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đó là những công văn trả lời những nguyên đơn đã thắng kiện yêu cầu được thi hành án. Một Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm thẳng thừng bằng giấy trắng, mực đen khẳng định bản án của Tòa án Cấp cao là "sai quy định pháp luật" và lấy đó làm căn cứ để không thi hành bản án này. Còn UBND của một quận cũng phủ nhận phán quyết của bản án phúc thẩm, đã gửi đề nghị lên Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và tạm dừng thi hành bản án và lấy cái công văn đề nghị chưa được hồi đáp này làm căn cứ để "không có cơ sở" thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
Lý giải về đỉnh điểm của sự coi thường pháp luật này không thể cho rằng những người ban hành các văn bản trên không có những kiến thức pháp lý thông thường hay không hiểu biết pháp luật. Họ quá hiểu một điều đơn giản là bản án có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành nhưng không thèm thực hiện mà thôi!

Pháp luật về tố tụng hành chính cũng đã có những quy định rõ ràng đối với hành vi cản trở hoặc cố tình trì hoãn không thi hành bản án. Hình thức kỷ luật có thể là khiển trách hoặc cảnh cáo và có thể áp dụng những hình thức kỷ luật cao hơn đối với những công chức, viên chức có những hành vi này như cách chức hoặc giáng chức. Có điều, trong thực tế, chưa có trường hợp nào bị xử lý theo luật đối với những người có hành vi coi thường pháp luật này. 

NHỊ NGỌC

Lưu ý quan trọng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021

Lê Minh Hoàng