/ Hoạt động Luật sư
/ Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022

Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng ngày 05/3, Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết hoạt động năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Đại diện Sở Tư pháp, các đơn vị và trên 100 Luật sư tham dự tại điểm cầu Đoàn Luật sư tỉnh và các điểm cầu khác.

Chủ nhiệm Lê Quang Y phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo báo cáo của Ban chủ nhiệm tổng số thành viên của của Đoàn Luật sư năm 2021 là: 375 (trong đó, số Luật sư mới gia nhập Đoàn Luật sư trong năm 2021 là: 22); có 260 nam và 115 nữ. Tổng số người đăng ký tập sự hành nghề Luật sư năm 2021: 48 người; Số văn phòng Luật sư: 98, Công ty Luật: 38; Số Chi nhánh của tổ chức hành nghề Luật sư đặt tại địa phương: 19; Số Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề Luật sư đặt tại địa phương: 07, Số Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân: 06.

Số vụ án hình sự mà các Luật sư của Đoàn tham gia bào chữa: 257 vụ. Trong đó, số vụ án bào chữa chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng: 209 vụ; Số vụ án dân sự (kể cả án lao động, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại) tham gia bảo vệ: 678 vụ; Số vụ án hành chính tham gia bảo vệ: 11 vụ; Số vụ việc tư vấn pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại: 30 vụ.

Trong đó, số doanh nghiệp được Luật sư tư vấn theo hợp đồng dài hạn: 14 trường hợp; Số vụ việc Luật sư đại diện ngoài tố tụng: 172 vụ; Số vụ việc tư vấn khác: 627 vụ; Số vụ tư vấn pháp luật miễn phí: 493 vụ.

Một số kết quả cụ thể trên các mặt công tác của Đoàn Luật sư

Ban chủ nhiệm báo cáo tổng kết động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022.

Đoàn Luật sư tổ chức học tập chính trị - tư tưởng cho Luật sư thông qua chương trình hội nghị hàng năm và các đợt bồi dưỡng bắt buộc. Trong năm 2021 đã tổ chức 02 đợt; Chi bộ cũng đã triển khai dưới hình thức chuyên đề thường xuyên trong năm, cũng như qua sinh hoạt hàng tháng.

Trong năm 2021, do tình hình dịch bệnh covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Đồng Nai là 01 trong 04 tỉnh trọng điểm phía Nam, toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 08/07/2021 của UBND tỉnh (theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) trong thời gian hơn 04 tháng, nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động chung của Đoàn Luật sư.

Tuy vậy, kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (bắt buộc) cho Luật sư về về cơ bản đã hoàn thành, số lượng chưa đạt yêu cầu về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là rất thấp (khoảng 15%) so với năm trước. Số lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư do Đoàn Luật sư tổ chức: 02 lớp bồi dưỡng bắt buộc trực tuyến (qua Zoom, google meet) với 260 Luật sư theo học. 

Đồng thời các Luật sư tham gia học các lớp do VIAC, Liên đoàn Luật sưVN tổ chức, để tự thực hiện bồi dưỡng bắt buộc, ước đạt gần 85% đã hoàn thành nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc, có 14 Luật sư được miễn học (06 Luật sư trên 75 tuổi; 08 Luật sư tham gia giảng dạy), còn 121 Luật sư chưa tham gia các khóa học (chưa tính đến số đã đăng ký học khóa còn lại trong năm 2021) (danh sách kèm theo).

Ban chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp theo các chủ đề do Đoàn Luật sư tổ chức: 02 cuộc tọa đàm khoa học (Luật sư, nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nghề; Luật sư làm chứng trong các giao dịch về đất đai), với số lượng tham gia trực tiếp hơn 100 Luật sư và hàng trăm Luật sư tham gia trực tuyến (online).

Đoàn Luật sư tham gia đóng góp ý kiến 04 văn bản văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các cấp.

Tổ chức một điểm tư vấn pháp luật miễn phí tại trụ sở Đoàn Luật sư, tư vấn trực tiếp qua điện thoại, zalo, email trong 03 tháng bị tác động do dịch bệnh Covid-19 (tháng 08, 09 và 10/2021). Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phát động các TCHN Luật sư tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí kéo dài 01 tháng nhân kỷ niệm 76 năm ngày tuyền thống Luật sư Việt Nam và ngày Pháp luật Việt Nam (từ ngày 01/10 đến 31/10/2021) cho hơn hàng trăm lượt người dân. 

Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư còn phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Đồng Nai tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật như các chương trình “Pháp luật cho mọi người” (từ 19 giờ đến 20 giờ các ngày thứ 3, thứ 7 hàng tuần), chương trình “Tư vấn pháp luật hỗ trợ về Covid-19” trực tiếp từ 19 giờ đến 20 giờ thứ 04, thứ 06 hàng tuần trong tháng 09/2021, chương trình “Câu chuyện cảnh giác” vào tối chủ nhật hàng tuần. Với các hoạt động đó, đã có hàng ngàn người dân, doanh nghiệp tham gia tư vấn trực tiếp.

Phương hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022:

Toàn cảnh tổng kết động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ 2022.

Tiếp tục duy trì hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng ken thưởng kỷ luật và các ban chuyên môn, văn phòng Đoàn bằng cách tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, quyết định của Đại hội nhiệm kỳ VIII và điều hành hoạt động của Đoàn Luật sư; triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Liên đoàn Luật sưVN lần thứ III và Điều lệ Liên đoàn Luật sư được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội Liên đoàn lần III.

Tăng cường sức mạnh của tổ chức Đảng trong Đoàn Luật sư, kiện toàn cấp ủy và tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn của Đoàn Luật sư. Phấn đấu 100% Đảng viên là Luật sư thể hiện tính đầu tàu, gương mẫu trong chấp hành đạo đức nghề nghiệp và thực hiện chuyên môn nghiệp vụ.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư, bảo đảm hoạt động đúng pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng nghề nghiệp để tác động, gây ảnh hưởng đến đảm bảo công lý và lẽ công bằng và gây khó khăn trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp để không ngừng nâng cao hình ảnh và uy tín của nghề Luật sư.

Tổ chức bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ bắt buộc theo quy định, bảo đảm 100% Luật sư được bồi dưỡng hàng năm.

Nhiệm vụ ưu tiên của Đoàn Luật sư Đồng Nai trong nhiệm kỳ VIII

Các Luật sư tham dự Hội nghi trực tuyến qua Zoom.

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy nhân sự làm việc chuyên trách và bán chuyên trách của Đoàn Luật sư:

Nhân sự là yếu tố then chốt trong mọi hoạt động, nên đây là vấn đề ưu tiên trong số các nhiệm vụ ưu tiên của Đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn Luật sư và hỗ trợ cho hoạt động hành nghề của Luật sư. Đặc thù bộ máy tổ chức nhân sự của Đoàn Luật sư khác với bộ máy hành chính của nhà nước, đó là sự kết hợp giữa nhân sự chuyên trách và bán chuyên trách trong các cơ quan điều hành. Đối với các nhân sự chủ chốt như Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Chủ tịch HĐKT&KL, Chánh Văn phòng, các Trưởng ban chuyên môn, người đứng đầu các đơn vị trực thuộc Đoàn,… một mặt cần tăng cường nhân sự làm việc chuyên trách, mặt khác những nhân sự bán chuyên trách cần dành đủ thời gian và đóng góp có hiệu quả cho công việc.

Song song đó là cần xây dựng bộ máy giúp việc gọn nhẹ, hiệu quả để hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan điều hành. Cần có cơ chế, hình thức tổ chức phù hợp, linh hoạt để khuyến khích, huy động sự tham gia của các Luật sư vào các hoạt động chung của Đoàn. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị của Đoàn Luật sư trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung.

Điều lệ sửa đổi của Liên đoàn có nhiều nội dung thay đổi về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn, dẫn đến yêu cầu sửa đổi các quy chế làm việc phù hợp, cụ thể hóa các quy định của Điều lệ sửa đổi. Bên cạnh đó, yêu cầu phát huy vai trò tự quản, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Luật sư và đội ngũ Luật sư trong nhiệm kỳ mới đòi hỏi phải xây dựng, sửa đổi các quy chế làm việc để tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho Luật sư. Kết hợp công tác bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp Luật sư với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng Luật sư. Chuyển mạnh và nhanh từ bồi dưỡng trực tiếp sang hình thức bồi dưỡng trực tuyến (online).

Triển khai công tác giám sát, hỗ trợ Luật sư trong hành nghề, có sự phối hợp hỗ trợ giữa Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư với các Luật sư hành nghề. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư (sáp nhập Ban Giám sát và Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư theo Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sửa đổi, bổ sung).

Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật sư, phối hợp chặt chẽ công tác này giữa Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ sở vật chất của Đoàn Luật sư trong nhiệm kỳ VIII:

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Lê Quang Y trao tặng bằng khen cho các Luật sư.

Tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, Điều lệ và Quy chế tài chính của Đoàn. Xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính của Đoàn đảm bảo đúng quy định, phù hợp với đặc thù của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư.

Công khai, minh bạch, có chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát. Có biện pháp hiệu quả nhằm thu đúng, thu đủ số phí thành viên, có chính sách miễn, giảm phí thành viên đối với các đối tượng chính sách, các Luật sư già yếu, bệnh tật hay gặp rủi ro trong nghề nghiệp. Thực hiện việc chi tiêu của Đoàn theo kế hoạch đã được duyệt và theo đúng quy chế tài chính của Đoàn.

Xây dựng và củng cố các trang thông tin điện tử, cơ quan truyền thông của Đoàn Luật sư để truyền thông kịp thời, chính xác những đóng góp của đội ngũ Luật sư với Nhà nước và xã hội.

Xây dựng các Ban chuyên sâu như Ban hình sự, Ban tư vấn, dịch vụ và tranh tụng lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Ban tư vấn, đầu tư và thương mại quốc tế của nghề Luật sư nhằm khẳng định năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư với xã hội.

Đoàn Luật sư sẽ hướng đến thành lập các ban, tổ công tác trong từng lĩnh vực để tập hợp những Luật sư hành nghề chuyên sâu, chịu trách nhiệm kết nối, đề xuất về những chính sách, biện pháp tạo điều kiện phát triển, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển và tập trung chuyên môn trong từng lĩnh vực;…

Thông qua các hoạt động, Đoàn sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể đưa ra các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý ở hầu hết các lĩnh vực pháp lý của đời sống xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cho toàn thể đội ngũ Luật sư phát triển trong thời gian tới.

Phát triển nghề Luật sư, tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư gắn với chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế theo tinh thần Chương trình chuyển đổi số quốc gia đế năm 2025, định hướng năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 74/QĐ-TTG ngày 03/06/2020.

Đồng thời, thành lập Tổ công tác về chuyển đổi số có nhiệm vụ xây dựng Đề án về chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư và hỗ trợ luật cho Luật sư trong hoạt động hành nghề.

TĂNG TIẾN

Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3

Admin