/ Nghề Luật sư
/ Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư tại TP. Hạ Long

Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư tại TP. Hạ Long

11/09/2023 11:22 |

(LSVN) - Vào ngày 09/9/2023, tại TP. Hạ Long, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư cho hơn 120 Luật sư thành viên của hai Đoàn. Chuyên đề Lớp bồi dưỡng là “Trao đổi kinh nghiệm và ứng xử đạo đức nghề nghiệp luật sư tham gia tố tụng trong một số vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình” do Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì và giới thiệu.

Toàn cảnh Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư do Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa phối hợp tổ chức tại TP. Hạ Long ngày 09/9/2023.

Tại Lớp bồi dưỡng, Luật sư Phan Trung Hoài nêu lên một số kết quả đội ngũ Luật sư Việt Nam tham gia trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua, đã góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cho các bị cáo, đương sự trong các vụ án, đặc biệt là góp phần đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo Điều 26 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Tuy nhiên, từ báo cáo của Ủy ban Giám sát, hỗ trợ Luật sư, thời gian qua, Liên đoàn nhận được nhiều yêu cầu bảo vệ quyền hành nghề luật sư khi tham gia các vụ án hình sự, tập trung chủ yếu vào một số biểu hiện Luật sư gặp khó khăn trong việc đăng ký thủ tục bào chữa, đặc biệt là việc gặp và tham dự các buổi hỏi cung trong giai đoạn điều tra, cũng như hiện tượng một số Luật sư khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa bị chủ tọa ngắt lời, thậm chí yêu cầu rời phòng xử án, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín, hình ảnh của Luật sư và quyền lợi hợp pháp của đương sự (điển hình là trường hợp hai Luật sư tham gia bào chữa trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung ở Tòa án cấp sơ thẩm ở tỉnh Nghệ An bị buộc rời phòng xử án mặc dù ứng xử đúng mực).

Các Luật sư đã thảo luận sôi nổi về các tình huống phát sinh và ứng xử của Luật sư trong giai đoạn điều tra theo Quy tắc 27 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư năm 2019. 

Ban Chủ nhiệm và các Luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa chụp ảnh lưu niệm.

Phần trọng tâm của Lớp bồi dưỡng đề cập việc trao đổi kinh nghiệm trong quá trình tham gia tố tụng các vụ án kinh tế, tham nhũng, từ quá trình tiến hành thủ tục đăng ký, tham dự các buổi hỏi cung, đối chất và các hoạt động điều tra khác; kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án, xây dựng kế hoạch thẩm vấn, dự thảo quan điểm pháp lý bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa.

Liên quan nội dung này, các Luật sư tham gia Lớp bồi dưỡng đã trao đổi, nêu lên những đặc điểm đặc thù khi tham gia các vụ án kinh tế, tham nhũng, những điểm cần lưu ý trong quan hệ với khách hàng, ứng xử chuẩn mực trong quan hệ tố tụng với các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Đặc biệt, Luật sư Phan Trung Hoài đã giới thiệu một số ví dụ cụ thể về cách thức Luật sư chuẩn bị hình thành cơ sở luận lý nhằm chuẩn bị ý kiến bào chữa tại phiên tòa, trong bối cảnh nhận thức và áp dụng pháp luật trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn nhiều cách tiếp cận và cách hiểu khác biệt giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.

Các Luật sư tham gia Lớp bồi dưỡng đã tích cực tham gia ý kiến về quá trình tham gia phiên tòa, đặc biệt là ứng xử văn hóa pháp đình tại phiên tòa trong quá trình tranh tụng với Kiểm sát viên. Kết thúc Lớp bồi dưỡng sau một ngày làm việc, các Luật sư của hai Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh và Thanh Hóa có điều kiện giao lưu, chia sẻ và thắt chặt tình đồng nghiệp.

Luật sư Phan Trung Hoài trao tượng trưng Giấy chứng nhận cho các Luật sư tham gia Lớp bồi dưỡng.

Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh trao lưu niệm cho Luật sư Phan Trung Hoài.

NINH LONG

Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội thảo sơ kết 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tại khu vực phía Nam

Bùi Thị Thanh Loan