/ Luật sư trực ban
/ Đối tượng đầu thú liệu có được giảm nhẹ tội danh?

Đối tượng đầu thú liệu có được giảm nhẹ tội danh?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đầu thú ở đây có thể hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội đã tự thừa nhận hành vi phạm tội của mình sau khi hành vi đó đã bị phát hiện nhưng người phạm tội đó vẫn chưa bị bắt giữ. Đầu thú hoàn toàn không giống với tự thú và do đó nó chỉ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong cùng khung hình phạt chứ không thể là tình tiết được sử dụng để chuyển khung hình phạt, quyết định hình phạt dưới khung khi kết hợp với Điều 54, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và càng không thể được sử dụng làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt cho người phạm tội.

Mặc cán bộ CSGT đu bám trên nắp capo, Trần Văn Quý vẫn nhấn ga bỏ chạy. Ảnh: CACC.

Mới đây, chiều 15/3, trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Quý (36 tuổi, trú xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa) để làm rõ hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Trước đó, ngày 26/02, Đội CSGT, trật tự Công an huyện Hiệp Hòa làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lí vi phạm tốc độ trên tuyến ĐT 295, đoạn thuộc địa phận xã Châu Minh (huyện Hiệp Hòa) thì phát hiện Quý điều khiển ô tô mang biển số 99A-187.15 chạy quá tốc độ cho phép đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Nhận hiệu lệnh, Quý không những không chấp hành mà còn nhấn ga đạp tông thẳng vào tổ công tác. Để đảm bảo an toàn, anh H.N.H, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Hiệp Hòa phải nhảy lên nắp capo xe ô tô của Quý.

Mặc anh H. đu bám trên nắp capo, Quý tiếp tục tăng ga bỏ chạy theo hướng đi cầu Đông Xuyên (xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa). Khi Quý chạy được khoảng 2,8 km thì bị Công an huyện Hiệp Hòa chặn đầu, yêu cầu dừng lại.

Bị chặn lại, Quý không đợi anh H. xuống xe mà chống đối, đánh lái tiếp tục bỏ chạy khiến anh H. phải nhảy xuống để đảm bảo an toàn.

Đến khoảng 22 giờ ngày 26/02, Quý đến Công an huyện Hiệp Hòa đầu thú.

Có thể xử lý hình sự nhiều tội danh

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Ngô Ngọc Diễm, Công ty Luật TNHH ThinkSmart, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT và cố tình nhấn ga, tông thẳng vào tổ công tác do đối tượng Trần Văn Quý thực hiện là hành vi nguy hiển cho xã hội. Có thể tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi đã thực hiện mà đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự tương ứng.

Cụ thể, trong trường hợp đối tượng Quý đơn thuần chỉ thực hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, hành vi này có bản chất là cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người đang thi hành công vụ là CSGT trong hoạt động kiểm tra, tuần tra giao thông đường bộ. Do đó, hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe sẽ bị xử lí theo Điều 21, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy.

Điều 21. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho đối tượng, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, trong vụ việc này ngoài hành vi không dừng xe theo hiệu lệnh, đối tượng Quý còn thực hiện thêm hành vi tông thẳng vào tổ công tác khiến cho một cán bộ của Đội CSGT-TT Công an huyện Hiệp Hòa phải nhảy lên nắp capo xe ô tô. Mặc dù biết hành vi trên, nhưng Quý vẫn tiếp tục chạy thêm một đoạn được khoảng 2,8 km. Về hành vi có dấu hiệu tội phạm là thông qua công cụ phương tiện là ô tô, đối tượng Quý đã thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực với bản chất là sự va chạm, sát thương của ô tô có thể gây ra khi tông vào tổ công tác để ngăn cản, cản trở CSGT thi hành công vụ là dừng xe và kiểm tra, xử phạt đối với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ trước đó của mình.

Theo Luật sư, có thể thấy về mặt chủ quan, đây là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi này, đối tượng Quý có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ", tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cần chú ý là hành vi dùng vũ lực đối với tội "Chống người thi hành công vụ" này không đòi hỏi người phậm tội phải gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe đáng kể của người thi hành công vụ.

Do đó, việc chiến sĩ CSGT bám trên Capo có bị thương hay không thì đối tượng Quý vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, trong trường hợp chiến sĩ CSGT bị thương tích hoặc tổn hại đáng kể về sức khỏe thì đối tượng này còn có thể sẽ bị xử lí trách nhiệm hình sự về một tội danh khác nặng hơn là tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với tình tiết tăng nặng là: “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Đối tượng đầu thú liệu có được giảm nhẹ tội danh?

Sau khi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, đến khoảng 22 giờ ngày 26/02, đối tượng Quý đã đến Công an huyện Hiệp Hòa đầu thú. Về hành vi này, Luật sư Diễm đánh giá đây sẽ là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho đối tượng Quý mà Cơ quan tiến hành tố tụng sau này cần áp dụng để quyết định hình phạt (nếu có).

Cụ thể, Luật sư cho biết, tình tiết giảm nhẹ này được quy định chi tiết tại khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau: “2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lí do giảm nhẹ trong bản án”.

Theo đó, đầu thú ở đây có thể hiểu là người thực hiện hành vi phạm tội đã tự thừa nhận hành vi phạm tội của mình sau khi hành vi đó đã bị phát hiện nhưng người phạm tội đó vẫn chưa bị bắt giữ. Đầu thú hoàn toàn không giống với tự thú và do đó nó chỉ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong cùng khung hình phạt chứ không thể là tình tiết được sử dụng để chuyển khung hình phạt, quyết định hình phạt dưới khung khi kết hợp với Điều 54, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và càng không thể được sử dụng làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt cho người phạm tội.

Trong vụ việc này, có thể thấy ngay lúc sự việc xảy ra đối tượng Quý đã không nhận thức được hành vi của mình. Chống đối lại tổ công tác, có hành vi gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà ảnh hưởng đến cán bộ thực thi nhiệm vụ. Xét thấy lúc thời điểm xảy ra, nếu đối tượng này có hoảng loạn không làm chủ được bản thân, biết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của các cán bộ thực thi nhiệm vụ nhưng vẫn có những hành vi vi phạm. Tòa án có thể coi đó là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải được ghi rõ lí do giảm nhẹ.

Do đó, việc Quý đến đầu thú có thể coi là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên tình tiết này bắt buộc phải được Tòa án xem xét và ghi rõ lí do trong bản án chứ không đương nhiên là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Được biết, tình trạng chống người thi hành công vụ không phải là hành vi mới, hành vi này tồn tại trong xã hội đã được một khảng thời gian dài nhưng chưa có cách nào có thể khắc phúc được triệt để. Việc này không chỉ thể hiện ý thức coi thường pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, đến hiệu quả của công tác của các lực lượng thi hành công vụ. Bên cạnh đó, có những trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tinh mạng, sức khỏe của những cán bộ thi hành công vụ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân có thể thấy rõ nhất là chưa có quy định rõ ràng cụ thể về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lí hành vi chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, người dân vẫn coi thường những hình phạt mà pháp luật đã quy định.

"Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ, xử lí nghiêm các đối tượng có biểu hiện chống đối, kích động, lôi kéo nhân dân vào các hoạt động vi phạm pháp luật nói chung và chống người thi hành công vụ nói riêng. Đồng thời, cần ban hành những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn với những trường hợp quá kích trong việc chống người thi hành công vụ, không để lọt tội phạm, răn đe nghiêm khắc để người phạm tội không tái phạm", Luật sư Ngô Ngọc Diễm bày tỏ quan điểm.

HOÀNG MINH

Vụ nghi lừa đảo xuất khẩu điều đi Italy: Doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

Admin