/ Luật sư trực ban
/ Đối tượng vờ mua vàng rồi bỏ chạy ở Hà Nội sẽ bị xử lý về tội gì?

Đối tượng vờ mua vàng rồi bỏ chạy ở Hà Nội sẽ bị xử lý về tội gì?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đang điều tra vụ cướp tiệm vàng xảy ra trên phường Mỹ Đình 2. Thông tin ban đầu, vào chiều ngày 04/10, một đối tượng nam vào cửa hàng vàng trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, vờ mua rồi cầm vàng bỏ chạy. Vậy, theo quy định của pháp luật, đối tượng vờ mua vàng rồi bỏ chạy ở Hà Nội sẽ bị xử lý về tội gì?

Người dân vây bắt nghi phạm.

Liên quan đến vụ việc này, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết vụ việc có dấu hiệu của hành vi lừa đảo và cướp giật tài sản. Tuy nhiên, hành vi cướp giật tài sản của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên sẽ bị xử lý về một tội danh là tội “Cướp giật tài sản”.

Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân, hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn hành vi giật tài sản của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát là hành vi cướp giật tài sản.

Luật sư phân tích rõ, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối có trước làm cho nạn nhân tin tưởng bàn giao tài sản cho đối tượng và khi đã nhận, quản lý tài sản thì đối tượng chiếm đoạt, không có ý định trả lại tài sản. Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua một giao dịch dân sự hoặc kinh tế vô hiệu do bị lừa dối. Còn nếu tài sản vẫn trong sự quản lý của người bị hại, đối tượng tiếp cận, chiếm đoạt rồi bỏ chạy thì không được coi là lừa đảo.

Trong vụ việc này đối tượng đã gian dối là mua vàng để người bán vàng đưa cho vàng cho đối tượng xem rồi bất ngờ cầm vàng bỏ chạy. Việc chuyển giao vàng trong tình huống này là chuyển giao để cho xem chứ không phải là một giao dịch dân sự đã hoàn thành (mua bán). Thực tế thì số vàng đó vẫn ở trong tiệm vàng, dưới sự kiểm soát của người bán, giao dịch chưa được thực hiện, chưa có hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản, người mua vàng chưa trả tiền, chưa được quyền quyết định đối với số vàng đó nên hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ thỏa mãn khi có việc chuyển quyền sở hữu tài sản do bị lừa dối bằng thủ đoạn lừa dối trước đó của đối tượng gây án.

“Vụ việc này cũng không thể xử lý về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, bởi hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi nhận tài sản hợp pháp (đã có việc chuyển giao tài sản hoặc nhặt được tài sản), tài sản đang nằm trong sự quản lý trực tiếp của người không phải là chủ sở hữu tài sản, nhưng người này cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu dù chủ sở hữu đã đòi, đã yêu cầu trả lại.

Trong vụ việc này, hành vi của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, hành vi gian dối về việc mua hàng trước đó chỉ là thủ đoạn khiến cho nạn nhân lơ là nhằm mục đích tiếp cận, giật tài sản rồi tẩu thoát. Hành vi chiếm giữ tài sản, không muốn trả lại tài sản là dấu hiệu của yếu tố chiếm đoạt trong tội “Cướp giật tài sản”, Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo đó, mức hình phạt cụ thể với đối tượng này sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản muốn chiếm đoạt, căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

TIẾN HƯNG

Đề xuất công khai các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh

Lê Minh Hoàng