/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Ấn phẩm đặc biệt - Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân Tân Sửu

Đón đọc Ấn phẩm đặc biệt - Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân Tân Sửu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt Xuân Tân Sửu với những bài viết đặc sắc của các tác giả là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Luật sư… đem lại cho độc giả những cái nhìn khái quát về các vấn đề kinh tế, xã hội; các vấn đề pháp lý đang được quan tâm.

Năm 2020 khép lại với rất nhiều biến động của tình hình kinh tế, xã hội. Đại dịch Covid-19 xảy ra với nhiều diễn biến khó lường ở cả trong nước và thế giới; thiên tai, lũ lụt… tại miền Trung gây ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và đời sống nhân dân. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, chung sức đồng lòng của hệ thống chính quyền, doanh nghiệp, người dân, đất nước đang từng bước vượt qua đại dịch với nền kinh tế được duy trì mức tăng trưởng dương, một kết quả hiếm hoi so với các nước trên thế giới.

Tiếp nối thành công của những ấn phẩm trước đó, Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân Tân Sửu ra mắt vào những ngày đầu của năm 2021, Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả Ấn phẩm Tết đặc biệt Xuân Tân Sửu với những nội dung đặc sắc, đa chiều.

Ấn phẩm đặc biệt Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân Tân Sửu.

Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tác giả Cù Tất Dũng, Ban Nội chính Trung ương có bài viết “Vững tin tiến bước”.

Năm 2020 là một năm có ý nghĩa quan trọng, đó là “bậc thềm” chúng ta phải đi qua để bước vào thập niên mới - năm đầu tiến hành thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Năm nay cũng là một năm đầy khó khăn, thách thức, nhưng có ý nghĩa khi mà Việt Nam ghi dấu ấn về khả năng vượt khó, vươn lên, khi mà đại dịch Covid-19 hoành hành, kinh tế lao đao, rất nhiều lao động mất việc làm, kèm thêm đó bão lũ dồn dập đổ về gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Qua thử thách, mới thấy lòng nhân ái, yêu thương, sẻ chia đã tạo nên sức mạnh Việt Nam, tình đoàn kết dân tộc để chiến thắng thiên tai, dịch bệnh và Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có chỉ số GDP tăng 2,91%. Điều này sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý.

Cũng trong những ngày tháng cả nước hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ đến Bác - vị Cha già dân tộc, Người dành cả cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Những tình cảm Bác dành cho mỗi người dân Việt Nam là sự quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, đến những điều bình dị nhất – trong đó có cả những Luật sư. Bài viết “Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn” của tác giả Bình Sơn là những khái quát sâu sắc nhất về những tình cảm đó.

Trọng thị và ân tình - đó là cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giới Luật sư nói chung và thể hiện ở các trường hợp cụ thể đối với riêng các Luật sư Người từng gặp gỡ, làm việc. Thái độ ứng xử đó khiến các luật sư nể phục, theo Bác và đem hết tâm trí, sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, góp phần rất lớn trong việc hình thành và phát triển nền tư pháp Việt Nam dưới ánh sáng “pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh” (chữ dùng của cố Luật sư Vũ Đình Hòe).

Cách đây 75 năm, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã diễn ra theo lối phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội khóa I. Một công việc hàng đầu của Quốc hội là ban hành Hiến pháp. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của nhà nước và chế độ. Hiến pháp năm 1946 là một bản hiến văn ngắn gọn và súc tích, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp 1946 là: 1) Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo; 2) Bảo đảm các quyền tự do dân chủ; 3) Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân.

Nội dung này được PGS. TS. LS Chu Hồng Thanh khái quát trong bài viết: “75 năm Quốc hội khóa 1 ban hành Hiến pháp năm 1946”.

Theo PGS. TS. LS Chu Hồng Thanh, Hiến pháp 1946 đã tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng và hiến pháp dân chủ, tiến bộ trên thế giới, đồng thời đã “Việt hóa” tối đa cho phù hợp với điều kiện của nước ta ở thời điểm đó. Mặc dù những quy định trong Hiến pháp 1946 chưa được tổ chức kiểm nghiệm nhiều trong thực tế do điều kiện lịch sử ngay sau đó đất nước phải trải qua chiến tranh, nhưng tinh thần, tư tưởng và giá trị của Hiến pháp 1946 đã được đặt ra và kế thừa trong quá trình xây dựng Hiến pháp 2013, trong đó tư tưởng Hiến pháp về một nhà nước liêm chính, kiến thiết quốc gia và phục vụ nhân dân vẫn là tư tưởng nhân văn trường tồn ở Việt Nam, vì mục tiêu  dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 (“BLLĐ 2019”), thay thế Bộ luật Lao động 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 đã ghi nhận nhiều thay đổi quan trọng về Hợp đồng lao động như: nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động; tăng tính nhận diện các quan hệ lao động diễn ra trên thực tế; chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu; không còn loại Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định; không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động dưới 01 tháng; thêm 02 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động; thời gian giải quyết và trách nhiệm của 2 bên khi chấm dứt hợp đồng lao động… "Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và hệ lụy pháp lý" là nghiên cứu của Luật sư Phạm Thị Thùy Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Tuệ Vinh.

Luật sư Lê Hồng Lam với bài viết nghiên cứu: “Thực hiện pháp luật về quyền bào chữa trong tố tụng hình sự” đã nêu rõ trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là phải bảo đảm và bảo vệ việc thực hiện quyền. Được coi là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, quyền bào chữa cần được thực thi trong thực tế. Vấn đề này được đặt ra không chỉ nhằm cung cấp cho các chủ thể những yếu tố cần thiết để thực hiện quyền mà còn nhằm bảo đảm tính công bằng trong hệ thống tư pháp.

Bài viết này đi sâu phân tích thực tế việc thực hiện pháp luật về quyền bào chữa dựa trên Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 dưới góc tiếp cận của một trong những lý thuyết được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam phân loại việc thực hiện pháp luật thành bốn dạng thức: i) Tuân thủ pháp luật; ii) Chấp hành pháp luật; iii) Sử dụng pháp luật; iv) Áp dụng pháp luật.

Ngày 18/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 123/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 (Đề án 123); trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này. Năm 2020 là năm kết thúc giai đoạn 10 năm thực hiện Đề án. Để tìm hiểu về kết quả thực hiện Đề án 123 thời gian qua và định hướng triển khai trong những năm tiếp theo, phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam đã thực hiện bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu về nội dung này.

Trong thời khắc năm cũ sắp qua đi, một mùa Xuân mới lại về, mỗi người trong chúng ta thường có một thói quen là kiểm lại những việc đã làm trong một năm để tìm xem mình đã làm được gì và còn những gì khiếm khuyết cần phải chú tâm sửa đổi. Để rồi, trên cái bình diện ấy, mỗi người tự củng cố cho mình một niềm tin mới, một sức sống mới để đón một mùa Xuân mới tràn đầy sức sống và hy vọng. Trong năm qua, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với giới Luật sư là Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp mới đã được ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Hội đồng Luật sư toàn quốc cũng đã ra Nghị quyết số 16/NQ-HĐLSTQ ngày 27/12/2020 về việc bồi dưỡng, quán triệt phổ biến Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Nhân sự kiện này, trong tâm thế đón mùa Xuân mới, là một Luật sư đã hành nghề lâu năm, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam có bài viết: “Nghĩ thêm về đạo đức của nghề Luật sư”.

Trong hơn 30 năm đổi mới, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở nước ta đã có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng tiến bộ hơn và dần tiệm cận với quy trình lập pháp hiện đại của nhiều nước trên thế giới. Nhờ đó, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống VBQPPL tương đối đầy đủ, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đã đánh dấu một bước tiến mới trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL của nước ta. Với những quy định mới, tiến bộ, Luật năm 2015 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật. Qua hơn 03 năm thi hành Luật năm 2015, nhiều quy định mới của Luật đã tác động, góp phần thay đổi tư duy và những quan niệm cũ về xây dựng pháp luật. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã ngày càng quan tâm và tập trung hơn về nguồn lực và thời gian cho hoạt động xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến dự án, dự thảo VBQPPL; nhận thức sâu sắc hơn về việc quy định thủ tục hành chính (TTHC) trong VBQPPL; VBQPPL do hội đồng nhân dân (HĐND), ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, cấp xã ban hành giảm đáng kể…

Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật năm 2015 cũng đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc và một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2015, ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật năm 2020). Tác giả Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp có bài viết “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Nhà chung cư đang phát triển mạnh tại Việt Nam trong những năm gần đây do nhu cầu nhà ở tại các đô thị tăng cao. Tuy nhiên, kéo theo đó là các tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến chung cư cũng liên tục xảy ra, nhất là ở các thành phố lớn. Bất chấp nỗ lực hoàn thiện chính sách của các cơ quan quản lý, xung đột giữa người dân và chủ đầu tư dự án nhà chung cư vẫn liên tục nổ ra cho thấy “cuộc chiến” này chưa có hồi kết. Có thể nhận thấy nguyên nhân chủ yếu trong các vụ tranh chấp hiện nay liên quan đến sở hữu chung - riêng, cách xác định diện tích căn hộ và chuyển giao phí bảo trì chung cư và một số vấn đề khác liên quan đến phí dịch vụ, giấy chứng nhận sở hữu căn hộ. Luật sư Trương Anh Tú với bài viết “Giải pháp nào hạn chế tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư” đã khái quát lên được những nguồn gốc của các tranh chấp và giải pháp đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng đang “rất nóng” tại các đô thị ở Việt Nam.

“Những sai sót về nội dung khi giải quyết vụ án hành chính liên quan đến đất đai” là nghiên cứu của Thạc sĩ Chu Hải Đăng, TAND Tối cao đã đi sâu nghiên cứu về khiếu kiện quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Theo tác giả, nhìn chung, khi giải quyết các vụ án khiếu kiện QĐHC về đất đai, nếu thỏa mãn các điều kiện về tố tụng, thì tòa án phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của QĐHC; tức là xem xét tính hợp pháp về mặt thẩm quyền, trình tự và căn cứ ban hành QĐHC.

Chuyên mục “Nhìn ra thế giới”, tác giả Lê Hùng với bài viết “Vị Thẩm phán và những phiên tòa nhân văn” nói về Thẩm phán Frank Caprio - là vị Thẩm phán nổi tiếng không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Ông làm việc tại tòa sơ thẩm Providence trong suốt 40 năm qua, chuyên thụ lý các vụ án như đỗ xe trái phép, lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ… ở Providence, Rhode Island, một bang nhỏ nhất của Hoa Kỳ.

Các phiên tòa mà Frank Caprio xét xử đều rất nổi tiếng trên mạng xã hội và được đài truyền hình địa phương dựng thành chương trình “Caught in Providence” (bị bắt tại Providence).

Thẩm phán Frank luôn có góc nhìn rất khác biệt khi xử án, ông luôn nhìn thấy những điểm tốt nhất ở con người. Bằng sự bao dung, lòng trắc ẩn, sự khiêm tốn, lòng tốt và đồng cảm của mình, ông đã trao cho mọi người những bài học cuộc sống rất tuyệt vời.

Đón chào năm Tân Sửu, tác giả Liêu Chí Trung đã có những “Hồi ức về miền lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam” tại xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tạp chí Luật sư Việt Nam Số đặc biệt Xuân Tân Sửu còn có những bài viết là sáng tác thơ, văn của các tác giả là Luật sư, nhà nghiên cứu… đem đến cho độc giả những phút thư giãn trước thềm năm mới Tân Sửu- 2021.

Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trong cả nước Ấn phẩm đặc biệt Tạp chí Luật sư Việt Nam số Xuân Tân Sửu.

BBT

Tạp chí Luật sư Việt Nam chung tay ‘sưởi ấm’ Tết vùng cao

Lê Minh Hoàng