/ Hoạt động Luật sư
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 9/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 9/2022

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Với chủ đề "Thực trạng xây dựng nền tư pháp Việt Nam và những vấn đề đặt ra", Tạp chí Luật sư Việt Nam số 9/2022 có các bài: Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư; Pháp nhân và sự lạm dụng tư cách pháp nhân trong hoạt động thương mại; Pháp nhân và sự lạm dụng tư cách pháp nhân trong hoạt động thương mại; Một số vấn đề về phí trọng tài thương mại.

Quý độc giả đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 9/2022, nội dung phong phú với một số bài viết chính như sau:

“Thực trạng xây dựng nền tư pháp Việt Nam và những vấn đề đặt ra” là nhan đề bài viết của PGS.TS Trương Thị Hồng Hà (Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương).

Thực tiễn cho thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tư pháp Việt Nam phát triển không ngừng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Uy tín, vị thế của cơ quan tư pháp và các chức danh tư pháp ngày càng được nâng cao; nền tư pháp được xây dựng ngày càng công khai, minh bạch, chịu sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp có mặt còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước. Ở bài viết này, tác giả tập trung đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam theo đúng mục tiêu Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đồng thời là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh có bài “Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư”. “Giải quyết xung đột lợi ích” đã được quy định trong Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam của Liên đoàn Luật sư Việt Nam được ban hành từ năm 2011 (Quy tắc 2011). Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc, thay thế Quy tắc 2011 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề xung đột lợi ích, tập trung ở Quy tắc 15, gồm 4 nội dung chính: (1) Định nghĩa thế nào là “xung đột lợi ích”; (2) Yêu cầu về những hành vi ứng xử cơ bản của Luật sư đối với “xung đột lợi ích”; (3) Liệt kê những trường hợp “xung đột lợi ích” điển hình mà Luật sư không được phép nhận hoặc thực hiện vụ việc; (4) Cho phép Luật sư nhận hoặc thực hiện vụ việc có “xung đột lợi ích” nếu được khách hàng đồng ý bằng văn bản, trừ một số trường hợp. Bài viết của tác giả đã đi sâu phân tích các khái niệm này.

Liên quan đến vấn đề phí trọng tài thương mại, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Phí trọng tài gồm: Thù lao trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho trọng tài viên; phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của hội đồng trọng tài; phí hành chính; phí chỉ định trọng tài viên vụ việc của trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp; phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi trung tâm trọng tài. Phí trọng tài do trung tâm trọng tài ấn định. Việc cho phép các trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài tự do tính phí đã giúp tăng tính cạnh tranh giữa các trung tâm và giữa các trọng tài với nhau, do đó, các bên tranh chấp cũng có lợi hơn về chi phí phải trả cho mỗi lần xử lý. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít những bất cập xuất phát từ tính chất quá tự do này về cơ sở tính phí trọng tài thương mại, các trường hợp hoàn phí trọng tài, xử lý án phí khi tòa án hủy phán quyết trọng tài… Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), qua thực tiễn hành nghề của mình đã phân tích thực trạng nói trên và giải pháp đối với vấn đề phí trọng tài thương mại hiện nay qua bài viết “Một số vấn đề về phí trọng tài thương mại”.

Bài viết “Pháp nhân và sự lạm dụng tư cách pháp nhân trong hoạt động thương mại” của TS Nguyễn Văn Lâm (Viện Kinh tế và quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích những đặc tính pháp lý cơ bản của pháp nhân và sự lạm dụng tư cách pháp nhân trong hoạt động thương mại. Tác giả cho rằng, lạm dụng tư cách pháp nhân được hiểu các thành viên/cổ đông, người quản lý dựa vào tư cách pháp lý của pháp nhân để thực hiện các hành vi mang lợi ích cho cá nhân mình mà không phải lợi ích của pháp nhân, gây tổn hại cho pháp nhân, nhà đầu tư và các chủ thể khác. Bên cạnh đó, hành động lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi hoặc vì lợi ích của các cổ đông nắm quyền kiểm soát. Các hành vi này vi phạm điều cấm hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật và điều lệ pháp nhân. Bài viết tập trung phân tích một số hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân thường xảy ra trong thực tiễn như: Lạm dụng tư cách pháp nhân để huy động vốn, để thực hiện hoạt động không vì lợi ích của pháp nhân, trong việc thành lập công ty con… Qua đó, tác giả kiến nghị: cần thiết phải nghiên cứu, tiếp nhận đầy đủ học thuyết “xuyên qua màn che công ty” vào các quy định pháp luật để ngăn ngừa và trừng trị những hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân nhằm phục vụ lợi ích cá nhân, xâm hại đến pháp nhân, nhà đầu tư và các chủ thể khác.

Trong các quan hệ tố tụng hình sự, không phải lúc nào chủ thể cũng trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng. Thay vào đó, người đại diện của họ có thể thay mặt họ giải quyết các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định liên quan đến người đại diện của cá nhân. Người đại diện của cá nhân có thể là người tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc cũng có thể với tư cách là người đại diện của người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiện, thực tiễn thực hiện các quy định về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự còn gặp một số vướng mắc, bất cập. Bài viết “Về người đại diện của cá nhân trong tố tụng hình sự” của tác giả Lê Xuân Quang (Tòa án Quân sự khu vực, Quân khu 1) phân tích cụ thể những vướng mắc, bất cập này.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư,… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 9/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8/2022

Lê Minh Hoàng