/ Tư vấn
/ Đơn phương chấm dứt hợp đồng phải chịu bồi thường như thế nào?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng phải chịu bồi thường như thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Doanh nghiệp của tôi có thuê xưởng của bà T. để hoạt động sản xuất. Nay chưa hết hạn hợp đồng thuê xưởng bà T. đã yêu cầu đơn phương chấm dứt. Việc chấm dứt hợp đồng này sẽ dẫn đến một số thiệt hại của công ty tôi như: chi phí tìm kiếm thuê địa điểm mới, chậm trễ giao các đơn hàng đang được sản xuất… Xin hỏi tôi có thể yêu cầu bà T. bồi thương những chi phí nào? Ông T.N. (Tây Ninh) có hỏi.

Ảnh minh họa.

Hợp đồng là văn bản xác lập giao dịch giữa hai bên, theo đó các bên đều có nghĩa vụ tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận đã được xác lập trong hợp đồng. Pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm, bởi vậy khi một bên vi phạm hợp đồng thì bên còn lại có quyền yêu cầu:

- Chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện đúng hợp đồng.

- Khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra bao gồm như: bồi thường thiệt hại, phạt, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Cụ thể chế tài xử lý hành vi vi phạm được quy định cụ thể tại hợp đồng đã được xác lập.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp Hợp đồng đã được xác lập không quy định rõ về trường hợp bồi thường thì các bên áp dụng quy định của pháp luật về vấn đề bồi thường thiệt hại để có căn cứ xử lý.

Tại Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại như sau: "Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".

Theo Điều 419 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng như sau:

Điều 419. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng
1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. (Theo Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Về thời hiệu khởi kiện hợp đồng được quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm".

Như vậy, có thể thấy rõ ràng doanh nghiệp của bạn có thể yêu cầu bà T. có hành vi vi phạm hợp đồng phải bồi thường toàn bộ các tổn thất mà doanh nghiệp của bạn phải chịu do hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định trên do bà T. gây ra.

THÁI HÀ

/phap-luan-hien-hanh-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-quyen-yeu-cau-phan-to-cua-bi-don.html