/ Thư viện pháp luật
/ Dự án Luật Căn cước: Một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính

Dự án Luật Căn cước: Một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính

26/10/2023 14:34 |

(LSVN) – Dự án Luật Căn cước là một trong 9 dự án luật quan trọng sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Dự án Luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện. Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trịnh Văn Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư ATK, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội xung quanh dự án Luật này.

Ảnh minh họa.

PV: Luật sư có thể khái quát về dự án Luật Căn cước trước khi trình Quốc hội thông qua?

Luật sư Trịnh Văn Toàn: Luật Căn cước có 07 chương, 46 Điều bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Về quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân.

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước; việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật quy định mỗi công dân chỉ có 01 căn cước điện tử; căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp về việc sử dụng thẻ căn cước công dân đã được cấp; giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân để không làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến người dân khi Luật Căn cước được thông qua, có hiệu lực thi hành.

PV:Nếu được thông qua thì Luật Căn cước sẽ có ảnh hưởng thế nào đến đời sống xã hội, thưa ông?

Luật sư Trịnh Văn Toàn: Dự án Luật Căn cước là một trong 9 dự án luật quan trọng sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Dự án Luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Dự thảo tập trung vào các nhóm chính sách, như quy định việc tích hợp những thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ. Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD,...

So với CCCD dùng mã vạch hay CMND 9 số và 12 số, thẻ căn cước có nhiều ưu điểm hơn. Trong đó, thẻ căn cước có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác. Từ đó tạo thuận lợi và tiện tích cho người dân sử dụng.

Người dân có thể thực hiện hầu hết giao dịch, thủ tục hành chính mà không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí. Ngoài ra có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống.

Luật sư Trịnh Văn Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư ATK, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

PV: Trong quá trình lấy ý kiến xây dựng dự án Luật, nhiều ý kiến còn thắc mắc về tên gọi của Luật (Luật Căn cước) và tên gọi Thẻ căn cước. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trịnh Văn Toàn: Việc sử dụng tên của Luật là “Luật Căn cước” như hồ sơ dự án Luật mà Chính phủ trình Quốc hội sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Nếu để tên Luật là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này, tên Luật chưa bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật; kể cả việc chỉnh lý kỹ thuật như một số ý kiến tham gia theo hướng quy định việc quản lý đối với người gốc Việt Nam ở phần quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật cũng chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nội dung dự thảo văn bản cần phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của văn bản).

Ngoài ra, quy định tên Luật là Luật Căn cước công dân cũng dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước ở nước ta, không bảo đảm được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định Luật.

Về tên gọi của thẻ căn cước, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội việc sử dụng tên thẻ là thẻ “căn cước” (thay cho thẻ “căn cước công dân” như hiện nay). Việc quy định như vậy giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch… Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (vì trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Việc đổi tên thẻ thành thẻ căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đang sử dụng là thẻ căn cước - Identicy Card). Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN). Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chip điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

Nếu để tên thẻ là thẻ “căn cước công dân” thì chưa bảo đảm tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới; do vậy, có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế nếu tiếp tục giữ tên thẻ.

Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.

PV: Nhiều ý kiến lo ngại việc tích hợp các thông tin cá nhân vào Thẻ Căn cước sẽ dẫn đến việc "lộ", "lọt" thông tin. Theo ông, để giải đáp những lo ngại này, Luật Căn cước đã đưa ra những biện pháp phòng ngừa nào?

Luật sư Trịnh Văn Toàn: Thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử là thông tin quan trọng cần bảo vệ. Theo đó, Luật Căn cước đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, bảo vệ chặt chẽ và an toàn dữ liệu cá nhân. Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an có giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chip.

Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được người dân đó đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng VNeID (người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID). Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.

PV: Trong bối cảnh chuyển đổi số, nếu dự án Luật được thông qua sẽ giúp ích thế nào đối với công tác quản lý hành chính cũng như đảm bảo quyền lợi công dân, thưa Luật sư?

Luật sư Trịnh Văn Toàn: Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân. Đây là những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

So với CCCD dùng mã vạch, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, Căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm về độ bảo mật cao hơn. Thẻ Căn cước công dân gắn chip có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết vào thẻ Căn cước công dân (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác), tạo thuận lợi và tiện tích cho người sử dụng. Do đó, thẻ CCCD sẽ giúp công dân thực hiện hầu hết các giao dịch, các thủ tục hành chính (không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí), có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh an toàn thông tin. Chip không có chức năng định vị, theo dõi công dân.

Theo Luật Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân khi ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Có thể thấy, việc cấp thẻ Căn cước công dân là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình. Số thẻ Căn cước công dân chính là số định danh cá nhân, mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân. Với số định danh cá nhân này, cơ quan quản lý có thể tìm kiếm được đầy đủ thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Ảnh chân dung, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính; quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; nhóm máu; nghề nghiệp; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm cấp thẻ,…

Khi công dân xuất trình Căn cước công dân thì cơ quan chức năng không được đòi hỏi giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu vì ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú của công dân đều được thể hiện đầy đủ trên Căn cước công dân.

Qua việc cấp thẻ Căn cước công dân, Nhà nước sẽ xây dựng được kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân (giấy khai sinh, hộ khẩu…), đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.

PV: Xin cảm ơn Luật sư.

PV

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng phù hợp với thực tiễn

Bùi Thị Thanh Loan