/ Tích hợp văn bản mới
/ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới nhất đã bỏ quy định cấp bằng lái xe?

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới nhất đã bỏ quy định cấp bằng lái xe?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Chiều 15/9, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, các quy định về đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hải Quân.

Bộ trưởng Thể cho biết phạm vi điều chỉnh của luật lần này có thay đổi. Theo đó, vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại đây.

Vì vậy, phần "Quản lý Nhà nước về GTVT" sẽ bỏ quy định đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Bộ Công an cho biết Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ được phân tách thành hai dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật, tự an toàn giao thông đường bộ, nhằm mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng bởi hạ tầng hiện nay chưa phát triển kịp sự phát triển của phương tiện giao thông, gây ùn tắc và mất trật tự an toàn giao thông.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc này.

Theo ông, việc tách Luật Giao thông đường bộ với hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thành hai dự án luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

"Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ", ông Việt nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án luật sửa đổi lần này. Các quy định về phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của từng chủ thể, rà soát để tránh sự trùng lắp, chồng chéo giữa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn với việc tách ra thành hai luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo bà, đây là một tổng thể thống nhất, một kết cấu khó có thể tách rời. “Tôi cho rằng không nên tách ra thành hai luật mà nên để trong một luật để đảm bảo kết cấu tổng thể. Trong đó, luật nên phân công trách nhiệm từng bộ, ngành”, bà Nga góp ý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh giao thông đường bộ có vai trò quan trọng, mạch máu của nền kinh tế đất nước. Trước những tồn tại, hạn chế và sự phát triển về số lượng, phương thức giao thông đường bộ hiện nay thì việc ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là rất cần thiết.

Về việc tách thành hai luật, ông Tỵ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến sau khi bàn về dự án Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo (sáng 16/9). Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật như trên, để bảo đảm tính thống nhất, tổng thể trong các quy định của pháp luật, bởi hiện nay có nhiều ý kiến đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét có nên tách thành 2 luật hay không.

THANH THANH

/de-doa-chui-boi-nguoi-khac-tren-mang-xa-hoi-co-the-bi-phat-tu.html