/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đang dự thảo Thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa. 

Dự thảo Thông tư liên tịch này quy định về quan hệ phối hợp thực hiện một số hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, bao gồm: Tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Dự thảo Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc tiếp nhận, chuyên giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Nguyên tắc phối hợp bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; phù hợp với  các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật. Được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời, đúng tiến độ, hiệu quả. Bảo đảm bí mật nhà nước, chế độ bảo mật thông tin, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

Có 2 hình thức phối hợp: (i) Trao đổi trực tiếp: Tổ chức họp, tổ chức đoàn công tác, thành lập tổ công tác liên ngành và các hình thức phối hợp trực tiếp khác; (ii) Trao đổi gián tiếp: Họp trực tuyến, trao đổi, cung cấp thông tin thông qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác.

Ngoài ra, để phối hợp thực hiện các hoạt động theo quy định của Thông tư liên tịch này, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phân công các cơ quan, đơn vị đầu mối phối hợp như sau: Bộ Công an: Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp là đầu mối phối hợp về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là đầu mối phối hợp về tương trợ tư pháp về hình sự; Bộ Ngoại giao: Cục Lãnh sự; Bộ Tư pháp: Vụ Pháp luật quốc tế; Tòa án nhân dân Tối cao: Vụ Hợp tác quốc tế; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao: Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự.

PV

Những khoản chi phí nào được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp?

Lê Minh Hoàng