/ Góc nhìn
/ Đừng 'vẽ rắn thêm chân'

Đừng 'vẽ rắn thêm chân'

20/01/2024 07:16 |

(LSVN) - Không cần chứng chỉ hành nghề hay Giấy chứng nhận nghề nghiệp thì nhà giáo đủ tiêu chuẩn vẫn dạy học mà bị kỷ luật đến mức nào đó thì không cho dạy học nữa theo những quy định hiện hành. Chứng nhận nghề nghiệp cũng chỉ là hình thức cho chuyện đó, bình thường thì cấp, bị kỷ luật thì thu hồi, có gì khác đâu để nâng cao chất lượng nhà giáo?

Ảnh minh họa.

Trong dự thảo về Luật Nhà giáo mới đây có nội dung nhà giáo phải có Chứng nhận nghề nghiệp. Đơn giản hiểu là phải có Chứng nhận này thì mới được hành nghề dạy học, nếu không có, đương nhiên không được dạy học.

Quy định này lập tức nhận được phản ứng tích cực từ dư luận, đặc biệt là các nhà giáo. Một tờ báo đưa tin về dự thảo quy định Chứng nhận nghề nghiệp có 44 bình luận sau bài báo, trong đó chỉ có 02 ý kiến đồng tình, còn lại là phản đối. Chỉ thế cũng đủ cho thấy, đây là một vấn đề được dư luận quan tâm, phản hồi tích cực nhưng không đồng tình với quy định này.

Rất đúng khi nhiều ý kiến nêu câu hỏi: “Thế Bằng tốt nghiệp Sư phạm không có giá trị gì sao?” Đương nhiên rồi, người đi học sư phạm là để làm giáo viên, tốt nghiệp sư phạm để dạy học và đó là nhà giáo, chẳng cần gì thêm. Còn chuyện bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng hành nghề thì đó là nhưng đợt tập huấn mà nghề nào cũng cần, chẳng cứ nghề dạy học. Tuy nhiên, phải qua các lớp đó để lấy Chứng chỉ hành nghề lại là chuyện khác, Chứng chỉ hành nghề chính là "giấy phép con" trong ngành Giáo dục. Kiểu như anh có bằng lái xe (Giấy phép lái xe) nhưng bắt buộc phải qua một khóa đào tạo khác, lấy chứng chỉ rồi anh mới được hành nghề tài xế , kể cả anh chỉ lái xe cho mình. Vô lý và thiếu căn cứ là ở chỗ đó!

Khác với nghề nghiệp khác như Luật sư, Công chứng,... cần có Chứng chỉ hành nghề bởi đây là một nghề nghiệp cần chuyên sâu, trong khi các trường Luật chỉ đào tạo kiến thức cơ bản, chung về luật mà thôi. Muốn hành nghề phải đào tạo thêm, chuyên sâu và các kỹ năng hành nghề.

Hiện nay, rất nhiều người làm công tác giảng dạy nhưng không qua một lớp sư phạm nào. Đó mới chính là đối tượng cần phải có Chứng nhận nghề nghiệp. Nhà giáo dứt khoát phải là nhà sư phạm, phải được đào tạo những kỹ năng cần thiết, kể cả tâm lý học, đạo đức học, giáo học pháp thì mới được giảng dạy, mới được coi là nhà giáo. Những kỹ năng này, trường sư phạm đều phải dạy và người tốt nghiệp Sư phạm đã được đào tạo về vấn đề này.

Không cần chứng chỉ hành nghề hay Giấy chứng nhận nghề nghiệp thì nhà giáo đủ tiêu chuẩn vẫn dạy học mà bị kỷ luật đến mức nào đó thì không cho dạy học nữa theo những quy định hiện hành. Chứng nhận nghề nghiệp cũng chỉ là hình thức cho chuyện đó, bình thường thì cấp, bị kỷ luật thì thu hồi, có gì khác đâu để nâng cao chất lượng nhà giáo?

Dự thảo cũng quy định, cấp Chứng nhận hành nghề là miễn phí. Dĩ nhiên rồi, từ trước tới nay, ở tất cả các ngành nghề khác nhau, cấp bằng hay chứng nhận, chứng chỉ đâu có thu tiền. Nhưng, để được cấp, dứt khoát anh phải đi học, phải qua một khóa đào tạo, phải thi,... và phải nộp tiền học phí cùng các khoản chi khác để đến lúc anh nhận bằng, chứng chỉ, chứng nhận thì đâu phải nộp tiền thêm để lấy những thứ đó.

Rất nhiều ý kiến đồng quan điểm: Dự thảo này mãi mãi chỉ là dự thảo thôi! 

NHỊ NGỌC

Biếu, tặng quà Tết: Hiểu sao cho đúng?

Nguyễn Hoàng Lâm