/ Luật sư - Bạn đọc
/ Gia Lai: Công ty Trang Đức không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản

Gia Lai: Công ty Trang Đức không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản

01/01/0001 00:00 |

(LSO) – Công ty TNHH MTV Trang Đức được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác cát trên sông Ayun (xã Ayun, huyện Mang Yang) từ năm 2014. Tuy nhiên, Công ty này không trực tiếp khai thác mà “bán cái” lại cho một đơn vị khác. Tại khu vực mỏ cát của Công ty này, ngoài giấy phép được cấp thì đơn vị gần như không tuân thủ bất cứ một quy định nào về khai thác khoáng sản.

"Bán cái" giấy phép khai thác?

Theo Quyết định số 690/GP-UBND ngày 01/12/2014 của  UBND tỉnh Gia Lai, Công ty TNHH MTV Trang Đức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát xây dựng xã Ayun và xã Đắk Jơ Ta, huyện Mang Yang.

Diện tích khu vực khai thác là 5,7ha; mức sâu khai thác là 2m; trữ lượng địa chất 104.880m3; trữ lượng khai thác 104.880m3; công suất khai thác 15.000m3/năm; thời gian khai thác 7,5 năm.

Vị trí khai thác của Công ty Trang Đức.

Tuy nhiên, nhiều năm qua Công ty Trang Đức không trực tiếp khai thác mà “khoán” lại cho Hợp tác xã Quyết Tiến có địa chỉ tại xã Ayun.

Một người của HTX này cho hay: “Chúng tôi chỉ nhận khoán của Công ty Trang Đức, mỗi năm khai thác 7000m3, chiều dài khai thác là 1km dọc sông Ayun (xã Ayun). Còn việc đóng thuế là của Công ty Trang Đức”.

Có mặt tại một điểm khai thác cát của Công ty Trang Đức trên sông Ayun, xã Ayun; một cảnh tượng ngổn ngang, bừa bộn hiện lên. Một đoạn của sông Ayun đang bị “bức tử” nghiêm trọng. Theo một số người dân nơi đây cho biết, từ khi có hoạt động khai thác cát tại đây nước sông đã bị đổi màu.

Nước sông Ayun đổi màu do hoạt động khai thác.

Lối vào bãi khai thác của Công ty Trang Đức không hề có biển chỉ dẫn thể hiện các thông tin liên quan đến việc khai thác theo quy định, bãi tập kết nằm ngay gần vị trí khai thác.

Cũng tại bãi tập kết, phía Công ty Trang Đức không lắp đặt trạm cân, camera giám sát để kiểm đếm khối lượng cát mua - bán tại bến bãi. Ngoài ra, bãi tập kết cát của đơn vị này không cụ thể tại 1 vị trí như đã đăng ký mà nằm rải rác dọc hai bên bờ sông với hàng chục bãi lớn, nhỏ khác nhau. Các bãi cát này được hút trực tiếp từ các máy bơm đặt ngay sát bờ sông, vòi hút cắm thẳng vào bờ hút lên bãi chứa. Ngoài ra, Công ty này còn sử dụng nhiều máy xúc san ủi, làm thay đổi hiện trạng, dòng chảy sông Ayun một cách nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo Văn bản số 497/BC-UBND, ngày 16/9/2020 của UBND huyện Mang Yang do Chánh Văn phòng Trương Quang Viện ký cho biết, tại vị trí trên chỉ có Công ty Trang Đức được cấp giấy phép khai thác cát xây dựng. "Việc Công ty Trang Đức hợp đồng lại với HTX Quyết Tiến để khai thác cát tại khu vực mỏ, đề nghị phóng viên liên hệ với công ty Trang Đức để nắm bắt nội dung", nội dung Văn bản nêu.

Máy bơm hút cát trên sông Ayun.

Cũng theo Văn bản trên của UBND huyện Mang Yang, tại khu vực trên sông Ayun, không có cơ quan nào cấp phép hay chấp thuận việc san ủi làm thay đổi hiện trạng dòng sông, ngoại trừ khu vực trong phạm vi mỏ các công ty san ủi, tạo mặt bằng khai thác mỏ theo báo cáo ĐTM được phê duyệt.

Về phía Phòng TN&MT huyện Mang Yang, bà Phan Ngọc Phượng - Phó Trưởng phòng cho biết: “Từ trước tới giờ, Phòng TN&MT chưa xử phạt Công ty Trang Đức lần nào. Một lần Sở TN&MT xuống kiểm tra thì có nhắc nhở thôi. Công ty đa số nằm ở thành phố Pleiku nên kiểm soát cũng khó. Triển khai Nghị định 23 của Chính phủ, tháng 7 vừa qua Phòng TN&MT cũng đã có thông báo yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định của Nghị định và kết luận kiểm tra của Trưởng phòng TN&MT. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8 vẫn không thấy thực hiện nên Phòng TN&MT lại làm tiếp một công văn nữa nhắc nhở”.

Bãi tập kết của Công ty Trang Đức.

Cũng theo bà Phượng cho biết, kể từ khi Nghị định 23 có hiệu lực mới triển việc yêu cầu tuân thủ theo đúng quy định, việc xử lý sai phạm theo bà Phượng “các doanh nghiệp trên địa bàn cũng không có mối liên hệ với địa phương nên cũng khó xử lý”?!

Ngày 24/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP quy định về quy hoạch, thăm dò, khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, bao gồm cả cát sỏi ở lòng sông, lòng hồ, cửa sông (gọi chung là cát, sỏi lòng sông) và công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ.
Triển khai Nghị định 23, ngày 06/4/2020, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 1166/STNMT-KS yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát xây dựng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện, chấp hành nghiêm các quy dịnh của pháp luật về khai thác khoáng sản và các quy định của Nghị định này. Cụ thể:
Về hoạt động khai thác cát xây dựng:
Về thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày: từ 07h sáng đến 05h chiều, không được khai thác ban đêm; Xây dựng kế hoạch về thời gian khai thác trong năm;
Chấp hành nghiêm các quy định khai thác của pháp luật về thả phao, cắm mốc khu vực khai thác, thông báo niêm yết công khai tại UBND các xã, phường, thị trấn thông tin của mỏ về diện tích, tọa độ, độ sâu khai thác, phương tiện tham gia khai thác,… để các lực lượng chức năng và nhân dân giám sát. Trường hợp các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản thực hiện không đúng giấy phép khai thác sẽ bị xử lý theo quy định;
Lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông, suối thuộc phạm vi khu vực khai thác để công khai thông tin giấy phép khai thác, dự án khai thác với các nội dung: Tọa độ, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng khai thác;
Đăng ký tên loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, các luật liên quan; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát (đối với tổ chức khai thác, vận chuyển bằng phương tiện đường thủy);
Trường hợp doanh nghiệp khai thác không trực tiếp vận chuyển cát sau khai thác thì phải ký hợp đồng vận chuyển với các chủ phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật (đối với các trường hợp vận chuyển cát trên sông);
Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật;
Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt, lở khu vực khai thác, thì phải tạm dừng khai thác đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở TN&MT để kiểm tra để xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, suối để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đối với các mỏ thay đổi phương pháp, công nghệ khai thác
Đối với các mỏ thực tế hiện nay đang khai thác bằng phương pháp tàu hút cát nhưng trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình mỏ đã được phê duyệt thì sử dụng máy bơm hút cát trực tiếp lên bãi chứa. Các trường hợp này thay đổi về phương pháp, công nghệ khai thác, vì vậy doanh nghiệp phải điều chỉnh lại phương pháp, công nghệ khai thác trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình mỏ, trình cơ quan có thẩm quyền, thẩm định theo quy định.
Về bến bãi, bãi tập kết
Các doanh nghiệp được khai thác cát xây dựng khi tập kết cát, phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bãi tập kết với các nội dung: Địa chỉ cung cấp cát được tập kết tại bến, bãi; lắp đặt trạm cân, camera giám sát khối lượng cát mua – bán tại bến bãi, diện tích bến bãi;
Trường hợp không sử dụng bến bãi, đơn vị được phép  khai thác phải ký hợp đồng vận chuyển với tổ chức, cá nhân có phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu theo quy định về phương tiện vận chuyển cát trên sông theo quy định tại Điều 11 Nghị định 23/2020/NĐ-CP.

SỸ HẠNH

/dinh-chi-hoat-dong-neu-vi-pham-quy-dinh-ve-quan-ly-va-khai-thac-cat-soi-long-song.html