/ Pháp luật - Đời sống
/ Giả Luật sư rút súng đe dọa người bán đất: Có thể xử lý về nhiều tội

Giả Luật sư rút súng đe dọa người bán đất: Có thể xử lý về nhiều tội

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Có thể thấy, hành vi diễn ra nơi công cộng, có thể xuất phát từ tranh chấp dân sự, tuy nhiên sự việc đã được đẩy đi quá xa khi có người đã sử dụng vật nghi là súng gây hoang mang cho những người khác. Bởi vậy, hành vi này cần phải được làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, làm rõ nhân thân lai lịch của người đàn ông trên, làm rõ hành vi của các bên và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với cá nhân và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật, nếu hành vi cấu thành tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Người đàn ông rút súng. Ảnh cắt từ clip.

Chiều ngày 06/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đang xác minh, điều tra vụ việc bà T.T.T.H. (trú thị xã Thái Hòa) kêu cứu vì bị người đàn ông tự nhận là Luật sư rút súng uy hiếp và bị một người phụ nữ xé giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Trong đơn của bà H. nêu người rút súng là ông Hồ Văn Nam làm nghề Luật sư.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Trong Điệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, trong danh sách Đoàn Luật sư của tỉnh, không có ai là Hồ Văn Nam. 

“Ông Nam không phải Luật sư, vì sau khi kiểm tra thông tin danh sách Đoàn Luật sư của tỉnh, chúng tôi không tìm thấy người nào tên Hồ Văn Nam, việc nói Hồ Văn Nam là Luật sư là ảnh hưởng tới uy tín của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói chung và Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An nói riêng", Luật sư Điệp cho cho biết.

Bị xử lý thế nào?

Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp nhận định, theo nội dung đơn tố cáo và các thông tin, clip đăng tải trên mạng xã hội cho thấy có người đã sử dụng súng ngắn dạng K59 hoặc súng bắn đạn cao su dạng công cụ hỗ trợ. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, làm rõ nguồn gốc khẩu súng, hành vi của người sử dụng súng và đánh giá hậu quả đã gây ra cho xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy khẩu súng trên là súng quân dụng, người đàn ông này không được phép sử dụng vũ khí quân dụng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt có thể đến 07 năm tù. Trường hợp khẩu súng này không phải là súng quân dụng, chỉ là súng thể thao hoặc công cụ hỗ trợ bắn đạn cao su thì cơ quan điều tra cũng làm rõ người này có được phép sử dụng loại công cụ hỗ trợ này không, có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hay không, nếu không thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hành vi xảy ra nơi công cộng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang cho cộng đồng thì hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp hành vi được xác định là đe dọa giết người, khiến nạn nhân sợ hãi có thể bị tước đoạt đến tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân thì cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đe dọa giết người”.

Giả danh Luật sư: Cần làm rõ và xử lý nghiêm minh

Trong đơn của bà H. nêu, người rút súng là ông Hồ Văn Nam làm nghề Luật sư. Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, một người hành nghề Luật sư phải có chứng chỉ hành nghề Luật sư và phải đăng ký hành nghề Luật sư tại một Đoàn Luật sư, một tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Trường hợp nếu người này là cử nhân luật, nhưng không có chứng chỉ hành nghề Luật sư, không đăng ký hành nghề Luật sư theo quy định thì không được gọi là Luật sư.

Để chứng minh một cá nhân là Luật sư thì họ phải xuất trình thẻ Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp theo trình tự thủ tục luật định. Đồng thời, phải Luật sư đó cũng sẽ hành nghề trong một Đoàn Luật sư nhất định với tư cách là hành nghề độc lập hoặc trực thuộc một tổ chức hành nghề Luật sư của Đoàn Luật sư đó.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã mạo danh Luật sư để nhận tiền của cá nhân, tổ chức với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố người này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi mạo danh Luật sư mà thực hiện các hành vi gây rối trật tự công cộng, đe dọa giết người, làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề Luật sư thì Đoàn Luật sư của địa phương đó sẽ có văn bản kiến nghị với cơ quan điều tra xem xét làm rõ và xử lý nghiêm minh người vi phạm để tránh ảnh hưởng đến uy tín của nghề Luật sư, của các Luật sư.

"Có thể thấy, hành vi diễn ra nơi công cộng, có thể xuất phát từ tranh chấp dân sự, tuy nhiên sự việc đã được đẩy đi quá xa khi có người đã sử dụng vật nghi là súng gây hoang mang cho những người khác. Bởi vậy, hành vi này cần phải được làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật. Vụ việc mới chỉ là phản ánh một chiều theo thông tin tố cáo của cá nhân và thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, làm rõ nhân thân lai lịch của người đàn ông trên, làm rõ hành vi của các bên và đánh giá hậu quả đã gây ra đối với cá nhân và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật, nếu hành vi cấu thành tội phạm thì sẽ khởi tố vụ án hình sự", Luật sư Cường nêu quan điểm.

PV

Người rút súng đe dọa người bán đất không phải là Luật sư

Lê Minh Hoàng