/ Tin tức
/ Giám sát không phải chỉ đưa ra 'kiến nghị' mà các sai phạm phải được xử lý

Giám sát không phải chỉ đưa ra 'kiến nghị' mà các sai phạm phải được xử lý

17/11/2023 19:07 |

(LSVN) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: LĐO.

Ngày 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung giám sát, yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức thực hiện đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 02 chuyên đề trong năm 2024 là: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; và chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 02 chuyên đề giám sát: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Tại hội nghị, các Đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay trong công tác giám sát trong năm 2023, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đồng thời trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám sát trong năm 2024, góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Phát biểu tham luận, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ thống nhất cao đối với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-Ủy ban Thường vụ Quốc hội15; cùng với triển khai thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, hoạt động giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội đã thực sự “tươi mới”, nâng cao về chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và thực chất.

Theo đó, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội đề nghị sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Thông qua các hoạt hoạt động giám sát đã phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót hạn chế vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động giám sát năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung như: Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng nên cần có sự định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn; Các ủy ban, các đơn vị chuyên môn của Quốc hội tăng cường phối hợp hơn nữa với các Bộ, cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch đề cương báo cáo giám sát, cũng như trong quá trình thực hiện giám sát...

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trình bày tham luận, nêu rõ nhiệm vụ phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một nhiệm vụ thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây cũng là một trong các hình thức giám sát cơ bản của Mặt trận đã được pháp luật quy định…

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tóm lược lại những kết quả nổi bật trong công tác giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, HĐND các tỉnh thành từ đầu nhiệm kỳ đến nay cũng như những điểm đổi mới, những điều tồn tại. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh trong hoạt động giám sát.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024. Trong đó, tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sẽ ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích, phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát và thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

TRẦN NGUYÊN

Nguy cơ gây khó doanh nghiệp xăng dầu nếu áp dụng ngay hóa đơn điện tử

 

Nguyễn Hoàng Lâm