/ Pháp luật - Đầu tư
/ Gian lận thi cử bằng công nghệ cao: Hệ lụy lớn, xử phạt còn nhẹ?

Gian lận thi cử bằng công nghệ cao: Hệ lụy lớn, xử phạt còn nhẹ?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Thời gian vừa qua lực lượng chức năng, đã rà soát kiểm tra, thu giữ hàng loạt cơ sở mua bán thiết bị công nghệ cao phục vụ cho mục đích giận lận thi cử. Việc mua bán thiết bị công nghệ phục vụ cho mục đích gian lận trong thi cử đang là vấn đề đặc biệt được dư luận quan tâm, nhất là kỳ thi THPT được xem là kỳ thi quan trọng nhất năm đang diễn ra.

Mất công bằng trong giáo dục

Theo đó, ngày 08/8 qua công tác nắm tình hình, trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện, nhiều đối tượng công khai chào bán thiết bị công nghệ cao chuyên nghe lén phục vụ gian lận thi cử trên internet.

Tiếp đó lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra các cơ sở rao bán, phát hiện 151 bộ thiết bị các loại như: đồng hồ có chức năng nghe lén, ghi âm; sạc dự phòng quay lén; bút ghi âm, ghi hình; thiết bị định vị; camera gắn cúc áo; điện thoại nghe lén phục vụ cho mục đích gian lận thi cử,… với tổng giá trị hơn 247 triệu đồng.

Được biết, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh như Hải Phòng lực lượng chức năng cũng đã phát hiện thu giữ các loại thiết bị ghi âm, ghi hình được rao bán với tên gọi “dụng cụ thi cử” để phục vụ những người mua có ý định gian lận trong các kỳ thi. Sau những vụ việc trên nhiều người thắc mắc những kẻ mua bán thiết bị công nghệ cao sử dụng mục đích sai trái ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến kết quả thi, sẽ bị xử lý ra sao?

Nhìn nhận sự việc trên, Luật sư Nguyễn Tiến Trung, Công ty Luật Trung Nguyễn, Đoàn Luật Sư TP. Hà Nội đánh giá: "Hiện nay, việc mua bán thiết bị công nghệ phục vụ cho mục đích gian lận trong thi cử đang là vấn đề đặc biệt được dư luận quan tâm. Những đối tượng buôn bán kinh doanh các loại thiết bị công nghệ phục vụ gian lận thi cử đều là vi phạm pháp luật, cần phải được kiểm tra và xử lý nghiêm minh".

Luật Sư Nguyễn Tiến Trung, công ty Luật Trung Nguyễn, Đoàn Luật Sư TP. Hà Nội.

Theo Luật sư Trung, hành vi “phục vụ” cho việc gian lận trong thi cử bằng hình thức này hay hình thức khác đều là những hành vi sai lệch không thể chấp nhận được. Việc gian lận trong thi cử ảnh hưởng không tốt đến công bằng xã hội, những người học hành, làm việc nghiêm túc bằng chính khả năng, thực lực của mình thì mất đi cơ hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì hệ lụy vô cùng lớn. Vì vậy phải nhìn nhận sự việc đúng mức độ của nó, nhận thức được hậu quả của hành vi sẽ ảnh hưởng đến cả một cộng đồng, không thể vì lợi nhuận kinh tế trước mắt mà làm điều sai trái cả về mặt đạo đức và pháp luật như vậy.

Cũng theo Luật sư Trung, hầu hết các “dụng cụ thi cử” được rao bán đều là không có hóa đơn chứng từ, không có giấy phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc kinh doanh trái pháp luật các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị ngụy trang của các đối tượng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời chắc chắn gây nên những hệ lụy tiêu cực, phức tạp; xâm phạm quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư, thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, tạo dư luận xấu trong quần chúng. 

Đặc biệt, hành vi của các đối tượng đã tiếp tay cho hàng loạt các hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ trên không gian mạng đang phát triển bùng nổ. Đề thi chưa công bố được quy định là tài liệu bí mật nhà nước thuộc độ tối mật. Khi đối tượng trong phòng thi sử dụng thiết bị để truyền tải đề thi ra ngoài và bị các đối tượng xấu phát tán đề thi lên mạng sẽ gây hậu quả rất xấu đến an ninh trật tự, thậm chí có nguy cơ phải hủy bỏ hoặc tổ chức thi lại, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Chỉ xử phạt hành chính

Cụ thể, hành vi của các đối tượng cung cấp thiết bị gian lận thi cử, đều có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác quy định tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên thực tế, giá cả các thiết bị này từ vài trăm đến gần chục triệu một bộ. Khi bị cơ quan điều tra phát hiện, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt cao nhất từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Căn cứ theo Nghị định 66/2017/NĐ-CP của Chính phủ, điều kiện để kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang là điều kiện đảm bảo về an ninh, trật tự. Ngoài ra, chỉ những cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp mới được phép kinh doanh. 

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang khi chưa được cấp phép; lợi dụng hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự; sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê, sữa chữa trái phép thiết bị, phần mềm ngụy trang… là hành vi bị nghiêm cấm. Đối chiếu với những trường hợp kinh doanh thiết bị, phần mềm bị thu giữ, đa phần đều là trường hợp kinh doanh không có giấy phép đúng như quy định, người bán tự lắp ráp, chế tạo dựa trên những mẫu có sẵn trên thị trường và hoạt động chui lủi.

Ngoài xử lý hành vi các đối tượng bán thiết bị gian lận trên, những thí sinh trực tiếp sử dụng thiết bị gian lận trong kỳ thi bị phát hiện, sẽ bị đình chỉ thi, sẽ bị hủy kết quả toàn bộ bài thi.

Từ đó, dựa trên tình hình thực tế chúng ta có thể thấy rằng, việc ngăn chặn những hành vi buôn bán thiết bị, phần mềm gian lận cần phải được chú trọng và thực hiện nghiêm túc. Việc này không chỉ góp phần đảm bảo tính công bằng của pháp luật, mà còn góp phần làm trong sạch nền giáo dục, đẩy lùi những hành vi gian lận, Luật sư Trung nói.

T.PHONG

/ha-noi-phat-hien-thu-giu-luong-lon-thiet-bi-cong-nghe-cao-dung-de-gian-lan-trong-thi-cu.html