/ Trao đổi - Ý kiến
/ Giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa

Giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, tất cả các ngành kinh tế và xã hội đều chịu tác động lớn, ảnh hưởng căn bản đến cấu trúc và sự phát triển. Với nền giáo dục của Việt Nam, chúng ta phải đối mặt với thách thức không nhỏ.

Tiếp cận tư tưởng giáo dục tiên tiến

Chúng ta đã đạt được những kết quả tốt, những thành tựu nổi bật, nhưng đó không đủ để khỏa lấp đi được những tồn tại trong thời đại hội nhập. Như chúng ta đã biết, khoa học công nghệ phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xóa nhòa khoảng cách giữa con người với nhau, cho phép nước này có thể học tập thành tựu của nước kia. Trong lĩnh vực giáo dục, sự ra đời của các phương pháp giảng dạy tận dụng thành tựu khoa học công nghệ là xu thế của thời đại mới. Tuy nhiên, chúng ta chưa đầu tư đúng mức và chưa có sự quan tâm trên bình diện vĩ mô, chỉ có một số mô hình nhỏ lẻ.

Phương pháp giảng dạy cũng là điều đáng bàn, khi chất lượng của đào tạo đại học cũng được báo chí truyền thông khai thác khá nhiều. Đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn chưa ở mức rộng rãi. Bản thân người học chưa hiểu đúng, từ đó chưa có ý thức đúng về việc học để phục vụ cho thời đại mới.

Ảnh minh họa.

Điều cần phải đổi mới đầu tiên là tư duy làm giáo dục. Toàn cần hóa làm chúng ta có thể nhìn nhận điểm ưu việt của các nền giáo dục phát triển. Triết lý giáo dục của chúng ta vẫn còn đặt nặng thành tích, từ đó tạo áp lực cho cả người dạy và người học. Tư tưởng đó dần bộc lộ những thiếu sót nếu so sánh với tư tưởng của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, khi họ khuyến khích sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá để xây dựng nên nền tảng kiến thức vững chắc cho bản thân. Quan trọng hơn, tư duy giáo dục hiện đại tạo cho người học sự ham thích nghiên cứu, vượt qua các lực cản để tăng tiến tri thức của mỗi người. Ví dụ ở Mỹ, sinh viên có thể tự tìm đề tài nghiên cứu và giảng viên phải hỗ trợ hết sức, không bị bó buộc trong các khuôn tắc của trường. Giảng viên có nghĩa vụ giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên, mỗi tuần dành ra một buổi để trò chuyện với sinh viên.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, nền giáo dục nước ta, nhất là giáo dục đại học đã từng bước học theo và phát triển triết lý giáo dục tự do cho người học. Ngoài việc môn học được sắp xếp thoải mái hơn, sinh viên được khuyến khích tham gia nghiên cứu. Tuy vậy, cái chúng ta còn thiếu là ý thức đột phá của chính sinh viên và giảng viên. Với việc được hưởng nền giáo dục rập khuôn từ phổ thông, sinh viên sẽ khó có thể chủ động dấn thân vào những nghiên cứu khó, từ đó cho ra sản phẩm mang tính đột phá. Đến kỳ phải làm tiểu luận hay luận văn tốt nghiệp, một bộ phận không nhỏ sinh viên đi tìm kiếm và sao chép ý tưởng của người khác, không tìm tòi, sáng tạo nên ý tưởng mới. Bản thân sự kiểm tra cũng như khuyến khích của giảng viên không đủ để số sinh viên đó chịu tìm tòi, vì thế các đề tài đó cũng chỉ làm để đối phó, để “qua” môn, đỗ tốt nghiệp.

Tăng tính đấu tranh cho hoạt động giáo dục

Một vấn đề quan trọng của việc thay đổi tư tưởng giáo dục chính là ý thức xã hội. Giáo dục phổ thông trung học và đại học chính là thời gian cốt lõi để hình thành nên tính cạnh tranh của mỗi người khi gia nhập vào xã hội, tức là làm việc. Trong một hệ thống giáo dục mà người học không được dạy để ra đời sống thế nào, làm việc thế nào, xử lý tình huống trong công việc thế nào, cũng tức là họ sẽ phải học lại từ đầu. Cả 12 năm học và 4-5 năm đại học mà ra trường đi làm sinh viên thường rất bỡ ngỡ. Thời gian thực tập không hiệu quả cũng là nguyên nhân khiến sinh viên không được trang bị kiến thức đầy đủ, cũng như chỉ là cái bóng trong môi trường làm việc.

Tính cạnh tranh chính là điều cốt yếu để một thế hệ làm việc có thể tồn tại, đưa đất nước đi lên và cạnh tranh sòng phẳng được trên thế giới. Hội nhập tạo điều kiện giao lưu, kết nối nhiều hơn nhưng cũng phải cạnh tranh nhiều hơn. Chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn để đưa ra được những chương trình giáo dục khuyến khích cho người học phát huy tối đa sở trường của mình. Đặc biệt, phải tạo ra môi trường cho người học có thể phát huy năng lực để sau này làm việc có trách nhiệm hơn, từ đó đạt hiệu quả tối đa, có thể cạnh tranh sòng phẳng trong thời đại khoa học công nghệ.

Chúng ta cần tăng cường tính thực tiễn của hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học, từ đó tăng tính tìm tòi sáng tạo, tiến đến xây dựng tiêu chuẩn hệ thống đào tạo sáng tạo. Đầu ra của đào tạo khoa học công nghệ chính là thứ cần làm để tạo thành một chuỗi đào tạo cho phù hợp với thời đại. Chương trình đào tạo phải tham khảo, chọn lọc với nền giáo dục của các nước tiên tiến, chú trọng vào những ngành nghề công nghệ cao. Như vậy, nguồn nhân lực đào tạo ra sẽ có đủ khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Một vấn đề khác phải quan tâm là tích cực liên kết với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao. Nếu không làm tốt công tác này thì các trường đại học sẽ bị mất phương hướng, không biết đào tạo thế nào cho kịp thời đại 4.0, để có được những sinh viên tốt nghiệp thích nghi tốt với yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc quốc tế hóa giáo dục đã được nhiều trường đại học triển khai có kết quả, nhưng vẫn cần phải học hỏi theo những chuẩn mực quốc tế, toàn diện và mạnh mẽ hơn để đào tạo nên thế hệ người Việt Nam giỏi về kiến thức và mạnh về kỹ năng sống, cạnh tranh và tồn tại tốt hơn trong thời đại hội nhập.

ĐINH THANH TRUNG

/cuoc-chien-sach-lau-tat-ca-do-y-thuc.html