/ Dọc đường tố tụng
/ Giao Thủy (Nam Định): Mẹ già 95 tuổi hầu tòa vì con trai 'giở trò' kiện đòi đất

Giao Thủy (Nam Định): Mẹ già 95 tuổi hầu tòa vì con trai 'giở trò' kiện đòi đất

23/09/2024 11:08 |

(LSVN) - Sắp tới, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nam Định sẽ đưa vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và chia thừa kế giữa nguyên đơn là ông Đỗ Văn Quyền và bị đơn là bà Nguyễn Thị Nga ra xét xử phúc thẩm. Theo Luật sư có rất nhiều chứng cứ  chứng minh, thửa đất đang tranh chấp chỉ là “đất vẽ” và có dấu hiệu ngụy tạo hồ sơ, giả mạo chứng cứ để khởi kiện, cần chuyển hồ sơ vụ án sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) để điều tra làm rõ.

Nghi vấn “vẽ đất” để khởi kiện

Theo hồ sơ vụ án, ngày 15/02/2023  ông Đỗ Văn Quyền(xã Ea Nuôi, Buôn Đôn, Đăk Lăk) có đơn gửi TAND huyện Giao Thủy đề nghị giải quyết tuyên buộc bà Nguyễn Thị Nga (là mẹ đẻ) phải trả cho ông thửa đất có diện tích là 112,5 m(mảnh đất là một phần của thửa đất số250 Tờ bản đố  04 thuộc quyền sử dụng của ông Đỗ Ngọc Kỳ (đã mất) và bà Nguyễn Thị Nga  tại xóm Nhân Tiến, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - PV). 

Vụ án đã được TAND huyện Giao Thủy thụ lý, xét xử sơ thẩm ngày 13/05/2023, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (ông Đỗ Văn Quyền) tuyên buộc bà Nguyễn Thị Nga (mẹ ông Quyền) phải trả cho ông Quyền thửa đất có diện tích  là 112,5m2 (đo đạc thực tế là 68, 78m2 - PV). Không đồng tình với phản quyết của tòa cấp sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Nga đã kháng cáo toàn bộ Bản án số: 10/2024/DS–ST ngày 14/05/2024 của TAND huyện Giao Thủy.

 

     Tại thời điểm nhận chuyền quyền sử dụng đất ngày 20/5/2000, vị trí thửa đất tranh chấp được ông Đỗ Văn Quyền mô tả, không có giáp ranh với đất của ông Công.

Trong đơn khởi kiện của ông Đỗ Văn Quyền có ghi, năm 1993, ông Đỗ Ngọc Kỳ và bà Nguyễn Thị Nga (bố mẹ đẻ ông Quyền)đồng ý tách thửa cho ông Cảnh (em ông Quyền) thửa đất diện tích 112,5m2 có các giáp ranh - Bắc giáp  đất bố mẹ, Đông giáp bà Hán Thị Vụ, Nam giáp đường 56, Tây giáp đất ông Công) nằm trong thửa đất số thửa:250 Tờ bản đồ: 04  tại xóm Nhân Tiến, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông Quyền cũng cung cấp cho tòa các giấy tờ chuyển nhượng mua bán viết tay để chứng minh ông có quyền sử dụng đối với thửa đất 112,5m2 trong đó có giấy chuyển nhượng đất ở ghi ngày 25/05/2000 có chữ kỹ của ông  Đỗ Ngọc Kỳ, bà  Nguyễn Thị Nga, ông Đỗ Văn Quyền và vợ là Lê Thị Nhàn. 

Căn cứ vào lời khai của ông Đỗ Văn Quyền, nội dung giấy chuyển nhượng đất (ngày 25/5/2000) và vị trí thửa đất ông Quyền mô tả bằng sơ đồ trong đơn giải trình bổ sung ngày 20/07/2023 thì thửa đất ông Quyền đang “đòi” bà Nga hoàn trả có cạnh phía đông giáp thửa đất của bà Hán Thị Vụ (ông Dực).

 

    Giáp ranh của thửa đất đang tranh chấp được “đặt tên” trước khi thửa đất của ông Dực (bà Vụ) được hình thành.

Tuy nhiên, hồ sơ tài liệu về đất đai, ngày 10/12/2000, cụ Đỗ Ngọc Kỳ mới thực hiện việc chuyển nhượng đất cho bà Hán Thị Vụ (ông Dực) với số tiền là 7 triệu đồng, việc chuyển quyền sử dụng đất đã được thực hiện tại cơ quan chức năng có thẩm quyền và thửa đất này có cạnh phía tây (phía đông của thửa đất 112,5m2)  được ghi rõ là giáp đất của cụ Kỳ. Có nghĩa là 7 tháng sau, thửa đất của bà Hán Thị Vụ (ông Dực)  mới được hình thành vì vậy không thể có giáp ranh với thửa đất 112,5m2 tại thời điểm ngày 20/5/2000 như nội dung các giấy tờ ông Quyền cung cấp và trình bày trong đơn khởi kiện.

Cũng theo trình bày của nguyên đơn, phía Tây của  thửa đất 112,5m2 giáp ranh với đất của ông Công. Hồ sơ đất đai được lưu giữ tại Văn phòng ĐKĐĐ huyện Giao Thủy thể hiện đến ngày 11/04/ 2011 (hơn 11 năm sau) ông Đỗ Ngọc Kỳ mới chuyển nhượng đất cho ông Trần Văn Công. Và theo trích lục sơ đồ địa chính, thửa đất của ông Công cũng không có bất kỳ cạnh nào giáp ranh với thửa đất đang tranh chấp.

 

    Trích lục sơ đồ địa chính thể hiện thửa đất của ông Đỗ Đình Cao có 03 mặt giáp ranh với đất của cụ Kỳ (Nga), không có căn cứ pháp lý để xác nhận thửa đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Quyền.

 Theo sơ đồ bản vẽ vị trí thửa đất 112,5m2 ông Quyền mô tả thì thửa đất còn có cạnh giáp với đất của ông Đỗ Đình Cao (con ông Quyền). Hồ sơ đất đai cũng thể hiện, ngày 15/09/2010  cụ Kỳ làm giấy cho tặng ông Đỗ Đình Cao một thửa đất có diện tích là 131 m 2, có chiều ngang  9 m giáp mặt đường,  còn lại 03 cạnh giáp ranh đều thể hiện rất rõ là giáp thổ của cụ Kỳ. Điều này chứng minh một cách rõ ràng, vị trí đất mà ông Quyền đang tranh chấp đến năm 2010 vẫn thuộc quyền sử dụng của ông Kỳ (bà Nga). Bởi lẽ các sơ đồ trích lục thửa đất, vị trí ranh giới, quyền sử dụng đất của các thửa đất được mua bán, cho tặng có nguồn gốc từ thửa đất số 250 tờ bản đồ 02 thuộc quyền sử dụng của ông Kỳ (bà Nga) đều đã được xác nhận, công nhận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Hồ sơ đất đai được lưu giữ tại Văn phòng ĐKĐĐ huyện Giao Thủy cũng thể hiện ngày 23/03 2011, ông Đỗ Ngọc Quyền đã nhân danh cụ Đỗ Ngọc Kỳ và cụ Nguyễn Thị Nga thực hiện các thủ tục để nghị các cơ quan chức năng cấp lại giấy chứng  nhận QSDĐ cho thửa đất số: 250  tờ bản đồ số 04 (người sử dụng là ông Đỗ Ngọc Kỳ, bà Nguyễn Thị Nga). Theo hồ sơ trích lục tại thời điểm năm 2011 thửa đất số: 250  tờ bản đồ số 04 không có bất kỳ một vị trí nào thể hiện có thửa đất 112,5m2 thuộc quyền sử dụng của ông Đỗ Văn Quyền.

 

Trích lục sơ đồ thửa đất do chính ông Đỗ Văn Quyền  ký xác nhận  hồ sơ năm 2011 thể hiện toàn bộ diện tích (vùng gạch chéo khoanh đỏ ) bao trùm cả vị trí đất đang tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của ông Kỳ (bà Nga).

Từ các căn cứ viện dẫn nêu trên có thể khảng định không xác định được vị trí thửa đất 112,5m2 ông Quyền đang “đòi” cụ Nga .Bởi lẽ thửa đất này không được thể hiện trên sơ đồ địa chính chưa được công nhận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền và không có giáp ranh với các thửa đất liền kề như trong đơn khởi kiện và các giấy chuyển quyền sang nhượng đất mà ông Quyền đã cung cấp cho tòa.

Dấu hiệu ngụy tạo, giả mạo các giấy tờ sang nhượng đất

Trao đổi với phóng viên Luật sư Bùi Xuân Lai, Luật sư thuộc đoàn Luật sư TP. Hà Nội (người đại diện theo ủy quyền của bị đơn) nêu quan điểm: Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, gặp gỡ các nhân chứng và các hồ sơ tài liệu, trích lục bản đồ của  thửa đất số 250 tờ bản đồ 04 tại xóm Nhân Tiến của chủ sử dụng là cụ Đỗ Ngọc Kỳ (Nguyễn Thị Nga) biến động qua các năm và được cấp đổi năm 2011 thì có thể khảng định không hề tồn tại thửa đất 112,5m2 như nguyên đơn trình bày trong đơn khởi kiện và các giấy tờ mua bán sang nhượng đất mà nguyên đơn (Ông Quyền) đã cung cấp cho tòa án. Điều này được thể hiện rất rõ khi chính nguyên đơn (ông Đỗ Ngọc Quyền) khi làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ cho cụ Kỳ (Nga) vào năm 2011 cũng đã kê khai xác nhận rõ vị trí các cạnh giáp ranh, diện tích đất còn lại của Kỳ (Nga) với diện tích còn lại là: 714,6m2 (đất ở 324,6m2, đất vườn 390m2) bao trùm cả vị trí đất ông Quyền đang đòi hiện nay. Nếu như thửa đất 112,5m2 được ông Đỗ Ngọc Kỳ và bà Nguyễn Thị Nga chuyển quyền cho ông Đỗ Văn Quyền một cách “danh chính ngôn thuận” (ngày 25/05/ 2000)  thì tại sao đến năm 2011 (11 năm sau) ông Quyền lại không đề nghị tách thửa, khi chính ông là người đi làm thủ tục đất đai...?

Cũng theo Luật sư Bùi Xuân Lai, các giấy tờ mua bán sang nhượng liên quan đến thửa đất 112,5m2 đều là giấy viết tay với các nội dung rất mập mờ về vị trí ranh giới thửa đất, cũng như mâu thuẫn về thời gian mua bán sang nhượng. Các giao dịch (mua bán sang nhượng) đều không được xác nhận bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có rất nhiều dấu hiệu giả mạo cả về nội dung và hình thức.  Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm (dự kiến xét xử ngày 27/9/2024) cần đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ,  ngoài việc chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, bác đơn khởi kiện của nguyên đơn thì cũng cần chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để làm rõ hành vi giả mạo các giấy tờ liên quan đến thửa đất 112,5m2 mà nguyên đơn đã cung cấp.

                                                                                                       TẢ THANH THIÊN

Nguyễn Mỹ Linh