/ Góc nhìn
/ Giáo viên phải biết tự kiềm chế

Giáo viên phải biết tự kiềm chế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngành giáo dục cần phải có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, không để lặp lại những hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực của giáo viên đối với học sinh.

Vừa qua, 02 video xuất hiện trên mạng xã hội về cảnh bạo hành học sinh xảy ra tại THCS Ngô Thời Nhiệm, huyện Định Quán đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Video thứ nhất diễn ra tại lớp 9A8 trong giờ Tin học, thầy giáo trong lúc hỏi bài cũ đã tát một nam sinh hai cái. Video thứ hai ghi lại ở lớp 7A8, cô giáo dạy Sử lấy sách, vở từ cặp của một học sinh vứt xuống đất. Trong bản tường trình, thầy giáo tát nam sinh cho rằng chỉ đánh nhẹ nhằm mục đích dạy dỗ chứ không cố ý tát mạnh. Trong khi đó, giáo viên Lịch sử cho biết trong khi cô dạy, em học sinh không chịu chép bài mà ngồi nói chuyện riêng. Cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng không được nên đã gọi em lên bảng kiểm tra. Em này không có vở nên cô "giũ cặp" để tìm vở ghi bài.

Thầy giáo tát học sinh, cô giáo thả sách xuống nền nhà. (Ảnh cắt từ clip).

Sự việc xảy ra nêu trên khiến nhiều người bức xúc, bất bình. Cách hành xử thiếu chuẩn mực của các giáo viên trên đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục nói chung và uy tín của nhà trường cũng như cá nhân nhà giáo nói riêng. Sau sự việc, ngành giáo dục sẽ chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm nhưng không thể xóa được những hình ảnh phản cảm mà giáo viên đã gây ra đối với học sinh.

Tình trạng giáo viên có hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực đối với học sinh thời gian qua vẫn thường xuyên xảy ra. Khi học sinh mắc lỗi thì bị giáo viên áp dụng các hình phạt như quỳ, úp mặt vào tường, cho nghỉ học, “bêu tên”, uống nước giẻ lau bảng hoặc có hành vi đánh đập gây thương tích cho học sinh,… và các giáo viên đã có hình phạt như vậy đã bị ngành giáo dục xử lý nghiêm theo quy định.

Có thể nói, hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực của giáo viên đối với học sinh đã diễn ra khá nhiều thời gian qua nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nên đã giảm đi sự tôn nghiêm và kính trọng của học sinh đối với người thầy. Khi nhìn thấy hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực của giáo viên, nhiều học sinh không khỏi hoang mang, lo lắng; có học sinh lo sợ nên bỏ học, có học sinh thì bị trầm cảm hoặc học hành sa sút. Và thực tế, đã có học sinh bất mãn với hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực của giáo viên nên về nói với phụ huynh, sau đó phụ huynh làm to chuyện như bắt giáo viên phải quỳ để xin lỗi hoặc học sinh nhờ người quen vào trường đánh giáo viên để trả thù,…

Giáo viên có hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực đối với học sinh tất nhiên sẽ bị kiểm điểm và xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây là điều rất đáng tiếc, bởi giáo viên có hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực đối với học sinh đa số đều do nóng nảy, thiếu kiềm chế và chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Lứa tuổi học sinh luôn hiếu động, muốn thể hiện mình nên nhiều học sinh thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành nội quy, quy chế của lớp, của trường chưa được tốt, còn ham chơi và không nghe lời giáo viên… Do đó, đối với trường hợp này, giáo viên cần phải nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý tình huống như đối với học sinh bướng bỉnh, cá biệt trong lớp thì giáo viên nên phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh để có hướng xử lý, giáo dục. Khi quyết định các hình thức kỷ luật, xử phạt nặng đối với học sinh thì cần phải thống nhất với phụ huynh và các hình phạt đó phải nằm trong phạm vi cho phép, không phản giáo dục.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần phải có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, không để lặp lại những hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực của giáo viên đối với học sinh. Đồng thời, muốn cảm hóa được học sinh cá biệt, ngỗ nghịch, trước hết mỗi giáo viên phải biết tự kiềm chế và tìm tòi biện pháp giáo dục học sinh một cách tối ưu nhất, sao cho vừa nhẹ nhàng, vừa khéo léo, vừa tình cảm và tuyệt đối không có hành vi bạo lực, thiếu chuẩn mực với học sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào.

ĐỖ VĂN NHÂN

Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực

Lê Minh Hoàng