/ Đời sống - Xã hội
/ Góc nhìn pháp lý về chủ trương của một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong phòng, chống dịch Covid-19

Góc nhìn pháp lý về chủ trương của một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong phòng, chống dịch Covid-19

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh ĐBSCL, ngoài việc tuân thủ các quy định của Trung ương (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế) cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Các địa phương từ thực tiễn phòng chống dịch đã có một số chủ trương, quyết định gây tranh cãi về mặt pháp lý.

Giấy xác nhận đã tiêm đủ 02 mũi Vaccine của cô L.C.T.H.

TP. Cần Thơ vừa xảy ra vụ việc tiêm vaccine cho người nhà của cán bộ tuyến đầu là Phó chủ tịch UBND phường An Phú, cô L.C.T.H đã được tiêm vaccine lần 1 vào ngày 06/6/2021 và lần 2 ngày 11/8/2021. Sự việc này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận tại địa phương. Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: "Do tình hình phòng chống dịch tại địa phương, trong đó có nhiều phường như Xuân Khánh, An Bình, cán bộ tuyến đầu đã trở thành F0 thì người nhà của họ là F1 nên UBND TP. Cần Thơ cho phép tiêm vaccine cho người nhà của các cán bộ tham gia tuyến đầu phòng chống dịch. Trường hợp cô L.C.T.H thuộc diện nêu trên".

Tại TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, công dân Trần Tô Anh Châu (Sinh năm 1972, thường trú tại Khóm 3, phường 1) không cho cán bộ phòng chống dịch “chọc mũi” lấy mẫu test Covid-19 nên ngày 01/9/2021, Chủ tịch UBND phường 1, TP. Cà Mau đã ban hành Quyết định cưỡng chế cách ly tập trung đối với anh Châu. Khi triển khai Quyết định, anh Châu phản đối nên bị cưỡng chế bắt đi cách ly.

Cưỡng chế cách ly tập trung tại Cà Mau. Ảnh: Trần Vũ.

Trả lời báo chí và công dân, Chủ tịch UBND phường 1 hứa sẽ xem lại hồ sơ trường hợp này để trả lời công luận. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thì cho rằng: “Thời gian qua cũng như hiện nay, tỉnh Cà Mau đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có cao hơn quy định chung như trường hợp anh Châu”.

Tại An Giang, nhiều tài xế và những người có công việc phải đến An Giang, khi qua chốt kiểm dịch giữa quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) để vào TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) thì các cán bộ trực chốt bắt buộc phải test nhanh với giá mỗi lần là 238.000 đồng/người. Mặc dù, nhiều người đã xuất trình kết quả test nhanh hoặc Kết quả xét nghiệm PCR với kết quả âm tính, còn hiệu lực của các cơ quan y tế TP. Cần Thơ nhưng không được chấp nhận, vẫn phải thực hiện thủ tục test lại mới được thông chốt.

Tài xế tiến hành test Covid-19 tại chốt kiểm dịch Cần Thơ - An Giang.

Thực tiễn nêu trên cho thấy một số địa phương đã có những chủ trương và quyết định chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Từ góc nhìn pháp lý cho thấy dịch bệnh Covid-19 có thể được đánh giá là sự kiện pháp lý bất khả kháng nên trong các chủ trương, quyết định phòng chống dịch ở mỗi địa phương có sự khác nhau. Thậm chí, có những quyết định (UBND phường 1, TP. Cà Mau) chưa phù hợp với quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP xác định hành vi không hợp tác lấy mẫu test Covid-19 là hành vi vi phạm hành chính nhưng không có hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả (cách ly y tế tập trung) như UBND phường đã xử lý.

Các vụ việc nêu trên đã tạo ra sự bức xúc trong dư luận phần nào ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh nên chăng khi áp dụng các chủ trương, ban hành các quyết định hành chính chưa được pháp luật quy định và điều chỉnh, chính quyền địa phương cần công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và tự giác chấp hành trước khi áp dụng các giải pháp mạnh như xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính để tránh trường hợp khiếu kiện không đáng có.

NGUYỄN THÀNH - HÀ GIANG

Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Mức phạt thấp không loại trừ các cá nhân cố tình vi phạm

Lê Minh Hoàng