/ Pháp luật - Đời sống
/ Góc nhìn và quan điểm của Luật sư liên quan đến bản án khiếu kiện quyết định hành chính

Góc nhìn và quan điểm của Luật sư liên quan đến bản án khiếu kiện quyết định hành chính

03/07/2023 11:17 |

(LSVN) - Liên quan đến đơn thư bạn đọc gửi đến tòa soạn Tạp chí Luật sư Việt Nam và Bản án số 45/2023/HC-ST ngày 06/6/2023 về việc khiếu kiện quyết định hành chính của TAND thành phố Hải Phòng đã ra, Luật sư đã đưa ra góc nhìn và quan điểm về vấn đề trên...

Đơn thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí.

Từ nội dung vụ việc bạn đọc gửi về tòa soạn

Vừa qua, Tòa soạn Tạp chí Luật sư Việt Nam nhận được đơn thư của bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1963, địa chỉ số 118 Hạ Lý, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, hiện đang thường trú tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng) liên quan đến một số quyết định hành chính đối với cá nhân bà.

Theo đó, bà Nga là người có quyền sử dụng đất tại thửa đất số 240, tờ bản đồ số 08 tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, diện tích sử dụng thực tế hiện nay là 200m2.

Hiện nay, UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định thu hồi đất số 6282/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện Thuỷ Nguyên và Quyết định số 10252/QĐ-UBND ngày 27/6/2022 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (kèm theo Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư số 36/PA-TCT và Phương án số 14/PA-TCT) liên quan đến việc thu hồi diện tích đất nói trên của gia đình bà Nga để thực hiện “Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm”.

Trong đơn bà Nga cho rằng với việc ra các quyết định thu hồi đất nêu trên là không đủ cơ sở pháp lý, không đúng mục đích sử dụng đối với đất bị thu hồi và vi phạm nghĩa vụ chứng minh mục đích thu hồi đất, UBND huyện Thủy Nguyên đã vi phạm quy định của: Luật Đất đai; Luật Quy hoạch; Luật Xây dựng liên quan đến vấn đề ranh giới, mốc giới, phạm vi và tính chất của dự án. 

Theo bà Nga đối với trình tự, thủ tục thu hồi đất, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm được triển khai theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 24/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó thời gian triển khai dự án là 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020. Đến nay đã hết thời hạn thực hiện dự án và không có văn bản chấp thuận việc gia hạn, nhưng UBND huyện Thủy Nguyên vẫn tiến hành thu hồi đất với danh nghĩa thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm. 

Trong quá trình triển khai dự án UBND huyện Thủy Nguyên và các phòng, ban chức năng chưa thực hiện việc treo công khai bản đồ quy hoạch 1/500 đối với dự án, không công khai biên bản bàn giao mốc giới của dự án, không tổ chức triển khai việc cắm mốc giải phóng mặt bằng trên thực địa. Việc không treo công khai bản đồ quy hoạch 1/500 và không cắm mốc giới của dự án khiến bà Nga không thể xác định được diện tích đất của mình có thuộc phạm vi dự án hay không. Phía UBND huyện Thủy Nguyên luôn cho rằng đã tổ chức cắm mốc và có biên bản bàn giao cho UBND xã quản lý, với số lượng 41 mốc giới. Nhưng khi đưa người dân đi xem mốc giới, UBND huyện Thủy Nguyên không chỉ ra được bất kỳ mốc giới nào ngoài thực địa. Chỉ đến lúc này, mới có 1 số đối tượng lén lút đưa mốc giới đến địa bàn, sự việc đã được người dân trên địa bàn phát hiện và ghi hình. Đồng thời, cho dù UBND huyện Thủy Nguyên đã tổ chức cắm mốc giới thì trên một dự án 324ha nhưng chỉ có 41 mốc giới, đây là một điều hết sức phi lý. Trong quá trình triển khai dự án, UBND huyện Thủy Nguyên không cung cấp thông tin quy hoạch của dự án cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 9 Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Đất đai 2013, Luật Quy hoạch 2009, Luật Đầu tư công 2014,...

Việc UBND huyện Thuỷ Nguyên ban hành và ký quyết định thu hồi đất là không đúng thẩm quyền cụ thể: Với một dự án nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1131/QĐ-TTg ngày 24/6/2016, thì thầm quyền thu hồi đất phải là UBND thành phố Hải Phòng. Khi thu hồi đất thực hiện dự án mà phải thu hồi đất của cả tổ chức và cá nhân thì thẩm quyền thu hồi đất thuộc về UBND cấp tỉnh. Việc UBND huyện Thuỷ Nguyên ký quyết định thu hồi diện tích đất của gia đình bà Nga với lý do thu hồi để xây dựng Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm là không đúng. 

Về việc xác định nguồn gốc đất, diện tích đất bị thu hồi, bà Nga là người có quyền sử dụng đất tại thửa đất số 240, tờ bản đồ số 08 tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, diện tích sử dụng thực tế hiện nay là 66m2.

Thửa đất trên đã được sử dụng ổn định với mục đích làm nhà ở (từ năm 2005). Trong quá trình sử dụng đất không phát sinh tranh chấp với bất kỳ ai, phía chính quyền địa phương biết việc bà Nga sử dụng và chuyển nhượng đất nhưng không có bất kỳ ý kiến gì.

Trong phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, cây cối hoa màu, tài sản công trình vật kiến trúc trên đất khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm tại xã Tân Dương số 14/PA-TCT của Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND huyện Thủy Nguyên xác định 200m2 tại thửa đất 240, tờ bản đồ 08 của gia đình bà Nga “theo trích lục nguồn gốc đất do Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Thuỷ Nguyên và UBND xã Tân Dương xác định đã được Phòng Tài Nguyên và Môi trường thẩm định: Đất thành lang để sử dụng vào mục đích làm nhà ở từ năm 2005, không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất ở, nên không được bồi thường. Tuy nhiên, UBND thành phố cho áp dụng hỗ trợ khác về đất tại Công văn số 4515/UBND-ĐC3 ngày 26/7/2019. Cụ thể, mức hỗ trợ bằng 10% giá đất ở cụ thể tại vị trí theo giá đất được phê duyệt tại Quyết định số 3221/QĐ-UBND ngày 21/10/2021. Đơn giá áp dụng tính hỗ trợ là đất đai vị trí 3, tuyết đường Bến Phà Bính – Phà Rừng: 3.640.000 đồng/m2”.

Việc Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND huyện Thuỷ Nguyên xác định 200m2 đất của hộ gia đình bà Nga là đất hành lang giao thông là không có căn cứ. Đồng thời tại Phương án bồi thường số 14/PA-TCT xác định 66m2 đất của bà Nga thuộc diện không đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất ở, nên không được bồi thường là hoàn toàn không có cơ sở và hoàn toàn trái pháp luật.

Với nguồn gốc và quá trình sử dụng đất như trên, thì khi bị thu hồi đất, gia đình bà Nga phải được bồi thường đối với toàn bộ diện tích đất đang sử dụng đất vì diện tích đất trên đủ kiện để công nhận quyền sử dụng đất ở. Như vậy, khi UBND huyện Thủy Nguyên thu hồi đất của bà Nga thì phải bồi thường 100% giá đất đối với toàn bộ thửa đất.

Về áp dụng đơn giá đất để bồi thường tại phương án bồi thường của gia đình bà Nga và các hộ dân khác UBND huyện Thủy Nguyên căn cứ vào Quyết định số 1281/QĐ-UBND ban hành ngày 12/6/2018 để bồi thường. Quyết định số 1281/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể được ban hành căn cứ vào Bảng giá đất tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015 – 2019 theo Quyết định số 2970. Ngày 08/3/2019, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND (sau đây gọi là Quyết định 08) điều chỉnh giá một số loại đất trong bảng giá đất của thành phố Hải Phòng, quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/3/2019. 

Ngày 31/12/2019, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 54/2019/QĐ-UBND phê duyệt Bảng giá đất tại Hải Phòng giai đoạn 2020 – 2024 (có hiệu lực từ ngày 10/01/2020). 

Tại Quyết định số 08 và Quyết định 54, giá đất ở tại các vị trí trên địa bàn xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động đều được điều chỉnh tăng lên so với Quyết đinh số 2970. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 thì: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. 

Như vậy, giá đất cụ thể áp dụng để bồi thường kể từ sau ngày 20/3/2019 thì phải căn cứ vào Quyết định số 08/2019 và Quyết định số 54/2019 của UBND thành phố Hải Phòng để xây dựng. Tuy nhiên, gia đình bà Nga và toàn bộ các hộ dân bị thu hồi đất sau ngày 20/3/2019 vẫn bị UBND huyện Thủy Nguyên vẫn áp giá đất cụ thể trong Quyết định số 1281/QĐ-UBND (mà quyết định này căn cứ vào Quyết định 2970/2014 đã bị hết hiệu lực) để tính tiền bồi thường là hoàn toán trái pháp luật.

Có thể khẳng định rằng từ thời điểm sau ngày 20/3/2019, Quyết định số 2970 đã hết hiệu lực, vì vậy Quyết định phê duyệt giá đất cụ thể số 1281 căn cứ vào Quyết định số 2970 cũng sẽ hết hiệu lực. Việc tiếp tục sử dụng Quyết định 1281 (đã hết hiệu lực) để tính tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có quyết định thu hồi đất sau ngày 20/3/2019 (trong đó có gia đình bà Nga) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu ĐTM Bắc Sông Cấm là trái luật, gây thiệt hại cho người bị thu hồi đất. Mặt khác, cùng vị trí tuyến đường nhưng chỉ có nhà bà Nga bị áp dụng đơn giá 3.600.000đồng/m2. 

Về việc đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất và áp giá đền bù, bà Nga cho rằng còn chưa đúng, chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị UBND huyện Thủy Nguyên chỉ đạo Ban Bồi thường GPMB phải tổ chức đo đạc, kiểm đếm lại đối với tài sản trên đất.

Về việc bố trí tái định cư, tại Phương án bồi thường số 14/PA-TCT, UBND huyện Thủy Nguyên chỉ đưa ra các thông tin liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ mà hoàn toàn không đưa ra các thông tin liên quan đến tái định cư cho gia đình bà Nga là hoàn toàn trái quy định pháp luật. 

Hiện nay, tại thửa đất bị thu hồi có 01 gia đình đã được cấp sổ hộ khẩu cho bà Nga là Nguyễn Thị Nga. Ngoài ra còn có hai công dân đủ điều kiện tách hộ là các con bà Nga, Bùi Quang Thắng và Bùi Thị Thu Hà đang sinh sống tại thửa đất. Tuy nhiên UBND huyện Thủy Nguyên không cấp suất tái định cư nào cho hộ gia đình bà Nga. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì khi thu hồi đất, cơ quan thu hồi đất phải có trách nhiệm xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ bằng tiền và phương án bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất, trong trường hợp trên cùng một thửa đất có nhiều gia đình sinh sống và đủ điều kiện tách hộ thì căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình. 

Về việc cưỡng chế thu hồi đất, việc Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà Nga và tiến hành cưỡng chế thu hồi đất là hoàn toàn trái pháp luật. UBND huyện Thủy Nguyên không lập Ban Thực hiện cưỡng chế; không vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; không có biên bản vận động, thuyết phục bàn giao đất không thành nhưng đã tiến hành cưỡng chế, đập phá tài sản của gia đình bà Nga. Đây là hành vi cưỡng ép bàn giao đất trái pháp luật. Quyết định cưỡng chế thu hồi đất được ban hành vào ngày 20/5/2022, tức chỉ 10 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi đất. Việc cưỡng chế thu hồi đất khi quyền lợi của bà Nga chưa được đảm bảo là hoàn toàn trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của gia đình bà Nga.

Góc nhìn Luật sư từ nội dung đơn thư và hồ sơ bản án

Liên quan vấn đề trên TAND thành phố Hải Phòng đã xét cử và đưa ra bản án số 45/2023/HC-ST Ngày 06-6-2023 về việc khiếu kiện quyết định hành chính do Thẩm phán - Chủ toạ phiên tòa là bà Vũ Thị Thu Hà đã kí.

Bản án số 45/2023/HC-ST Ngày 06/6/2023 về việc khiếu kiện quyết định hành chính.

Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 32, điểm a khoản 2 Điều 116, điểm d khoản 1 Điều 123, khoản 2 Điều 165, khoản 2 Điều 173, điểm a khoản 2 Điều 193, Điều 194, Điều 347, Điều 348 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; căn cứ điểm d khoản 3 Điều 62, Điều 69, Điều 75, Điều 76, Điều 79, Điều 83 Luật Đất đai; căn cứ Điều 12 và Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, TAND thành phố Hải Phòng đã tuyên xử Bác yêu yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Nga về việc tuyên hủy Quyết định số 6287/QĐ-UBND ngày 06/9/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Đồng thời, đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nga về việc tuyên hủy Quyết định số 6282/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên về việc thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Nga tại thôn Bến Bính B, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; Quyết định số 10010/QĐ-UBND ngày 20/5/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà...

Từ đơn thư của bạn đọc và hồ sơ bản án, Luật sư Vũ Quang Bá, Công ty Luật TNHH Hòa Lợi đã đưa ra quan điểm với sáu nội dung liên quan đến vấn đề trên. Luật sư Vũ Quang Bá cho rằng, kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Một là, theo Phương án số 14/PA-TCT của Trung tâm Phát triển quỹ đất được ban hành theo Quyết định số 6287/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 của UBND huyện Thủy Nguyên, trích lục nguồn gốc đất đai của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thủy Nguyên đều cho rằng căn cứ vào phiếu lấy ý kiến dân cư và báo cáo của UBND xã Tân Dương thì thửa đất số 240 tờ bản đồ số 08 trước đó bà Mai Thị Dung sử dụng làm nhà từ năm 2005. Bà Dung chết năm 2013 không có ai sử dụng căn nhà này, đến tháng 8/2014 bà Nguyễn Thị Nga chiếm dụng lại và sử dụng đến nay. 

Tuy nhiên, tại Văn bản số 1398/UBND-TNMT ngày 25/5/2022 của UBND huyện Thủy Nguyên mặc dù vẫn căn cứ vào phiếu lấy ý kiến dân cư và báo cáo của UBND xã Tân Dương về nguồn gốc hiện trạng sử dụng đất nhưng lại kết luận trái ngược hoàn toàn với các kết luận của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Cụ thể, UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng: “…đất do bà Nguyễn Thị Nga sử dụng làm nhà từ năm 2005…”. Như vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa các cơ quan trực thuộc UBND huyện Thủy Nguyên trong việc xác định nguồn gốc, thời điểm và người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trong trường hợp UBND huyện Thủy Nguyên cho rằng thửa đất được bà Mai Thị Dung làm nhà ở từ năm 2005, và đến tháng 6/2014 bà Nga đến chiếm dụng lại và sử dụng. Vậy, nếu như nhận định trên thì người được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất là những người thừa kế của bà Dung chứ không phải bà Nga.

Tuy nhiên, trong toàn bộ các văn bản liên quan việc thu hồi, bồi thường đều chỉ xác định bà Nga là người được bồi thường khi UBND huyện thu hồi thửa đất. Như vậy, rõ ràng theo như xác định về nguồn gốc đất của UBND huyện Thủy Nguyên thì những người thừa kế của bà Dung đã bị mất đi quyền lợi về việc nhận bồi thường khi UBND huyện Thủy Nguyên thu hồi đất. 

Hai là, cũng tại Báo cáo số 157/BC-UBND ngày 10/6/2023 của UBND xã Tân Dương về nguồn gốc và quá trình sử dụng thửa đất của hộ bà Nga. Tại mục 1 về quá trình sử dụng đất có nêu: “Theo thông tin gia đình bà Nguyễn Thị Nga cung cấp nhà xây từ năm 2005”. Tuy nhiên, theo hồ sơ có trong vụ án cũng như tại phiên tòa phía người bị kiện không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc bà Nga cung cấp thông tin cho UBND xã Tân Dương việc nhà xây từ năm 2005. Bên cạnh đó, cũng tại trong báo cáo nêu trên UBND xã Tân Dương cho rằng “tại thời điểm kiểm kê bà Nguyễn Thị Nga không có mặt tại thửa đất trên”. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án lại thể hiện tại biên bản kiểm kê ngày 10/5/2017 có mặt bà Nga tham gia buổi kiểm kê, có chữ ký và điểm chỉ của bà Nga trong biên bản kiểm kê.

Hình ảnh thể hiện thửa đất trên đã được sử dụng ổn định với mục đích làm nhà ở.

Như vậy, rõ ràng có sự mâu thuẫn trong báo cáo UBND xã Tân Dương về quá trình sử dụng đất, không phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không đảm bảo tính khách quan. Việc phía người bị kiện sau đó lại căn cứ vào tài liệu này để kết luận và nhận định về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của hộ bà Nga sẽ không đảm bảo khách quan.

Ba là, như đã phân tích ở trên phía người bị kiện trong quá trình thực hiện thủ tục thu hồi đất của hộ bà Nga chỉ dừng lại ở việc xác minh về nguồn gốc thửa đất và người sử dụng đất thời điểm năm 2005. Còn trước thời điểm năm 2005 thì chưa có tài liệu nào thể hiện người sử dụng đất là ai và thửa đất được sử dụng mục đích gì. Trong hồ sơ vụ án có thể hiện tài liệu là sổ mục kê và bản đồ địa chính ghi nhận trước năm 2005 thửa đất có số thửa 213 tờ bản đồ giải thửa số 03 là đất đầm Tân Hoa.Tuy nhiên, người sử dụng đất thì không được ghi nhận trong các tài liệu nêu trên. 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có quy định rõ trong trường hợp không có một trong các loại giấy tờ ghi nhận về thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định hoặc trên giấy tờ không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì cần phải tổ chức thu thập ý kiến khu dân cư nơi có đất. UBND xã Tân Dương mặc dù có tổ chức lấy ý kiến khu dân cư nhưng việc lấy ý kiến khu dân cư đối với nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của hộ bà Nga vừa không đảm bảo thực hiện đúng quy định nêu trên, vừa không được thực hiện đúng quy định pháp luật.

Tại mục 1 nguồn gốc sử dụng thửa đất cũng chỉ ghi nhận việc sử dụng đất từ năm 2005, còn thời điểm trước năm 2005 không được ghi nhận ý kiến về người sử dụng và mục đích sử dụng đất. Trong khi đó, theo lời khai của bà Nga thì gia đình bà đã khai hoang thửa đất từ những năm 1978, sau đó làm nhà ở năm 1989 và sử dụng cho đến thời điểm bị UBND huyện Thủy Nguyên thu hồi đất. 

Chính việc không làm rõ về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất trước năm 2005 đã dẫn đến việc xác định hộ bà Nga không đủ điều kiện được bồi thường về đất và tái định cư theo quy định.

Bốn là, tại phiên tòa ngày 06/6/2023 bà Nga có giao nộp cho TAND TP. Hải Phòng 01 đơn xin xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất trong đó có thể hiện ý kiến và xác nhận của một số hộ dân sinh sống lâu năm tại địa phương có xác nhận việc hộ bà Nga làm nhà ở trên thửa đất từ năm 1989, mâu thuẫn với nội dung lấy ý kiến khu dân cư mà UBND xã Tân Dương đã lập.

Bên cạnh đó, tại phiếu lấy ý kiến khu dân cư có ghi nhận lấy ý kiến ông Trần Văn Sơn (sinh năm 1946) và ông Nguyễn Lưu Hảo (sinh năm 1966). Trong đơn xin xác nhận mà bà Nga giao nộp cho TAND TP. Hải Phòng cũng có ý kiến của ông Sơn và ông Hảo. Tuy nhiên, ý kiến của hai ông đều có sự mâu thuẫn nhau tại hai văn bản. Tại phiên tòa phía người bị kiện không cung cấp được tài liệu chứng minh ông Sơn, ông Hảo trong phiếu lấy ý kiến khu dân cư và ông Sơn, ông Hảo trong đơn xin xác nhận mà bà Nga giao nộp là hai người khác nhau. Do có sự mâu thuẫn, tại phiên tòa các Luật sư – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nga có đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc tạm ngừng phiên tòa để đưa những người trên tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Đồng thời, thực hiện việc trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trong phiếu lấy ý kiến khu dân cư để làm rõ về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của hộ bà Nga. Tuy nhiên, ý kiến và đề nghị của Luật sư không được chấp thuận.

Cùng với đó, sau khi TAND TP.Hải Phòng xét xử vụ án, các Luật sư Công ty Luật TNHH Hòa Lợi đã trực tiếp làm việc và xác minh việc các hộ dân có tham gia ký tên trong phiếu lấy ý kiến dân cư ngày 10/11/2019. Theo kết quả xác minh, toàn bộ những người được lấy ý kiến đều khẳng định họ không tham gia buổi họp và không ký tên trong phiếu lấy ý kiến của khu dân cư. Đồng thời, ông Nguyễn Sinh Xuyên, trưởng thôn Bến Bính B và là người chủ trì cuộc họp cũng khẳng định hoàn toàn không có buổi họp nào, ông chỉ ký vào phiếu lấy ý kiến của khu dân cư để hoàn thiện thủ tục, ông không tổ chức, không tham gia cuộc họp và không xác nhận được chữ ký của những người có tên trong phiếu lấy ý kiến của khu dân cư có phải do họ ký hay không. 

Như vậy, mặc dù chứng cứ có nhiều nội dung mâu thuẫn, không đảm bảo tính khách quan. Nhưng TAND TP.Hải Phòng đã không thực hiện đúng việc đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Theo đó, tại Điều 95 Luật Tố tụng hành chính 2015 có quy định rõ: “Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”. 

Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá chứng cứ theo quy định đã dẫn tới việc đưa ra phán quyết không khách quan, không đảm bảo đúng quy định pháp luật, xâm phạm tới các quyền, lợi ích hợp pháp của hộ bà Nga. 

Năm là, tại Quyết định số 6282/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 UBND huyện Thủy Nguyên xác định hộ bà Nga là đối tượng bị thu hồi đất. Sau đó, ngày 01/6/2022 UBND huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định số 10433/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Quyết định số 6282/QĐ-UBND ngày 06/9/2021. Theo đó, đối tượng bị thu hồi đất được điều chỉnh từ hộ bà Nguyễn Thị Nga thành UBND xã Tân Dương. Đồng thời, như đã phân tích mục bốn do việc báo cáo và tổ chức lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất do UBND xã Tân Dương thực hiện có nhiều nội dung mâu thuẫn, không khách quan. Do đó, việc đưa UBND xã Tân Dương tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cần thiết không chỉ để làm rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất mà còn làm rõ những tài liệu, chứng cứ do UBND xã Tân Dương xác lập. Tại phiên tòa, Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nga đã đề nghị nhưng cũng không được Hội đồng xét xử chấp thuận. 

Sáu là, tại phiên tòa Luật sư Công ty luật TNHH Hòa Lợi đặt ra nhiều câu hỏi nhằm làm rõ về vị trí đất bị thu hồi cũng như việc xác định vị trí đất để làm rõ phần diện tích đất bị thu hồi có đảm bảo đúng quy định, xác định giá tiền bồi thường. Tuy nhiên, các nội dung mặc dù không được làm rõ tại phiên tòa, có nhiều căn cứ xác định UBND huyện Thủy Nguyên xác định phần diện tích hành lang đê, xác định vị trí đất và mức bồi thường khi thu hồi đất là không có căn cứ, không đảm bảo đúng quy định pháp luật. Nhưng các nội dung mà Luật sư đưa ra đều bị Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng bác bỏ. 

PV

Bùi Thị Thanh Loan