/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Cần có cơ chế đối với báo chí

Hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Cần có cơ chế đối với báo chí

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mặc dù cũng chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ quan báo chí đã phải cắt giảm lương, thu nhập, phải tạm đình chỉ báo in, giảm nguồn thu từ quảng cáo… Tuy nhiên, cơ quan báo chí lại không nằm trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Các hỗ trợ về việc duy trì hoạt động, đời sống của các nhà báo, phóng viên, nhân viên của các cơ quan báo chí; cũng như hỗ trợ các phương tiện nhằm phục vụ công tác đưa tin liên quan đến dịch bệnh, bảo đảm sự an toàn của nhà báo, phóng viên đang làm nhiệm vụ tại tuyến đầu là chưa có và chưa thực sự được quan tâm. Do đó, cần phải có những quy định, quyết định của Chính Phủ nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thể duy trì được hoạt động và cống hiến nhiều sức lực hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Ảnh minh họa. 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và hướng dẫn tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mục tiêu nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Đồng thời phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

Theo tinh thần của Nghị quyết của Chính phủ ban hành, các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động đang phải gánh chịu nhiều tổn thất cực kỳ nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, do đó cần phải có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm giúp nhân dân có thể duy trì cuộc sống, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nhóm đối tượng chủ yếu là người sử dụng lao động, người lao động, ngoài ra còn các đối tượng được hỗ trợ bổ sung như trẻ em; người mang thai; người mắc Covid-19; người phải cách ly y tế hoặc ở trong khu vực bị phong toả; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn viên du lịch; hộ kinh doanh...

Sát cánh nơi tuyến đầu

Nếu nhắc đến tuyến đầu chống dịch bao gồm các cán bộ chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang nhân dân, dân quân tự vệ, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên ngành y, các tình nguyện viên... không ngại hiểm nguy lao vào các vùng dịch, trực chốt tại khắp các địa bàn có dịch nhằm đối phó lại bệnh dịch. Nhưng bên cạnh đó còn có một lực lượng vô cùng quan trọng đó là những nhà báo, phóng viên ngày đêm làm việc, cập nhật các tin tức liên quan đến dịch bệnh và truyền tải tới người dân một cách kịp thời, đóng góp không nhỏ cho công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Chính trong một bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đã đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch. Việc được thế giới ghi nhận, người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn cho rằng, báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.

Có thể thấy, trong diễn biến của cả 4 đợt dịch vừa qua, ngành báo chí luôn có mặt kịp thời tại các điểm "nóng" về dịch bệnh, kịp thời phản ánh thực tế tình hình dịch bệnh ở trong nước và quốc tế giúp người dân nắm được mức độ nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh và có phương án tự phòng chống dịch bệnh. Để làm được những điều đó, những người làm báo đã không ngại nguy hiểm, vất vả, xông pha vào những điểm dịch, bất kể đó là vùng biên giới hay những ổ dịch, tiếp xúc với những bệnh nhân để mang lại những thông tin chân thực nhất. Tuy nhiên, đây là những đặc thù của nghề báo chí, đòi hỏi phóng viên phải trực tiếp đi và trao đổi, thu thập thông tin, số liệu, hình ảnh,…

Không những thế, các nhà báo, phóng viên còn là những người lính trên tuyến đầu cuộc chiến “chống tin giả”. Cùng với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, những thông tin thất thiệt về dịch bệnh cũng “mọc lên” như nấm sau mưa, gây hoang mang dư luận. Trong bối cảnh đó, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống - dòng thông tin chủ lưu đáng tin cậy càng được thể hiện rõ nét. Tin giả còn nguy hiểm hơn cả dịch bệnh, nó gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực cho người dân trên diện rộng và làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước.

Báo chí còn góp phần cổ động, động viên tinh thần của các tuyến đầu chống dịch và của toàn nhân dân, lan toả những hành động đẹp đáng trân trọng, tôn vinh những cống hiến to lớn của các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ, tình nguyện viên đang hàng ngày vất vả ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài ra, thực hiện tốt các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định, quyết định liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh đến toàn dân để nhân dân chấp hành, thực hiện; đưa tin các trường hợp vi phạm pháp luật và chế tài xử lý nhằm tạo tính răn đe cần thiết.

Mặc dù cũng chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cơ quan báo chí đã phải cắt giảm lương, thu nhập, phải tạm đình chỉ báo in, giảm nguồn thu từ quảng cáo… Tuy nhiên, cơ quan báo chí lại không nằm trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Các hỗ trợ về việc duy trì hoạt động, đời sống của các nhà báo, phóng viên, nhân viên của các cơ quan báo chí; cũng như hỗ trợ các phương tiện nhằm phục vụ công tác đưa tin liên quan đến dịch bệnh, bảo đảm sự an toàn của nhà báo, phóng viên đang làm nhiệm vụ tại tuyến đầu là chưa có và chưa thực sự được quan tâm. Do đó, cần phải có những quy định, quyết định của Chính Phủ nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí có thể duy trì được hoạt động và cống hiến nhiều sức lực hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay.

Nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 cần được hưởng chế độ đặc thù

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS cho rằng với những nhiệm vụ quan trọng của ngành báo chí và rủi ro cho các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, rất cần có sự quan tâm của Nhà nước nhằm động viên, giúp đỡ cho các cơ quan có thể thực hiện tốt hơn, bám sát mọi hoạt động của mặt trận chống dịch, mọi lúc mọi nơi, làm lan tỏa những thông tin kịp thời, chính xác, có ích nhất, mang tính định hướng cao nhất để người dân hiểu được chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, để cả nước chung một ý chí, hành động chống dịch Covid-19.

Đồng thời, đây chính là thời điểm để Chính phủ cần cân nhắc về những chính sách cho nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19 cần được hưởng chế độ đặc thù; hỗ trợ chuyển đổi số cho báo chí; xây dựng hạ tầng công nghệ tốt hơn cho báo chí; hỗ trợ chi phí đảm bảo mức sống cho ngành báo chí.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, sự hỗ trợ này có thể trực tiếp như các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; hoặc bằng các chính sách ưu đãi phát triển; cung cấp các phương tiện tác nghiệp, trang thiết bị bảo hộ... cho các nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong mùa dịch Covid-19.

Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có Công văn số 73/CV-HNBVN đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các cơ quan báo chí và người làm báo do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại văn bản này, Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá rằng, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội khiến các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn; nhiều cơ quan báo chí doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% - 50%; đồng thời, chi phí cho lực lượng phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các toà soạn cũng như đời sống của người làm báo.

Do vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các cơ quan báo chí được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế. Đồng thời, cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường; bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; điều tiết bổ sung cho Quỹ bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

Ý NHƯ

Rủi ro bảo mật thông tin khách hàng ở Việt Nam trong hành nghề Luật sư

Lê Minh Hoàng