/ Trao đổi - Ý kiến
/ Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số vấn đề về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

30/03/2023 11:13 |

(LSVN) - Trong quá trình sử dụng, quản lý đất đai tại Việt Nam, luôn tồn tại nhiều tranh chấp có thể diễn ra bất cứ khi nào với phạm vi tranh chấp rộng bao gồm các tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, tranh chấp quyền sử dụng đất trong thừa kế, tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất hay cả tranh chấp quyền sử dụng đất trong hôn nhân. Tranh chấp đất đai cũng đi liền với các chủ thể phức tạp như tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước với người sử dụng đất hoặc tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau hoặc các giữa các tổ chức với nhau. Do đó, việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh là điều cấp thiết nhằm tránh các xung đột kéo dài hoặc các cơ quan không rõ được thẩm quyền của mình.

Ảnh minh họa.

Nội dung quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Quy định tại Luật Đất đai năm 2013

Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

"1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành".

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai được hướng dẫn bởi các Điều 89, 90 và 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 

Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

"1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.

2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại".

Một số vấn đề lý luận về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Ưu điểm về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo dự thảo

Thứ nhất, dự thảo sửa đổi đã bỏ điểm a khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 về việc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền là hợp lý, vì thực chất các quan hệ giải quyết tranh đất đai hầu hết sau khi tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã sau đó người có quyền lợi và nghĩa vụ sẽ nộp đơn tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Thứ hai, không quy định về việc bắt buộc phải hoà giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ giảm thiểu được các thủ tục và giảm thiểu thời gian giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, mở rộng các quy định về thẩm quyền tranh chấp khi không dùng phương pháp liệt kê cụ thể giúp hạn chế các trường hợp chưa được pháp luật quy định.

Thứ tư, quy định điểm mới trong cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai bằng Trọng tài thương mại đem lại nhiều lợi ích, đa dạng phương pháp lựa chọn cho các doanh nghiệp hay tổ chức, đặc biệt về quy định “tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai” điều này mang lại nhiều lựa chọn cho các chủ thể khi có tranh chấp.

Một số hạn chế, vướng mắc của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Thứ nhất, việc huỷ bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện và không bắt buộc hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thể gây quá tải hồ sơ cho các Thẩm phán tại Toà án nhân dân có thẩm quyền, với lượng hồ sơ tranh chấp không đáng có. Khi giữa các chủ thể có tranh chấp còn có thể thương lượng, hoà giải được thì việc nộp đơn đến Toà án có thẩm quyền sẽ làm thiếu hụt nguồn nhân lực của Tòa án khi hầu hết các Tòa án hiện nay tại các tỉnh, thành phố lớn đều có lượng hồ sơ tồn đọng, ùn ứ dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, “hoạt động thương mại liên quan đến đất đai” chưa được định nghĩa cụ thể gồm những hoạt động như thế nào, chủ thể nào là người có quyền khởi kiện tại Trọng tài thương mại khi tranh chấp xảy ra.

Nhận định và đề xuất

Đất đai là một lĩnh vực vô cùng phức tạp nên việc làm rõ thẩm quyền giải quyết là việc cần thiết cho cả cơ quan quản lý và chủ thể thực hiện quyền của mình.

Từ những phân tích trên, có thể nói rằng dự thảo sửa đổi về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai gần như đã hoàn chỉnh và cập nhật đúng vào các tình hình giải quyết tranh chấp diễn ra trên thực tế nhằm giảm thiểu các thủ tục trong tranh chấp đất đai.

Tuy nhiên, để hoàn thiện các quy định và có cơ sở áp dụng vào thực tiễn, tác giả hy vọng bài viết này sẽ đóng góp một số ý kiến, chỉ ra những bất cập, hạn chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc góp phần hoàn thiện các quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Thạc sĩ, Luật sư LÊ THỊ HỒNG THƠM

Giám đốc Công ty Luật TNHH Dương Nữ 

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thế nào về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị

Bùi Thị Thanh Loan