/ Luật sư - Bạn đọc
/ Góp ý về việc chọn và sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa

Góp ý về việc chọn và sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau khi Tạp chí Luật sư Việt Nam đăng tải nội dung liên quan đến những “hạt sạn” không đáng có trong sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa Tiếng Việt 1 & 2 của NXB Giáo dục Việt Nam, toà soạn đã nhận được nhiều nội dung từ các độc giả về vấn đề này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải nội dung được gửi tới từ độc giả có tên Ngọc Mai trên tình thần xây dựng, góp ý hoàn thiện hơn đối với công tác biên soạn và thẩm định sách giáo khoa hiện nay.

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của NXB Giáo dục Việt Nam.

Không chỉ là vấn đề ngữ liệu không phù hợp

Học sinh nói chung và học sinh Tiểu học nói riêng rất cần sự chuẩn mực ở người lớn. Chuẩn mực về hành xử, chuẩn mực về nhân cách, về lời ăn tiếng nói. Sách giáo khoa (SGK) cũng phải chuẩn mực về văn phong, ngữ liệu và nội dung, tư tưởng. Kể cả chuẩn về nghệ thuật.

Một học sinh cũ của tôi giờ là giáo viên, dạy ở một trường Tiểu học tại Thái Nguyên, hỏi: Các ngữ liệu chưa thực sự phù hợp trong SGK liệu có được thay thế không?

Tôi cho rằng, nếu chưa phù hợp, nó sẽ được thay thế. Nếu người biên soạn nhìn nhận ra những lỗi sai, những “hạt sạn” không đáng có trong SGK. Vấn đề là khi nào nó được thay, và thay như thế nào, còn là do Hội đồng thẩm định đánh giá và phán quyết. Và trên hết, NXB, Tổng chủ biên và tác giả biên soạn sách cũng phải nhận ra và thực sự cầu thị.

Tôi có đọc bài trả lời phỏng vấn của PGS-TS Bùi Mạnh Hùng trên một trang văn nghệ trước ồn ào về các lỗi ngữ liệu không phù hợp, về bản quyền..., ông cho rằng “xã hội cần mở lòng đón cái mới...”. Tôi thì lại không nghĩ vậy, câu chuyện chúng ta bàn là SGK và những bất cập của nó. SGK của chương trình mới đang tiếp cận và thực hiện những cái mới, theo hướng tích cực mà mục tiêu chương trình đưa ra, theo thông tư 32/2018 của Bộ GD&ĐT. Chương trình đổi mới, có tính kế thừa với đầy đủ tính ưu việt mà ai cũng dễ dàng nhận ra.

Tuy nhiên, mỗi bộ SGK cần phải theo sát khung chương trình, vì đó là pháp lệnh. Không thể căn cứ vào sự đổi mới nói một cách chung chung, mơ hồ mà cố tình làm sai lệnh chương trình. Cũng không thể vì nhân danh cái mới mà đưa vào SGK những ngữ liệu không phù hợp để học sinh học. Bà thơ Bắt nạt là một ví dụ. Nếu ngữ liệu phù hợp, bài thơ Bắt nạt nói riêng và các ngữ liệu khác nói chung trong SGK Tiếng Việt  lớp 1 & 2, cũng như sách Ngữ văn 6 bộ Kết nối cuộc sông với tri thức đã không ồn ào dư luận như hôm nay.

Chúng ta đừng coi thường những ngữ liệu tưởng như “có gì đâu”, “vô hại mà”, “không hay nhưng cũng tạm được”... Ai dám bảo những ngữ liệu dạy trẻ em như trong ngữ liệu Niềm vui của Bi và Bống (Tiếng Việt 2, tập một, tr.17) là vô hại? Ai dám bảo khi ngữ liệu trẻ ước thấy vàng, rồi giả định tình huống lấy đi, rồi mua sắm những vật dụng cá nhân mà không biết đến nguồn gốc là có tính giáo dục? Liệu trẻ có trung thực được nữa không với những ngữ liệu “vô hại” ấy được nạp vào đầu hàng ngày?.

Với trẻ em, cách giải thích cũng cần phải chính xác. Trong bài thơ Gọi bạn rất hay của nhà thơ Định Hải (Tiếng Việt 2, tập một, tr. 79,80) có câu “Tự xa xưa thuở nào/trong rừng xanh sâu thẳm...), thì SGK lại giải thích từ ngữ sâu thẳm là rất sâu (?!?). Đây là từ chỉ không gian, chứ không phải là từ chỉ độ sâu. Giải thích như vậy, các em sẽ hiểu là rừng rất sâu (như cách hiểu về độ sâu của giếng, hay biển, sông, suối vậy). Cách giải thích như vậy sẽ khiến học sinh hiểu sai về kiến thức.

Tôi cũng lo lắng, nếu (SGk Tiếng Việt 2, tập một, tr. 53) đưa ra ngữ liệu về câu đố, cũng “cho xong”, đố học sinh về đồ vật (cục tẩy) mà học sinh lại liên tưởng đến món kẹo dẻo mình ưa thích, thì... coi như thất bại: “Nhỏ như cái kẹo/ Dẻo như bánh giầy/ Học trò lâu nay/ Vẫn dùng đến nó” (Là cái gì ?). Hay ngữ liệu đố về cái đồng hồ. Nếu cứ dựa vào ngữ liệu của văn bản này, nhiều người lại hồ nghi không biết có phải đồng hồ không? Vì chỉ có “hai anh”, tức kim giờ, kim phút. Còn kim giây... không thấy! “Cái gì tích tắc ngày đêm/ Nhắc em đi ngủ, nhắc em học bài/ Một anh chậm bước khoan thai/ Một anh chạy những bước dài thật nhanh”. Đang mô tả và gợi sự liên tưởng đến đồng hồ, tự nhiên nhảy ra “hai anh” từ đâu xuất hiện. Theo tôi, câu đố này chỉ dùng hai câu trên đã là đủ. Cố liên tưởng về kim giờ, kim phút, lại càng không ổn, vì thiếu kim giây. Trẻ em sau này nhìn đồng hồ khẳng định chỉ có hai kim mới là đúng thì phụ huynh không biết giải thích với con ra sao nữa.

Và chuyện bản quyền…

Bản quyền trong SGK là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Đối với các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới, người biên soạn SGK phải ghi rõ nguồn. Năm ngoái, dư luận nóng lên, ồn ào, cũng về sự vi phạm bản quyền của sách Tiếng Việt lớp 1 sách Kết nối. Trích dẫn câu thơ của Nguyễn Khuyến trong bài Thu điếu, Chủ biên cũng... bỏ quên tên tác giả, quên dẫn nguồn. Con quạ thông minh không ghi tên tác giả Ê dốp, truyện Búp bê và Dế mèn không ghi tên tác giả Nguyễn Kiên, truyện hai người bạn và con gấu không ghi tên tác giả L.tôn-xtôi. Nhiều câu chuyện kể trong SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối đã và đang gây những hiệu ứng không tốt về vấn đề liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ.

Gần đây là ngữ liệu Tôi đi học, nhóm làm sách Ngữ văn lớp 6 cũng... tự “chế biến” theo cách của mình truyện ngắn "Tôi đi học" nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh, khiến đứa con tinh thần nổi tiếng qua nhiều thập kỷ của nhà văn Thanh Tịnh bị biến dạng, khi “hồn-cảm xúc” lìa khỏi “xác” ngôn từ.

Nhiều ý kiến giảng viên đang dạy bộ Kết nối kêu bộ sách quá tải, kiến thức “nặng” và khó dạy khi triển khai thực hiện chương trình. Không ít giảng viên, đang dạy Tiểu học ở Quảng Bình, Thái Nguyên, Hà Nội... đã phát hiện ra SGK Tiếng Việt lớp 1 sách Kết nối đã lấy ngữ liệu từ lớp 2, lớp 3 xuống lớp 1, khiến cho kiến thức bị ép, trở nên quá tải. Việc đưa ngữ liệu lớp trên xuống cho học sinh lớp 1 học đã không đúng đối tượng, vừa gây quá tải cho bài học. Tôi đơn cử: Bài  Tôi đi học lấy từ lớp 3 hiện hành xuống lớp 1, Bài Quạt cho bà ngủ cũng lấy từ lớp 3, Hoa phượng lấy từ lớp 2...

Báo chí đã nói nhiều về những bất cập trong SGK. Chúng ta không phải là bới lông, tìm vết. Mà là gạn đục khơi trong, để có tiếng nói xây dựng, mục đích góp ý cho các nhà biên soạn SGK, NXB Giáo dục Việt Nam cần cẩn trọng hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa, khi làm SGK cho học sinh học. Vì tuổi đời của mỗi cuốn SGK ít nhất từ 20 năm. Không lẽ gì mà Hội đồng thẩm định và các Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả lại không dành cho học sinh bộ SGK tốt nhất, hay nhất cho học sinh học.

NGỌC MAI

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 NXB Giáo dục: Kết nối sai lệch với cuộc sống?

Lê Minh Hoàng