/ Tin nổi bật
/ Hà Nội ban hành Chỉ thị hỏa tốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo 3 vùng

Hà Nội ban hành Chỉ thị hỏa tốc triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo 3 vùng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày0 3/9, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị hỏa tốc số 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, qua 3 đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, tại một số địa phương khu vực có mật độ dân cư cao, nhiều ngõ, ngách nhỏ, nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực phong tỏa có nơi còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức, chưa thực sự quyết tâm, chặt chẽ trong việc thực hiện giãn cách xã hội. Có nơi còn hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”; các ca bệnh mới vẫn phát sinh trong cộng đồng, khu phong tỏa, tại các khu chợ dân sinh, siêu thị không rõ nguồn lây nhiễm bệnh; một số cá nhân lợi dụng việc xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu được cấp luồng xanh, xe cứu thương đã vận chuyển những người dân từ vùng có dịch bệnh về thành phố.

Trước tình hình đó, từ 06h ngày 06/9 đến 06h ngày 21/9/2021, thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng cụ thể như sau:

Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện là Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Vùng này tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao. Phạm vi toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện gồm Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Vùng này thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo phương án đã được phê duyệt.

Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

Phạm vi toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.

Vùng này thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ nguyên tắc thực hiện các biện pháp trên, đó là  phải thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo các vùng, kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng; Phân vùng là để phòng, chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính. Các địa phương thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại vùng 2, vùng 3.

Tại vùng 1 (Vùng nội đô), để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, các đơn vị cần khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực; tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cần hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Đáng chú ý, Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp đăng tin sai sự thật, rút tít gây hoang mang dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu Sở Chỉ huy chống Covid-19 các cấp bố trí ứng trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, đơn vị, cá nhân và vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch và việc triển khai Chỉ thị này. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo Sở Chỉ huy các cấp theo quy định.

PV

Hà Nội phấn đấu hoàn thành tiêm 961.000 liều vaccine Covid-19 trong đợt nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9

Lê Minh Hoàng