/ Tin nổi bật
/ Hà Nội tổ chức tiêm miễn phí vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 đến 65 tuổi

Hà Nội tổ chức tiêm miễn phí vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 đến 65 tuổi

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 07/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND, về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2022.

Ảnh minh họa. 

Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội phấn đấu có 95% đối tượng nguy cơ và người dân trên địa bàn Thủ đô được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ vaccine.

Cụ thể, đối tượng 1 triển khai tiêm chủng (ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ) là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ phòng, chống Covid-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên); lực lượng quân đội, công an. Tiếp đó là các nhân viên, cán bộ ngoại giao làm việc tại Việt Nam và của Việt Nam được cử đi nước ngoài; cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh…

Đối tượng 2 gồm những người từ 18 đến 65 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng trên.

Thành phố sẽ huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các sơ sở y tế trên toàn thành phố, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Các đối tượng trên sẽ được tiêm miễn phí theo thứ tự ưu tiên.

Theo lộ trình triển khai, thành phố sẽ tiêm cho đối tượng ưu tiên theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế. Sau đó, việc tiêm cho đối tượng khác (đối tượng 2) sẽ được triển khai trên cơ sở nguồn cung vaccine (nguồn nhập khẩu hoặc nguồn sản xuất trong nước).

Kinh phí tiêm vaccine được lấy từ nguồn Trung ương (kinh phí do Bộ Y tế mua vaccine và phân bổ cho thành phố). Kinh phí nguồn ngân sách thành phố gồm: Mua vaccine theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (ngoài phần vaccine do Bộ Y tế phân bổ theo từng giai đoạn); vận chuyển và bảo quản vaccine; hoạt động tập huấn; mua dụng cụ, vật tư tiêm chủng; hoạt động truyền thông… Ngoài ra là nguồn tự nguyện chi trả của tổ chức, cá nhân và nguồn viện trợ, hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và nguồn vốn hợp pháp khác.

Hiện, thành phố Hà Nội đã kích hoạt trên 20.000 tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng; đồng thời bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng: Quyết liệt, khẩn trương, chủ động, kịp thời, linh hoạt, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác nhưng không gây hoang mang. Hà Nội dập dịch theo nguyên tắc, phương châm nhất quán là “4 tại chỗ” có gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp; phát hiện truy vết đến cùng, cách ly tuyệt đối, xử lý khoanh vùng hẹp theo diễn biến điều tra dịch tễ.

Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế chỉ đạo tổng rà soát các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội, chủ động lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng ngay từ đầu; chỉ đạo các địa phương, khuyến cáo người dân hạn chế khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến Trung ương.

Chỉ đạo các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K thông tin ngay các trường hợp F0 để địa phương truy vết sớm, hiệu quả; cung cấp danh sách bệnh nhân chuyển viện từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và các cơ sở của Bệnh viện K từ ngày 14/4 đến các cơ sở chữa bệnh trên địa bàn để các lực lượng chức năng địa phương truy vết. Đồng thời, có phương án tiếp nhận bệnh nhân nặng nhưng có bảo đảm phòng chống dịch, công bố để người dân yên tâm. Các địa điểm phong tỏa bảo đảm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thành phố Hà Nội có trách nhiệm bảo đảm các nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị, xét nghiệm từ vòng ngoài...

Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo các địa phương, khi bàn giao người sau cách ly tập trung giữa các địa phương phải có thông tin kịp thời để các địa phương chủ động.

PV

Tạm thời phong tỏa 03 cơ sở Bệnh viện K do liên quan đến 10 ca dương tính Covid-19

Lê Minh Hoàng