/ Pháp luật - Đời sống
/ Hạn chế hoạt động của báo chí tại phiên tòa công khai - Nên hay không nên?

Hạn chế hoạt động của báo chí tại phiên tòa công khai - Nên hay không nên?

30/05/2024 19:57 |

(LSVN) - Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng… là quy định hiện hành theo Luật Báo chí. Tuy nhiên, TAND Tối cao lại đang có mong muốn "thắt chặt" việc ghi âm, ghi hình của báo chí.

Ảnh minh họa.

Chỗ ngồi riêng bảo đảm tính tôn nghiêm

Theo đó, tại dự thảo mới nhất Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), TAND Tối cao đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ thực hiện trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của những người này.

Cụ thể, khoản 3, Điều 141, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nêu rõ: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ”. 

Gần đây, tại một số phiên xét xử vụ án lớn như kit test Việt Á, Tân Hoàng Minh tại TAND TP. Hà Nội, các phóng viên theo dõi, đưa tin về phiên tòa được bố trí tác nghiệp tại phòng báo chí nhưng lại không được ghi âm, ghi hình kể cả qua màn hình, không được sử dụng máy tính và không mang theo điện thoại. 

Thay vào đó, các phóng viên được cấp phát giấy, bút để ghi lại các tình tiết vụ án, diễn biến phiên tòa, rồi ra ngoài thao tác bằng máy vi tính, hoàn thiện tin, bài viết của mình. Việc Tòa án chỉ cho phép phóng viên sử dụng giấy bút ghi chép, tác nghiệp đã khiến hoạt động, công việc về báo chí trở nên rất khó khăn, bí bách. Đặc biệt, đây đều là những vụ án phức tạp, nhiều tình tiết, số liệu và việc xét xử kéo dài trong nhiều ngày liên tục.

Tương tự, trong các ngày 04 và 05/4 vừa qua, ở phiên xử vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỉ do bị cáo Nguyễn Minh Thành cầm đầu tại TAND quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội), các phóng viên đến tham dự, đưa tin diễn biến phiên tòa cũng bị “làm khó” khi bị thư ký phiên xử yêu cầu “không ghi âm, ghi hình”.

Nói về hiện tượng trên và việc hạn chế, “thắt chặt” ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa xét xử công khai mà dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) hướng tới, hầu hết Nhà báo cùng nhiều luật gia cho rằng, điều này là không nên, không phù hợp với xu thế phát triển và cũng không tương thích, phù hợp với các quy định hiện hành.

Bởi thực tiễn cho thấy, một trong những đặc trưng, đặc thù của nghề báo, hoạt động báo chí chính là việc ghi âm, ghi hình, nhất là đối với phiên tòa xét xử công khai ở những vụ án dư luận xã hội quan tâm. Ở góc độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí thì hoạt động ghi âm, ghi hình của phóng viên, cơ quan báo chí chính là “linh hồn” và là sự “sống còn” trong mỗi tác phẩm báo chí.

Từng nhiều năm thực hiện công tác xét xử, một Thẩm phán (nguyên Phó chánh Tòa hình sự, TAND TP. Hà Nội), cho hay, khi điều hành phiên tòa, vị này chưa bao giờ hạn chế báo chí. Tuy nhiên, việc bị chĩa máy quay, máy ảnh hoặc có người đi đi lại lại trong phòng xử án cũng ít nhiều gây tâm lý không thoải mái cho hội đồng xét xử.

Hài hòa tính tôn nghiêm của phiên tòa và quyền tác nghiệp của phóng viên, vị nguyên Thẩm phán cho rằng, cơ quan xét xử cần bố trí phòng riêng với màn hình, đường truyền âm thanh, hình ảnh trực tiếp đảm bảo để phục vụ báo chí đưa tin về phiên xử.

Tại đó, các phóng viên có thể thoải mái tác nghiệp, ghi âm, ghi hình theo yêu cầu công việc của mình. Điều này phù hợp các quy định hiện hành và cũng thỏa mãn các nguyên tắc xét xử, trong đó có nguyên tắc xét xử công khai, “không ai ảnh hưởng đến ai”.

Dễ chồng chéo, vướng mắc và giảm hiệu quả, hiệu lực

Luật Báo chí năm 2016 đã quy định khá đầy đủ và toàn diện, rõ ràng về hoạt động của báo chí tại phiên tòa xét xử công khai. 

Cụ thể, khoản 1 và điểm c, d, khoản 2, Điều 25 nêu rõ, Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ Nhà báo. Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, Nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ Nhà báo.

Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Tương tự, các Điều 4 và Điều 25, Luật Báo chí cũng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và của mỗi Nhà báo. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố phải “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”.

Giả sử hoạt động ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa bị hạn chế hoặc “triệt tiêu” thì không những rất khó để có được những tác phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn phục vụ nhân dân mà ngay cả độ chính xác, chân thực, khách quan và độ tin cậy cũng khó lòng bảo đảm. Đây cũng chính là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa thông tin trên báo chí với thông tin trên mạng xã hội.

Cũng chính vì báo chí có chức năng, nhiệm vụ là “phải thông tin trung thực” nên Bộ luật Tố tụng hình sự xác định, thông tin tố giác tội phạm trên phương tiện truyền thông, báo chí là một trong những căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố vụ án, tiến hành điều tra (Điều 143).

Rõ ràng thông tin từ báo chí được xác định là rất quan trọng và cần thiết trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Từ đó, có thể thấy, độ chính xác, độ tin cậy là yếu tố bắt buộc đối với tin, bài trên báo chí. Và để đảm bảo được yêu cầu này thì việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động báo chí là không thể không thực hiện.     

Về góc độ hình ảnh cá nhân, tại Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, những hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ.

Cần phải hiểu rằng hình ảnh cá nhân là những hình ảnh như: ăn, ở, ngủ, nghỉ mang tính riêng tư hoặc đời sống riêng tư của cá nhân. Nó hoàn toàn không liên quan đến hoạt động công cộng và cũng không liên quan đến hoạt động mang tính công vụ, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. 

Với bối cảnh Tòa án và phiên tòa công khai thì đây chính là nơi công cộng, hoạt động công cộng và là hoạt động mang tính công vụ, nhiệm vụ. Hơn thế đây còn là hoạt động công cộng vì lợi ích quốc gia, dân tộc với trọng tâm là đấu tranh, xử lý và phòng ngừa tội phạm.

Nói thêm về hoạt động ghi âm, ghi hình của báo chí thì Luật Báo chí đã điều chỉnh, “phủ sóng” mọi phương diện đối với hoạt động báo chí, xuất bản báo chí, gồm cả phạm trù về đạo đức, điều kiện đối với người làm báo.

Trong khi ấy, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chỉ có giới hạn, phạm vi điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong TAND; về bảo đảm hoạt động của TAND.

Quan hệ giữa hoạt động báo chí và hoạt động của Tòa án là mối quan hệ không có tính gắn kết chặt chẽ; không có tính chi phối, lệ thuộc nhau. Nói khác đi thì đây là hai mối quan hệ xã hội khác nhau, độc lập nhau về nhiều phương diện, đặc biệt là về quản lý Nhà nước. Do đó, nếu “lồng ghép” hoạt động, nghiệp vụ báo chí vào hoạt động của Tòa án sẽ dẫn tới sự chồng chéo, vướng mắc và giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn thi hành cũng như yêu cầu cải cách tư pháp.

Ngoài ra, đối tượng điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND là Thẩm phán, Thư ký và cán bộ Toà án. Tương tự, phạm vi điều chỉnh của luật này là các hoạt động thuộc phạm vi xét xử và công tác tổ chức toà án các cấp.

Trong khi ấy, đối tượng điều chỉnh của Luật Báo chí là các cơ quan thông tấn, báo chí và Nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí là các hoạt động về báo chí, thông tấn; việc tổ chức bộ máy, con người để hoạt động báo chí. Trong đó, có nghiệp vụ báo chí, chứa đựng việc ghi âm, ghi hình tại các phiên toà xét xử công khai nói riêng và việc ghi âm, ghi hình của báo chí nói chung trong quá trình hoạt động.

Đối với việc ghi âm, ghi hình của báo chí tại các phiên toà công khai, xét về mặt khách quan và thực tiễn thì ít nhiều có sự tác động hoặc ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên toà.

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề gì lớn gây ảnh hưởng xấu hoặc làm "méo mó" hoạt động xét xử hay tác động tiêu cực đến những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

Vấn đề, giải pháp đặt ra là cần giữ sự tôn nghiêm của phiên toà, sự vô tư, công tâm của "những người cầm cân nảy mực" nhưng vẫn phải bảo đảm được quyền tác nghiệp của báo chí; phải bảo đảm được thông tin, tài liệu mà báo chí sử dụng, đăng tải là trung thực, chính xác và khác quan...

Luật sư TRỊNH VĂN TUYẾN 

Văn phòng Luật sư Giang Thanh 

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Cần có cách hiểu và quy định nhất quán về việc sử dụng thông tin hình ảnh tại phiên tòa

Nguyễn Hoàng Lâm