/ Góc nhìn
/ Hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ đe dọa người khác sẽ bị xử lý ra sao?

Hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ đe dọa người khác sẽ bị xử lý ra sao?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Thời gian gần đây, nhiều vụ việc liên quan đến công cụ hỗ trợ, súng bắn đạn cao su liên tiếp xảy ra khiến dư luận vô cùng quan tâm. Hành vi trên không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bị hại trong vụ việc mà cònảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự.

Trước đó, ngày 05/9 trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một tài xế ôtô 7 chỗ cầm vật giống súng chỉ vào lái xe tải đe dọa.

Cụ thể, tại khu vực Cầu Ngà, TP. Bắc Ninh, do đường hẹp, nhiều xe lưu thông trên đường tranh nhau đi trước. Một người đàn ông trung niên, mặc áo trắng đi xe ô tô mang biển số xe 99A - 306.xxx xuống xe, rút một vật giống khẩu súng đe dọa một người đi đường vì lý do chiếc xe tải đã chèn ép cả đoạn đường, không cho xe con vượt lên.

Ngay sau khi xuất hiện đoạn clip trên, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Công an TP. Bắc Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ clip và những người có mặt trong đoạn clip trên.

Chiều cùng ngày, Công an TP. Bắc Ninh đã triệu tập người đàn ông mặc áo trắng xuất hiện trong đoạn clip trên.

Người đàn ông mặc áo trắng trong đoạn clip là Nguyễn Văn Sướng (sinh năm 1968, trú tại Lãm Trại, Vân Dương, TP. Bắc Ninh), hiện là Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hàm Long (số 15 Hai Bà Trưng, Suối Hoa, TP. Bắc Ninh).

Lực lượng chức năng đã làm thủ tục tạm giữ khẩu súng trên để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.

Khẩu súng ông Sướng dùng đe dọa tài xế xe tải.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hành vi của vị Giám đốc Công ty bảo vệ chĩa súng thẳng vào người khác lớn tiếng đe dọa "bắn vỡ sọ" là đã có đủ dấu hiệu cấu thành của tội "Đe dọa giết người" theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Luật sư Tám phân tích, theo quy định cấu thành của tội "Đe dọa giết người" quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự, thì hành vi của người đe dọa giết người bằng động tác, bằng lời nói khiến cho người bị đe dọa hoàn toàn lo sợ và tin rằng mình có thể bị giết là đã hội đủ yếu tố cấu thành của tội phạm, cần phải xử lý nghiêm minh đối với người đe dọa giết người này, tránh tình trạng đe dọa dùng bạo lực gia tăng trong xã hội.

Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Ngoài ra, Luật sư Tám cũng cho hay, cơ quan chức năng xác định khẩu súng mà người đàn ông cầm trên tay là công cụ hỗ trợ, loại súng bắn đạn cao su. Do đó, cơ quan Công an cũng cần kiểm tra xem người này có giấy phép sử dụng loại vũ khí này hay không, có sự quản lý của nhà nước hay không.

Nếu khẩu súng là công cụ hỗ trợ và với hành vi sử dụng công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả thì cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 10 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Theo Luật sư Tám, hành vi của người đàn ông trong vụ việc trên hết sức hống hách, gây mất an ninh trật tự, cần phải  xử lý nghiêm hành vi của người đàn ông này. Đồng thời, tuyên truyền, răn đe phòng ngừa chung để tránh những trường hợp tương tự.

Vũ khí nguy hiểm nhưng bày bán công khai
Theo quy định của pháp luật, công cụ hỗ trợ được sử dụng để thi hành công vụ hoặc thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể khi có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Do đó, không phải ai cũng được phép tự ý sử dụng các công cụ hỗ trợ. Việc tự ý sử dụng các công cụ hỗ trợ không phù hợp với quy định pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn có thể dẫn đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy là loại công cụ chỉ dành cho lực lượng thi hành công vụ và phải có giấy phép sử dụng do cơ quan có thẩm quyền cấp, thế nhưng chỉ cần gõ từ khoá "mua súng bắn đạn cao su" là hàng loạt trang website xuất hiện rao bán đủ các loại mẫu mã, với đủ mệnh giá trung bình từ 5-10 triệu đồng. Việc bày bán công khai và người mua dễ tiếp cận với các mặt hàng nguy hiểm như vậy cũng là lỗ hổng trong việc quản lý công cụ hỗ trợ.

T. P

/dieu-tra-lam-ro-su-viec-pho-truong-cong-an-xa-no-sung-ban-nam-sinh-lop-12-bi-thuong.html