/ Pháp luật - Đầu tư
/ Hành vi thao túng thị trường chứng khoán ‘trá hình hoặc núp bóng’ dưới hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán ‘trá hình hoặc núp bóng’ dưới hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra hoạt động mua bán chứng khoán giữa các nhà đầu tư với nhau nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Trên TTCK, tâm lý các nhà đầu tư luôn chi phối rất lớn đến mức độ ổn định của thị trường, sự tác động của yếu tố tâm lý luôn diễn biến rất phức tạp, khiến TTCK luôn tiềm ẩn yếu tố bất ổn định rất cao, là nhân tố chủ chốt gây ra các cuộc hoảng loạn trên TTCK. Trong tổ chức và hoạt động của TTCK, yêu cầu công khai, minh bạch về thông tin có ý nghĩa quan trọng cho việc ra các quyết định đầu tư. Hành vi trục lợi từ việc không chấp hành, tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin, lợi dụng việc biết thông tin nội bộ để mua hoặc bán chứng khoán nhằm mục đích trục lợi hoặc không trung thực trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Luật sư Đào Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH JUSTIVA LAW. 

Với vai trò là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, TTCK chỉ hoạt động hiệu quả khi các chủ thể tham gia trên thị trường có đầy đủ các điều kiện, năng lực nhất định đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Nên mọi hành vi không minh bạch, trục lợi, thao túng cổ phiếu… của một số cá nhân nắm giữ lượng cổ phiếu lớn trong một công ty cổ phần đại chúng có thể gây ra thiệt hại rất lớn cho hàng trăm ngàn nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ hoang mang, lo lắng và khi tâm lý của các nhà đầu tư bất ổn thì họ sẽ nhắm mắt bán tháo cổ phiếu hoặc nhắm mắt “mua ào ạt, mua đại” một cổ phiếu nào đó. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến một doanh nghiệp nói riêng, một ngành nói chung và “có khả năng làm cho việc triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô luôn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí kết quả đi ngược so với mục tiêu kỳ vọng”.

Chúng ta phải hiểu rằng đối tượng của các giao dịch chứng khoán là cổ phiếu, cổ phiếu chính là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành, gắn liền với các quyền về tài sản và quyền nhân thân của nhà đầu tư. Như vậy, xét ở một góc độ nào đó thì hành vi “không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn theo quy định trước khi thực hiện giao dịch; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch hoặc về lý do không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký” có khả năng gây thiệt hại rất lớn cho nhiều nhà đầu tư và không loại trừ có yếu tố “trục lợi” trong việc cố tình vi phạm này.

Ngày 25/8/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 218/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Hảo (địa chỉ: 20 ngõ 107 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) - là người có liên quan đến ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB).

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hảo bị phạt tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3, Điểm đ Khoản 4 và Khoản 6 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 và Khoản 35 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Theo đó, bà Hảo đã có hành vi vi phạm hành chính "Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch". Cụ thể, đã không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch mua và bán 30.510 cổ phiếu TPB từ ngày 28/02/2019 đến ngày 02/4/2019. Bà Nguyễn Thị Hảo là người có liên quan của ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (mã chứng khoán: TPB).

Pháp luật về chứng khoán của Việt Nam đã hoàn thiện đáng kể, đặc biệt chế tài đối với những hành vi vi phạm đã tăng nặng hơn khá nhiều so với những năm trước đây và tiệm cận với chế tài của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, vi phạm pháp luật trên TTCK Việt Nam không giảm mà vẫn diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Đáng chú ý, những vi phạm tập trung chủ yếu vào một số hành vi như vi phạm quy định công bố thông tin, giao dịch có dấu hiệu nội gián khi không báo cáo trước thời điểm tiến hành giao dịch hay hành vi thao túng giá chứng khoán… Trong đó, vi phạm quy định công bố thông tin như việc công bố thông tin không đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời và đầy đủ có tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu.

Các câu hỏi được đặt ra với nhà quản lý trong lĩnh vực này là có phải mức xử phạt quá nhẹ, không tương xứng với giá trị lợi nhuận đem về từ các hành vi này, tạo ra sự “nhờn, coi thường” quy định của pháp luật. Đặc biệt, gần đây xuất hiện tình trạng một số lãnh đạo, thậm chí là người nhà lãnh đạo các công ty cổ phần đại chúng đã niêm yết trên sàn chứng khoán vi phạm liên tục. Vậy vấn đề trách nhiệm của pháp nhân, của lãnh đạo có liên quan đến người vi phạm này là như thế nào?

- Ngày 16/8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 511/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 70.000.000 đồng đối với bà Nguyễn Thị Ngân (người có liên quan đến ông Lê Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội, mã chứng khoán: SHB), vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch mua 200.000 cổ phiếu SHB vào ngày 06/01/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch.

Xem xét dưới góc độ vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên theo Nghị định số 56/2020/NĐ-CP

Luật Chứng khoán 2019 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021 vừa qua với nhiều điểm mới mang tính đột phá như nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao chất lượng báo cáo tài chính; đổi mới cơ chế đăng ký doanh nghiệp; tăng cường minh bạch thông tin; thống nhất một sở giao dịch chứng khoán; trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước; tăng chế tài xử lý vi phạm…Tiếp đó, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 31/12/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong Nghị định có Điều 42 quy định rất chi tiết việc xử phạt vi phạm về công bố thông tin.

Tuy nhiên, do UBCK Nhà nước hiện nay chưa có thẩm quyền điều tra, xác minh hành vi “vi phạm về việc công bố thông tin” là “lỗi vô tình hay cố tình” nên chỉ có thể áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo “hình thức và mức phạt được quy định cụ thể tại Điều 42 của Nghị định 56/2020/NĐ-CP”. Chính điều này đã dẫn đến dư luận cho rằng “mức xử phạt quá nhẹ, tạo ra sự coi thường pháp luật” của các cá nhân có tầm ảnh hưởng đến việc giao dịch của cổ phiếu.

Để khắc phục điều này thì UBCK Nhà nước phải xây dựng một đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về vận dụng luật, áp dụng luật như Luật sư hoặc Điều tra viên để nghiên cứu, xác minh, điều tra các hành vi vi phạm về việc công bố thông tin là hành vi của cá nhân hay pháp nhân, có sự “cấu kết để vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin” nhằm trục lợi hay không? Chúng ta có thể tham khảo Đạo luật Chứng khoán năm 1933 và Đạo luật Giao dịch chứng khoán Mỹ năm 1934, các nhân viên của UBCK Mỹ (SEC) có quyền triệu tập nhân chứng, lấy lời khai hoặc lời chứng có tuyên thệ; thu thập bằng chứng, yêu cầu cung cấp bất kỳ tài liệu, hồ sơ nào mà SEC cho rằng có liên quan đến vụ việc; yêu cầu các cơ quan, tổ chức phối hợp trong việc xác minh, làm rõ, thu thập thông tin.

- Ngày 20/7/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 466/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 50.000.000 đồng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Nguyễn Trần Phương là người có liên quan của ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã chứng khoán: MBB) đã mua 71.500 cổ phiếu MBB (tương ứng 715.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu MBB) nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch).

Hiện nay, UBCK Nhà nước mới “nhìn hình thức vi phạm” để xử lý vi phạm với những cá nhân mà chưa xem xét trách nhiệm của pháp nhân là một thiếu sót vì người chịu trách nhiệm công bố thông tin với UBCK Nhà nước, cổ đông, nhà đầu tư trên website của công ty cổ phần đại chúng là pháp nhân “chứ không phải là chỉ riêng cá nhân” thực hiện giao dịch. Nếu UBCK Nhà nước tiến hành điều tra, xác minh và quy trách nhiệm cụ thể cho cả cá nhân và pháp nhân thì việc “nhờn luật, coi thường luật” dẫn đến việc liên tục vi phạm như hiện nay sẽ được hạn chế rất nhiều và sẽ “xóa đi những hiểu lầm trong cộng đồng các nhà đầu tư”, tạo ra sự minh bạch và công bằng cho TTCK.

Xem xét việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin dưới góc độ của luật hình sự

Sự sôi động của TTCK Việt Nam thời gian đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đã tăng 58% so với cả năm 2020 [1]. Phải chăng tất cả các nhà đầu tư trên TTCK đều biết phân tích cổ phiếu, biết phân tích báo cáo tài chính, biết dự đoán khả năng hoạt động sinh lời của công ty? Không hoàn toàn đúng, chỉ có 1 số ít nhà đầu tư am hiểu còn lại đại đa số các nhà đầu tư chơi theo tâm lý đám đông. Đó chính là lý do bất kỳ một “thông tin sai lệnh nào trên các phương tiện thông tin truyền thông”, bất kỳ một hành vi “vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, che dấu thông tin nào” cũng có thể gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến TTCK và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư khi tham gia TTCK về bản chất là để tìm kiếm lợi nhuận, họ nắm bắt xu hướng tương lai của thị trường để từ đó có quyết định mua bán cổ phiếu đúng đắn nhằm thu được lợi nhuận dựa trên niềm tin vào tính minh bạch, công khai của thị trường chứng khoán, tin vào sự quản lý nghiêm minh chặt chẽ của nhà nước. Bất cứ một quyết định bán cổ phiếu của cổ đông lớn, của lãnh đạo và/hoặc người thân của ban lãnh đạo công ty đều có thể tạo ra các suy nghĩ khác nhau về những triển vọng tương lai của cổ phiếu và ảnh hưởng trực tiếp đến giá của cổ phiếu đó. Chính vì vậy, để đạt được lợi nhuận cao nên có trường hợp một số cá nhân và pháp nhân đã cấu kết để “chậm công bố thông tin về việc giao dịch cổ phiếu này” và họ chấp nhận chịu phạt vi phạm hành chính vì số tiền phạt chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà họ kiếm được.

-  Ngày 23/7/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 940.350.000 đồng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê, là người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán: VPB) mua 1.481.200 cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 01/2021, mua 1.880.700 cổ phiếu VPB trong tháng 02/2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 03/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch).

Đối với những trường hợp như vậy nếu chỉ nhìn hình thức vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay thì đã vô tình bỏ lọt hành vi phạm tội, tạo ra sự “coi thường pháp luật, lách luật” và sẽ được một số đối tượng vận dụng nhằm thao túng, lũng đoạn cổ phiếu. UBCK Nhà nước sau khi điều tra, xác minh sơ bộ nếu nhận thấy việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin là “có dấu hiệu cấu kết” để tạo thuận lợi cho việc giao dịch nội bộ, thao túng, trục lợi, lũng đoạn giá cổ phiếu thì nên chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành điều tra theo thẩm quyền; căn cứ vào kết quả điều tra, căn cứ vào mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra để xử lý vi phạm cả cá nhân lẫn pháp nhân dưới góc độ của pháp luật hình sự hoặc pháp luật hành chính. Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) cũng dành 4 điều từ Điều 209 đến Điều 212 để quy định về các hành vi tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, gồm Điều 209 về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; Điều 210 về tội “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”; Điều 211 về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; Điều 212 về tội “Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán”.

Trong lúc chờ đợi các hướng dẫn mới áp dụng chi tiết cho 4 điều luật nêu trên thì UBCK Nhà nước có thể nghiên cứu Điều 4 Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 vẫn còn hiệu lực để phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét các hành vi nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không. Song song đó cần mạnh mẽ áp dụng chế tài hình sự đối với các cá nhân và pháp nhân đã từng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo tính minh bạch cho TTCK, bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu nhà đầu tư cá nhân và là cơ sở cho TTCK phát triển bền vững.

- Ngày 25/8/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 218/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Hảo - là người có liên quan đến ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB). Theo đó, bà Hảo đã có hành vi vi phạm hành chính "Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch". Cụ thể, đã không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch mua và bán 30.510 cổ phiếu TPB từ ngày 28/02/2019 đến ngày 02/4/2019.

Pháp luật hình sự về chứng khoán đã có, việc xem xét bản chất của hành vi để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chứng khoán nhằm xác định, làm rõ mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán cho xã hội là điều cần thiết. Thông qua việc áp dụng các chế tài hình sự nghiêm minh sẽ nâng cao tác dụng giáo dục, cảnh báo đối với nhà đầu tư cũng như các pháp nhân và các chủ thể khác có liên quan trên TTCK để họ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với quy định pháp luật, không thực hiện hành vi phạm tội.

TTCK là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, để bảo đảm nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế và bảo đảm cho thị trường phát triển bền vững thì các hành vi xâm phạm quyền lợi nhà đầu tư, làm sai lệch quan hệ thị trường, tước đoạt quyền lợi nhà đầu tư trên TTCK cần phải được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Việc vận dụng đúng đắn và nghiêm minh các quy định pháp luật về hành chính và hình sự nhằm ngăn chặn các hành vi phạm tội trên thị trường chứng khoán là cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thị trường phát triển an toàn, minh bạch, từ đó góp phần củng cố niềm tin và giữ chân nhà đầu tư trong và ngoài nước cho thị trường chứng khoán.

==========================

[1] http://baochinhphu.vn/Kinh-te/6-thang-so-nha-dau-tu-mo-moi-tai-khoan-tang-58-so-cung-ky/437610.vgp).


Luật sư ĐÀO XUÂN SƠN

Giám đốc Công ty Luật TNHH JUSTIVA LAW

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Người nhà ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank bị xử phạt vì không báo cáo dự kiến giao dịch

Lê Minh Hoàng