/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng - kinh tế

Hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng - kinh tế

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng - kinh tế luôn là vấn đề khó khăn đối với các cơ quan tư pháp - trực tiếp tham gia giải quyết, thực hiện các quyền ưu tiên được pháp luật trao cho để thực thi trách nhiệm này. Đặc biệt trong bối cảnh tội phạm lợi dụng quyền tự do kinh doanh, luân chuyển, che giấu tài sản liên quan tội phạm, thì việc nghiên cứu và có giải pháp thiết thực để bảo đảm thu hồi trên thực tế là mục tiêu hàng đầu hiện nay. Nghiên cứu còn chỉ ra những vấn đề pháp lý phát sinh, cần quy định đầy đủ hơn, để bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình trong lĩnh vực kinh doanh – thương mại vốn dĩ quy định này vẫn còn mờ nhạt, nhiều mâu thuẫn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bối cảnh với các yêu cầu thu hồi tài sản nhanh chóng, có hiệu quả thực tế

Tội phạm trong các vụ án tham nhũng - kinh tế hiện đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân, xâm phạm đến khách thể là trật tự, môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả cũng như các cam kết của Nhà nước ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Những đặc thù riêng của án hình sự này - người phạm tội thường có chức vụ, quyền hạn am hiểu pháp luật, lượng tài sản chiếm đoạt, gây thất thoát có giá trị lớn, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị hết sức quan tâm, tìm kiếm những giải pháp xử lý có hiệu quả, thiết thực.

Bởi lẽ, các kết quả thời gian vừa qua chưa được kịp thời, nhiều vụ việc xảy ra đã lâu đến nay mới được phát hiện xử lý; tỷ lệ thu hồi tài sản khá thấp; phán quyết của tòa án thu hồi tài sản nhiều nội dung vẫn chưa thuyết phục…; khiếu nại, khiếu kiện sau khi xét xử án có hiệu lực vẫn xảy ra.

Vì vậy, mục tiêu đặt ra là các cơ quan pháp luật không chỉ sớm phát hiện, trừng trị tội phạm mà còn thu hồi nhanh chóng, đầy đủ tài sản liên quan đến tội phạm trên thực tế (thay vì là một quyết định, phán quyết trên “giấy”, không có khả năng thi hành, thu hồi tài sản).

Theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ban hành ngày 27/11/2019 của Quốc hội (Nghị quyết 96), trong thời gian tới, các cơ quan pháp luật liên ngành phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng bắt buộc phải “nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%”. Chỉ tiêu này dựa trên năng lực và bối cảnh thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm còn hạn chế như các đánh giá, song theo chúng tôi vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra (đó là các yêu cầu thu hồi tài sản phải đầy đủ, kịp thời); về phương diện pháp lý không chỉ là đấu tranh trừng trị tội phạm, mà còn khắc phục những hậu quả, thiệt hại.

Với việc đề cập vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thi hành án, Nghị quyết 96 cho thấy tầm nhìn của các nhà làm luật về xu hướng mới trong hoạt động đấu tranh, thu hồi tài sản án tham nhũng - kinh tế đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Không chỉ dừng lại ở khâu xử lý tội phạm (thông qua các hoạt động tố tụng hình sự như bấy lâu), mà được chú trọng thực hiện ngay từ khâu tranh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm cho đến khi thu hồi xong tài sản chiếm đoạt, các khoản vụ lợi trái pháp luật (sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan liên ngành).

Do đó, số liệu chỉ tiêu trên sẽ là áp lực rất lớn, trong đó có trọng trách của cơ quan thanh tra là sớm phát hiện, xử lý sai phạm ban đầu bằng việc ngăn chặn thất thoát, kể cả khi hành vi sai phạm đó chưa cấu thành tội phạm, chưa đến mức bị xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để nhận diện một cách đầy đủ từ đó có những giải pháp thiết thực hiệu quả trong hoạt động này, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả thu hồi tài sản án tham nhũng - kinh tế chưa cao là do các cơ quan pháp luật thời gian qua phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp khách quan như kể trên. Cộng với sự lưu chuyển có chủ đích của dòng tiền tội phạm vào các giao dịch dân sự - kinh tế, đã tạo ra những mất mát, thất thoát đáng kể. Nếu vận dụng vào các quy định hiện nay sẽ không bảo đảm mục tiêu đề ra.

Cụ thể, các quy định theo pháp luật Việt Nam về quyền tự do lưu chuyển vốn, kinh doanh, tạo ra những khe hở trong hoạt động này như sau:

Về phương diện lưu chuyển vốn tiền tệ: Luật dân sự nhìn chung cho phép các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn, xác lập các giao dịch cho mục đích tiêu dùng cá nhân hoặc kinh doanh sinh lời. Các giao dịch này đa dạng, được thực hiện qua các hợp đồng đơn vụ hoặc hợp đồng song vụ[1]. Ở các hợp đồng đơn vụ (chẳng hạn tặng cho tài sản không điều kiện), quyền thu hồi tài sản, kể cả tài sản đó thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội được đặt ra là hợp lý, vì đây là những hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu không có đền bù, các bên thường có mối quan hệ quen biết, thân thích. Song ở các hợp đồng song vụ, quyền lợi của bên đã thực hiện nghĩa vụ cần được pháp luật bảo vệ, bao gồm cả công sức lao động, nhận giữ tài sản liên quan đến tội phạm,…

Theo tác giả, vận dụng, xem xét quyền lợi, trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến tài sản, không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc xem xét các nghĩa vụ tương ứng nếu tài sản tội phạm hình thành từ các nghĩa vụ này hoặc ngược lại, nghĩa vụ thanh toán tài sản được đặt ra, khi giao dịch có liên đới trách nhiệm (trách nhiệm thanh toán tiền). Trường hợp các cơ quan tố tụng không làm sáng tỏ mục đích, ý nghĩa của dòng tài sản (ở góc độ này, chủ yếu là lưu chuyển tiền mặt hoặc qua các bút tệ), khi vận dụng các biện pháp tư pháp sẽ bỏ sót các khoản sinh lợi trái pháp luật hoặc trùng lắp, sai sót do thu giữ tài sản của người có giao dịch liên quan.

Về phương diện tự do kinh doanh: Hiến pháp và các quy định pháp luật đầu tư, doanh nghiệp[2] tiếp tục khẳng định quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trên cơ sở đầu tư, kinh doanh vào những lĩnh vực ngành nghề được phép, được phân chia kể cả chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Với khái niệm đầu tư, kinh doanh trải dài, mở rộng, việc phân định phạm vi giao dịch hợp pháp, ngay tình trong hoạt động này có những khác biệt cơ bản, không thể vận dụng quy định chung theo luật dân sự về một giao dịch ngay tình dựa trên đặc điểm đối tượng tài sản khi tài sản đó chưa được nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Từ đó, áp dụng các quy định về những giao dịch được phép thực hiện để quyền lợi của bên ngay tình, xác lập giao dịch hợp pháp được pháp luật bảo vệ chính đáng (bao gồm cả tài sản và lợi nhuận phát sinh). Đây cũng là những mâu thuẫn tiềm tàng giữa luật chuyên ngành kinh doanh với luật chung (dân sự), cho dù các nhà làm luật, cũng như quy định theo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nỗ lực khắc phục, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong đợi.

Mặt khác, với việc luật hóa các quyết định hành chính cá biệt sai phạm bị hủy bỏ như hiện nay, đồng nghĩa rằng các trách nhiệm của đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi quyền hạn cần được đặt ra trước tiên để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, kinh doanh ngay tình, ở góc độ tối thiểu có thể. Các biện pháp tư pháp không được can thiệp thô bạo, từ đó đẩy rủi ro cho các doanh nghiệp, cá nhân xác lập các giao dịch kinh doanh, thương mại minh bạch, đúng các quy định của pháp luật, khi đó mới hiện thực hóa các cam kết của nhà nước đối với giới doanh nghiệp.

Đặc biệt, dễ dàng nhận thấy điều này trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, một lĩnh vực đang thu hút các nhà đầu tư, có giá trị tài sản lớn, các vụ án tham nhũng - kinh tế hầu hết đều liên quan đến đối tượng tài sản này. Đây cũng là lĩnh vực mà các quy định bộc lộ nhiều bất cập, xuất phát từ những vấn đề thuộc về đất đai mang tính lịch sử, cũng như hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều yếu kém.

Từ những rối rắm, phức tạp của quan hệ tài sản trong lĩnh vực kinh tế, trong đó phải nhìn nhận rõ những khe hở của luật hiện hành, vô hình trung các quy định trên bị tội phạm lợi dụng, thông qua việc nhờ người thân, người có quan hệ quen biết đứng tên giùm (với tư cách chủ sở hữu hợp pháp tài sản tội phạm). Phức tạp hơn, những tài sản này sau đó tiếp tục được đẩy vào các giao dịch, kể cả thông qua định chế ngân hàng (tổ chức tín dụng) để bảo đảm cho các nghĩa vụ hợp đồng[3]. Các nghĩa vụ này được bảo đảm bằng tài sản của chính tội phạm, theo một cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đặc thù, chủ động được pháp luật cho phép có phần ưu ái về phía các ngân hàng, quy định khá cụ thể tại Điều 14 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ban hành ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng gặp khó khăn, xảy ra những mâu thuẫn, xung đột khi xử lý tài sản liên quan đến tội phạm là vật chứng vụ án, đồng thời là tài sản bảo đảm được giao dịch hợp pháp cho các khoản tín dụng được ký kết theo đúng trình tự, thủ tục, được ưu tiên thanh toán cho tổ chức tín dụng.

Tóm lại, đích đến cuối cùng của những tài sản này là xóa hoàn toàn các dấu vết tội phạm, biến những tài sản “bẩn” (tài sản chiếm đoạt, hối lộ,…) thành tài sản “sạch” (được lưu chuyển hợp pháp, công khai trên thị trường). Trên đường lưu chuyển này, chắc chắn sẽ có những khoản bị thất thoát, những khoản sinh lời, do vậy nếu các quy định của luật cứng nhắc, không đầy đủ, hoạt động điều tra không đến nơi đến chốn, chắc chắn thêm lần nữa sẽ không thu hồi các khoản tiền, hiệu quả thu hồi tài sản tội phạm khá thấp như thời gian qua là có thể thấy trước được.

Quyền ưu tiên qua các biện pháp tư pháp và những vấn đề pháp lý đặt ra

Với việc luật hóa và hoàn thiện hơn các biện pháp tư pháp[4], các cơ quan tố tụng hình sự hiện nay đã được các nhà làm luật trao quyền ưu tiên thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng - kinh tế. Không chỉ áp dụng đa dạng các biện pháp pháp lý, phù hợp với từng hành vi sai phạm cụ thể, các cơ quan này còn được phép khẩn cấp kê biên, phong tỏa tài sản đưa vào hồ sơ vụ án dưới danh nghĩa “vật chứng”. Bởi xét cho cùng, những tài sản này không chỉ để bảo đảm cho các hoạt động thi hành án về sau, mà còn là căn cứ chứng minh tội phạm, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, định khung, định lượng hình phạt.

Trên nguyên tắc, hai trách nhiệm này (hình sự, dân sự) phải được giải quyết trong cùng vụ án hình sự, không thể tách rời làm giảm chất lượng xét xử. Theo đó, tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự”. Cũng theo quy định của pháp luật hình sự, khi tiến hành nghị án, hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án, trong đó có biện pháp tư pháp (điểm d, khoản 3, Điều 326 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). Quyền ưu tiên này như một đặc thù trong hoạt động tố tụng hình sự, trên thực tế thời gian qua đã được các cơ quan tố tụng áp dụng ít nhiều có hiệu quả, tạo sự đồng thuận của xã hội.

Song, nếu đơn thuần chỉ dựa theo cách phân loại được luật định, tác giả thấy rằng cần xem xét lại từ ngữ theo chỉ tiêu của Nghị quyết 96, vì chỉ tiêu này chỉ dừng lại ở biện pháp thu hồi tài sản chiếm đoạt. Trong khi đó án tham nhũng gắn với tội phạm có chức vụ, ban hành quyết định hành chính cá biệt (giao đất, phê duyệt các dự án đầu tư, kinh doanh, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…), thất thoát tài sản lớn cho nhà nước xảy ra từ các quyết định sai phạm này.

Đồng nghĩa rằng, nếu hành vi chiếm đoạt trái ý chí chủ sở hữu, thì trong tội phạm tham nhũng - kinh tế, tội phạm thường vụ lợi (đưa nhận hối lộ), ban hành các quyết định với tư cách đại diện quản lý tài sản nhà nước trái pháp luật cần xử lý hủy bỏ, phục hồi nguyên trạng (giao trả lại quyền sử dụng đất cho nhà nước, các tài sản khác là vật cũng áp dụng tương tự).

Với việc khái niệm vật chứng một cách khái quát, dựa trên đối tượng của giao dịch là vật, tiền (không dựa theo khái niệm tài sản được mở rộng theo luật dân sự)[5], hoạt động thu hồi tài sản đứng về phía các cơ quan tố tụng hình sự có thuận lợi nhất định, trên nguyên tắc người nhận nắm giữ trái pháp luật phải hoàn trả tài sản chiếm đoạt, vụ lợi. Pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ ghi nhận và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình nếu nhận giao dịch tài sản theo đúng pháp luật. Song cũng từ khái niệm này, xu hướng xử lý thu hồi tài sản hiện nay chỉ xem xét hành vi của người nhận tài sản hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính sai phạm như đã trình bày, xu hướng này đang đẩy hết những rủi ro cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp ngay tình - những người đã nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh trong phạm vi quan hệ hợp đồng song vụ, nếu quyết định hành chính - dân sự có sai phạm.

Thêm vào đó, cách làm này (xử lý đối với người nhận tài sản tội phạm) sẽ không thu hồi được các khoản lợi ích phát sinh từ tội phạm để tịch thu sung công quỹ nhà nước, do tài sản được đưa vào các giao dịch, bị lược bỏ qua các hoạt động điều tra, xác minh các lợi ích phát sinh, cũng như áp dụng kịp thời các biện pháp tư pháp để thi hành. Đây cũng là vấn đề gây áp lực khá lớn đối với các nhà làm luật trước yêu cầu sửa đổi luật sao cho đồng bộ vì trong chừng mực nhất định, các quy định kinh doanh thương mại và đầu tư đang mâu thuẫn với lĩnh vực hình sự và dân sự. Hệ quả khi đó là, lợi ích của các bên khi vận dụng nguyên tắc pháp lý này luôn có sự đối lập, mâu thuẫn nhau.

Theo tác giả, hoạt động thu hồi tài sản tội phạm phải quyết liệt, theo các tiêu chí đã nêu, nhưng phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân theo các cam kết, cũng như xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư ngay tình cũng cần được bảo vệ. Không vì mục tiêu thu hồi tài sản tội phạm đầy đủ, nhanh chóng, các quyết định tư pháp tự ý đẩy rủi ro cho doanh nghiệp, cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn đang được Chính phủ nỗ lực gây dựng.

Qua một số việc giải quyết gần đây, các cơ quan tố tụng đang có hướng giải quyết thu hồi quyền sử dụng đất, thu hồi dự án được cấp trái pháp luật, cho dù dự án đã qua giai đoạn đầu tư, thậm chí được sang nhượng từ nhiều năm trước[6]. Quyết định này mang lại hiệu quả khá cao cho lợi ích nhà nước, thay vì áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại, dựa trên thiệt hại thực tế qua hoạt động thẩm định giá trị thiệt hại theo thị trường sẽ không bảo đảm thu hồi tài sản, nếu như không có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thu hồi này. Cần phân tích thêm rằng, việc hủy bỏ các quyết định hành chính cá biệt hiện nay đã được cho phép áp dụng trong các quan hệ tố tụng dân sự như một điểm mới của luật[7]. Đồng nghĩa việc thu hồi quyền sử dụng đất, thu hồi dự án có sai phạm sẽ là biện pháp tối ưu, vì vừa vận dụng đúng quy định hủy bỏ quyết định hành chính cá biệt sai phạm, đồng thời thu hồi đầy đủ tài sản trong các vụ án cố ý làm trái, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước.

Song với khái niệm đầu tư, kinh doanh khá rộng, trải dài từ khâu chuẩn bị, cho đến khi thành phẩm, đưa vào kinh doanh,… như được trình bày, hơn lúc nào hết, lằn ranh pháp lý cần được vạch rõ, phân định trách nhiệm nếu có phát sinh trong từng giai đoạn đầu tư, kinh doanh cụ thể. Từ đó, các doanh nghiệp, cá nhân sẽ chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro phù hợp, bảo đảm cho các lợi ích tối thiểu của mình, kể cả khi tài sản bị thu hồi theo các quyết định, phán quyết của cơ quan thẩm quyền. Theo tác giả, ở trường hợp này, cần xem xét đến các quyết định giao đất, quyết định cấp giấy phép, cho phép chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, huy động vốn bán tài sản khi chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu.

Việc quyết định thu hồi các quyết định hành chính cá biệt tác động trực tiếp đến quyền lợi của bên yếu thế, ngay tình, cho dù quyết định đó có sai phạm, nhưng phù hợp với quy hoạch, trách nhiệm bồi thường của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải được đặt ra. Từ đó các quy định phải được hoàn thiện hơn, bảo vệ quyền lợi của bên ngay tình trong các trường hợp trên, thay vì áp dụng theo các quy định của Bộ luật Dân sự (phải được cấp chứng nhận quyền sở hữu), sẽ không phù hợp thực tế, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.

Kết luận

Có thể thấy, với năng lực hiện nay, trong đó mở rộng vai trò của cơ quan thanh tra, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trên thực tế, các nhà làm luật kỳ vọng về tính khả thi của chỉ tiêu (60%) là có cơ sở, thuyết phục. Song theo tác giả, việc quán triệt vận dụng các biện pháp tư pháp như một biện pháp bảo đảm đặc thù cần lưu ý đối với tài sản là tiền mặt đã được lưu thông qua nhiều cung bậc của giao dịch khác nhau. Không thể đơn thuần chỉ áp dụng biện pháp thu hồi tài sản đối với người nhận giao dịch ban đầu, từ đó bỏ qua hoạt động xử lý vật chứng đối với tài sản là các nghĩa vụ thanh toán, quyền tài sản, các khoản tín dụng được cấp cho người có nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản tội phạm, các khoản bồi thường trong thời gian chiếm giữ tài sản, theo các trách nhiệm liên đới là chưa đầy đủ, không bảo đảm thu hồi tài sản trên thực tế.

Bên cạnh đó, hoạt động này phải quán triệt vận dụng quy định của luật đầu tư, kinh doanh, làm rõ đường đi của tài sản liên quan đến tội phạm để thu hồi và tịch thu sung công các khoản lợi bất chính, cũng như giải quyết quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp ngay tình. Để làm tốt các vấn đề trên, việc giải quyết không chỉ đơn thuần trong một vụ án hình sự, mà cần có sự liên hệ, kết nối chứng cứ cho các vụ án hình sự, dân sự phát sinh, cũng như khẩn trương hoàn thiện công tác giám định tư pháp, kịp thời bổ trợ, làm rõ các giá trị, lợi ích, các khoản thất thoát theo thị trường vốn dĩ vẫn còn hạn chế.

TS. LS. LƯƠNG KHẢI ÂN

____________________________
[1]: Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]: Điều 33 Hiến pháp 2013, Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014.
[3]: Tài liệu Báo cáo rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố từ năm 2012-2017, mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng ở mức trung bình cao, tập trung tại các giao dịch thanh toán và huy động vốn. Không chỉ riêng Việt Nam, tình trạng này xảy ra phổ biến ở các nước trên thế giới (theo UNODC - Tổ chức ma túy và Tội phạm Liên hợp quốc, ước tính hiện nay, rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm là 2-5% GDP, tương đương 800-2000 tỷ đô la Mỹ). Xem: UNODC, Money-Laundering and Globalization (Rửa tiền và toàn cầu hóa), https://www.unodc.org/unodc/en/money-laundering/globalization.html, truy cập ngày 24/6/2019.
[4]: Điều 46, 47, 48, 49, và 82 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[5]: Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
[6]: Chẳng hạn, khi xét xử vụ án “V và đồng phạm”, ban đầu tòa án tuyên bồi thường thiệt hại nhưng khi đính chính Bản án sở thẩm số 20/2020/HS-ST ngày 13/01/2020, tòa án đính chính, phán quyết tuyên “2. Giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại DA KĐT quốc tế Đa Phước”. Xem tại: Hoàng Quân (2019), Thu hồi dự án khu đô thị Đa Phước của Vũ “nhôm”, Công an TP. HCM, http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/thu-hoi-du-an-khu-do-thi-da-phuoc-cua-vu-nhom_87406.html, truy cập ngày 31/3/2020.
[7]: Quy định này được thực hiện từ năm 1989, song bị gián đoạn theo các quy định tố tụng 2004. Với việc hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ban hành ngày 06/1/2014, Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quy định tại khoản Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tình trạng này khắc phục, cho phép Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt sai phạm mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết.
/gop-y-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-dat-dai-tai-nguyen-moi-truong-xay-dung-kinh-doanh-bat-dong-san.html