/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW

Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết 27-NQ/TW

29/05/2023 05:46 |

(LSVN) - Trong điều kiện xã hội phát triển, bổ trợ tư pháp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Thực tiễn cho thấy, để các lĩnh vực này hoạt động hiệu quả và phát triển không thể chỉ hoàn toàn do Nhà nước thành lập ra, rồi “bao bọc”, mà còn cần đến sự tham gia của cộng đồng, nhất là từ các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, điều kiện theo quy định của pháp luật. Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới một lần nữa cho thấy vai trò, sự cần thiết của bổ trợ tư pháp cũng như đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đối với lĩnh vực này. Bài viết nêu lên những vấn đề cơ bản và đề xuất một số giải pháp huy động nguồn lực để xã hội hóa, phát triển đối với công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Ảnh minh họa.

Vai trò, hoạt động của bổ trợ tư pháp hiện nay

Đến nay, ở nước ta vẫn chưa có một văn bản luật chuyên biệt nào quy định chi tiết, giải thích cụ thể khái niệm “bổ trợ tư pháp”, mà chỉ thể hiện ở những góc độ khác nhau tại các văn bản pháp lý riêng. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã) thì bổ trợ tư pháp, bao gồm: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại. Đồng thời, tại Điều 1 Quyết định số 759/QĐ- BTP ngày 18/4/2018 của Bộ Tư pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bổ trợ tư pháp thì Cục này có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp gồm: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, thừa phát lại, hòa giải thương mại.

Hoạt động của bổ trợ tư pháp tham gia trợ giúp, tạo điều kiện để hoạt động tư pháp tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, chính xác bằng cách cung cấp hồ sơ, chứng cứ, phản biện cho các khâu, giai đoạn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời giúp cho cá nhân công dân, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước về tư pháp, xã hội. Nói cách khác, hoạt động của bổ trợ tư pháp một mặt góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, mặt khác là trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan Nhà nước, tổ chức, công dân. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, không thể thiếu vắng vai trò bổ trợ tư pháp. Bởi, cùng với việc bổ sung, hỗ trợ cho công tác quản lý, giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội liên quan đến tư pháp một cách công khai, minh bạch, hiệu quả, nó còn là cơ sở, tiền đề nhằm ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền lực tư pháp, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức được điều này nên trong thời gian qua, cùng với việc nghiên cứu, cho hình thành các tổ chức, hoạt động của Luật sư, công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp, quản tài viên, Đảng và Nhà nước ta còn quan tâm, chú trọng đến việc định hướng, hoàn thiện quy định pháp luật và tạo điều kiện hoạt động đối với các lĩnh vực này. Đáng nói ở chỗ, nếu trước đây nhiều phần việc do các cơ quan Nhà nước lập ra hoặc thuộc về các các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp thì hiện đã được chuyển cho các tổ chức, nghiệp đoàn, cá nhân thực hiện, còn Nhà nước chỉ tham gia hỗ trợ, quản lý. Đây chẳng những là xu hướng tất yếu mà qua thực tiễn cho thấy điều này đã và đang được phát huy, mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Chính vậy, trong tiến trình đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một trong những nội dung quan trọng được chỉ ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là chủ trương xã hội hóa nhiều hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới một lần nữa chỉ rõ về sự cần thiết, các yêu cầu, giải pháp cơ bản về vấn đề này. Nghị quyết số 27/NQ-TW đã có những nhận định, đánh giá và đề ra cách thức thực hiện tương đối rõ giữa Luật sư với một số lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp khác. Cụ thể, trong các nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết chỉ rõ: Đối với Luật sư và hành nghề Luật sư là hoàn thiện thể chế, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật, còn đối với các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp là tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển, xây dựng đội ngũ này đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Nói cách khác, nếu như Luật sư và nghề Luật sư với vai trò, vị trí, sứ mệnh đặc biệt được xác định trong thời gian tới bên cạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế thì các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp sẽ cần hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển, xây dựng đội ngũ này đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Qua đó để thấy, xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và cụ thể đối với các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp là chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm khích lệ để mở rộng các dịch vụ công, đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội phát triển, góp phần thúc đẩy bảo vệ công lý, bảo vệ an toàn giao dịch cho người dân.

Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị Triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2023 mới đây khẳng định, việc phát triển các nghề tư pháp thuộc các lĩnh vực bổ trợ tư pháp vừa qua tiếp tục được tăng cường theo hướng phát triển số lượng đi đôi với chất lượng đã góp phần làm giảm công việc và chi phí của Nhà nước; tăng cường tiếp cận công lý của người dân, bảo đảm an toàn pháp lý và thúc đẩy các giao dịch trong hoạt động kinh tế, dân sự. Việc phát triển các nghề mới như thừa phát lại, quản tài viên cũng được quan tâm thực hiện (tính đến cuối tháng 12/2022 trên cả nước có khoảng 3.000 công chứng viên (số hoạt động năm 2022 là 3.199, số đăng ký qua các sở tư pháp là 3.216), 400 thừa phát lại, 865 trọng tài viên, 281 hòa giải viên thương mại đang hành nghề)(1). Cũng theo Báo cáo, trong năm 2022, riêng hoạt động công chứng với 1.365 tổ chức hành nghề (có 1.351 tổ chức báo cáo) đã thực hiện trên 7 triệu vụ việc, đã nộp vào ngân sách và thực hiện nghĩa vụ thuế trên 406 tỉ đồng. Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác bổ trợ tư pháp thời gian qua, như: một số nhiệm vụ về xây dựng văn bản còn chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch; việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp (Luật sư, công chứng) để đáp ứng chỉ tiêu 100% như yêu cầu còn gặp khó khăn do đặc thù về quy trình, nghiệp vụ và tính phức tạp của thủ tục… Rõ ràng, đây mới chỉ là số đăng ký tham gia hoạt động hiện nay, khi vẫn có những lĩnh vực đang ở trong giai đoạn “thí điểm”, “thử nghiệm”, để đáp ứng đúng yêu cầu thực tế sắp tới đội ngũ này sẽ phải cần đến hàng vạn nhân lực, đó là chưa kể đến cơ sở vật chất, các điều kiện liên quan đến bộ máy tổ chức, quản lý, quá trình đào tạo bồi dưỡng,… dành cho lực lượng này.

Thực tiễn cho thấy, đến nay trong các lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp ở nước ta vẫn còn không ít vấn đề cần được đầu tư nghiên cứu, điều chỉnh. Có thể nói, ngoài Luật sư đã có những bước tiến dài về tổ chức, hoạt động, còn hầu hết các lĩnh vực khác như hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi đây không chỉ là các lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian và trải qua một quá trình với những công việc liên quan đến các cơ quan, đơn vị khác nhau, trong khi hầu hết các lĩnh vực bổ trợ tư pháp hiện nay mới hình thành chưa lâu, một số vấn đề liên quan đến nhận thức, các cơ chế vận hành, quy định của pháp luật vẫn chưa đầy đủ dẫn đến việc khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai trên thực tế. Mặt khác, bên cạnh kết quả đã được ghi nhận thì vừa qua cũng phát sinh một số vấn đề mới, xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa tư cách tổ chức bổ trợ để trục lợi, thậm chí có những trường hợp vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng. Ở góc độ quản lý, đến nay vẫn còn có ý kiến e ngại về sự xuất hiện của các tổ chức, cá nhân được xem là “bổ trợ” sẽ “lấn sân” vào lĩnh vực tư pháp vốn gần như đã “mặc định” chỉ thuộc về cơ quan Nhà nước, rồi nghi ngờ về năng lực của các tổ chức, cá nhân hành nghề thuộc lĩnh vực “tư”, hay có khi chỉ vì tắc trách, non kém về nghiệp vụ, thói quen,… từ các đơn vị, cá nhân quản lý cũng làm cho quá trình triển khai thực hiện cơ chế huy động các nguồn lực xã hội hóa đối với hoạt động của bổ trợ tư pháp. Đây có thể là những nguyên nhân chính khiến một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp đến nay vẫn chưa được triển khai như mong muốn, đồng thời còn làm chậm tiến trình cải cách tư pháp và có thể còn dẫn đến những tổn thất nhiều mặt, gây nên bức xúc trong xã hội. Chưa kể, trong điều kiện phát triển và hội nhập, nếu không xác định rõ vai trò, hoạt động và hoàn thiện cơ chế vận hành đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp sẽ không tranh thủ được các nguồn lực trong xã hội, tranh thủ được sự ủng hộ, kinh nghiệm, quan hệ hợp tác từ bên ngoài.

Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để xã hội hóa, phát triển các lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp theo Nghị quyết số 27/NQ-TW, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, tuyên truyền về vai trò, sự cần thiết của việc phát triển đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp trong bối cảnh hiện nay. Đây chẳng những là yêu cầu, đòi hỏi xuất phát từ thực tế xã hội mà còn là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Bởi, trong điều kiện phát triển và hội nhập, cùng với việc phát sinh nhiều mối quan hệ, mâu thuẫn mới trong xã hội, vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân được đề cao, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và bổ sung các cơ chế mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế là hiển nhiên. Để hướng đến xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì vấn đề thượng tôn pháp luật, việc công khai minh bạch, hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Sự có mặt của các lĩnh vực bổ trợ tư pháp không những góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước, bổ sung cho nhiều phần việc mà các cơ quan Nhà nước khó hoặc không thể đảm nhiệm hết, mà còn tạo nên sự ổn định, cân bằng trong đời sống xã hội, góp phần tham gia giải quyết kịp thời, khách quan, hiệu quả các vấn đề đặt ra từ yêu cầu thực tế. Nhận thức, tuyên truyền đúng, đầy đủ về vai trò, sự cần thiết của bổ trợ tư pháp trong bối cảnh mới sẽ giúp cho quá trình hoạch định chính sách, hình thành nên các tổ chức, cơ chế phù hợp để tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Thứ hai, xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp là chủ trương đúng đắn, phù hợp. Cơ quan tiến hành hoạt động bổ trợ tư pháp có thể do Nhà nước lập ra, song cũng có thể do cá nhân, tổ chức thành lập và thường không mang tính quyền lực Nhà nước giống như các thiết chế vốn đã mặc định trong hệ thống bộ máy Nhà nước và chỉ có ý nghĩa phụ giúp, hỗ trợ cho hoạt động tư pháp. Cùng với đó, xu hướng quản lý chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang dịch vụ công được xem là tất yếu, trong khi Nhà nước không thể và không nên hoàn toàn đứng ra trực tiếp thành lập, quản lý hết các lĩnh vực thuộc bổ trợ tư pháp. Bởi, điều đó sẽ khiến bộ máy hành chính cồng kềnh, khó thực hiện, đồng thời việc tham gia giải quyết nhiều vấn đề sẽ trở nên phức tạp, không mang lại hiệu quả cao do vừa phải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước vừa phải triển khai nhiều lĩnh vực vốn dĩ phức tạp, không nhất thiết phải nắm giữ, chưa kể còn tạo nên hiệu ứng không tốt trong cộng đồng xã hội cũng như trong quá trình mở rộng hợp tác, phát triển với thế giới. Tạo điều kiện, mở rộng xã hội hóa đối với hoạt động bổ trợ tư pháp thực tiễn đã được nhiều quốc gia triển khai hiệu quả từ lâu và điều này cũng đã, đang phát huy ở Việt Nam (đơn cử như Luật sư, công chứng…). Phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp nếu được xác định rõ ràng từ sớm sẽ chủ động trong vấn đề xây dựng chính sách, pháp luật, huy động được các nguồn lực, kịp thời khỏa lấp các khoảng trống phát sinh, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và áp dụng thực hiện các dịch vụ, quy trình giải quyết của các cơ quan, tổ chức, người dân. Ngoài ra, xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp còn góp phần giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước về nhiều mặt (nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính…), có thêm điều kiện để bổ sung, tập trung nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan, hoạt động chuyên môn thuộc chức năng vốn không thể thay thế của Nhà nước; góp phần giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội cũng như có thêm các “kênh” phản biện, tranh thủ được các nguồn lực ở trong và ngoài nước; có thêm sự chia sẻ trách nhiệm và đồng thuận về quan niệm, nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình xử lý, giải quyết những vấn đề tồn tại trong xã hội.

Thứ ba, cần sớm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp. Thực tiễn cho thấy, lĩnh vực Luật sư ở Việt Nam được đánh giá là đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như hiện nay về công tác tổ chức, hoạt động với trên 17 nghìn Luật sư, trên 6 nghìn tổ chức hành nghề Luật sư(2) và đảm nhận hầu hết các dịch vụ pháp lý được yêu cầu thì cũng phải trải qua một quá trình. Cùng với các chủ trương chung, từ năm 1987 đến nay, riêng về lĩnh vực này đã có 04 pháp lệnh, luật (gồm cả sửa đổi) khác nhau; 03 điều lệ (gồm cả sửa đổi); 02 bộ quy tắc đạo đức ứng xử và hành nghề Luật sư (gồm cả sửa đổi); trải qua 03 kỳ đại hội với các điều chỉnh mới, cùng hàng chục văn bản pháp lý, quy chế. Trong khi đó, các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp vốn được coi là phức tạp, khó khăn, nhưng đến nay nhiều lĩnh vực vẫn thiếu các quy định pháp luật, thậm chí có lĩnh vực vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, còn lúng túng, loay hoay về chức năng, nhiệm vụ và định hướng hoạt động. Chưa kể, có lĩnh vực đã hình thành nên các tổ chức xã hội nghề nghiệp trên phạm vi cả nước, có các tổ chức hành nghề từ lâu nhưng việc quy định, quá trình bồi dưỡng, đào tạo, hành nghề ra sao vẫn chưa rõ nét, nên còn dẫn đến nhận thức chưa thống nhất, có trường hợp ngộ nhận về vai trò,
 
nội dung hoạt động,… Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật đối với tổ chức, hoạt động thuộc các lĩnh vực này, đồng thời cần có sự quan tâm, tạo điều kiện để các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp bảo đảm về cơ chế, có hành lang pháp lý đầy đủ để ổn định tổ chức, hoạt động. Từ đó, góp phần chủ động trong công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho công tác đào tạo, hoạt động nghề nghiệp, triển khai nghiệp vụ chuyên môn cũng như trong giao lưu, hợp tác.
Thứ tư, bổ sung, hoàn thiện cơ chế huy động các nguồn lực phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp. Như đã phân tích, bổ trợ tư pháp vốn phức tạp do thuộc nhiều lĩnh vực đặc thù khác nhau, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân khi tham gia phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cũng như hiểu biết về xã hội, và việc thực hiện xã hội hóa các nguồn lực để phát triển là điều cần
 
thiết. Nói cách khác, cần xác định các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp để đáp ứng các yêu cầu của xã hội và thực hiện thành công mục tiêu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất thiết phải có sự tham gia của cộng đồng xã hội với sự quan tâm, tạo điều kiện để phát triển của Nhà nước. Để triển khai thành công vấn đề này, cùng với việc thống nhất về quan điểm, nhận thức, hoàn thiện các thiết chế, cần có định hướng, kế hoạch và phân định công tác từ các cơ quan có thẩm quyền (Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các địa phương, cơ sở đào tạo luật,…) đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đồng thời có sự phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong việc triển khai các công tác liên quan đến tổ chức, hoạt động của từng lĩnh vực theo lộ trình.
Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào/trong lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp cần xác định rõ định hướng, điều kiện, năng lực của mình để chủ xây dựng tổ chức bộ máy thống nhất, là các tổ chức xã hội nghề nghiệp với vai trò tự quản có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với các văn bản pháp luật, mỗi lĩnh vực cũng cần có điều lệ, bộ quy tắc đạo đức ứng xử chặt chẽ riêng làm cơ sở cho công tác tổ chức và để góp phần điều chỉnh hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, để quá trình đào tạo, sử dụng, quản lý nhân lực trong các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp hiệu quả, bên cạnh việc hoạch định mục tiêu, chức năng nhiệm vụ chung cần có kế hoạch, chương trình, định hướng phù hợp theo yêu cầu riêng của lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tránh tình trạng bất cập, lãng phí. Các hiệp hội, tổ chức hành nghề, các chức danh tư pháp khi tham gia hành nghề cần bám sát các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm nâng cao phẩm chất, năng lực, tích cực tham gia xây dựng tổ chức, tuân thủ các quy định, thực hiện đúng vai trò cả mình.

Thứ năm, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý và tạo điều kiện hoạt động cho các lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Theo đó, các cơ quan, cán bộ được giao quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp ở Trung ương và địa phương cần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, tham mưu với cấp quản lý và phối hợp; tạo điều kiện để các hiệp hội, tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực bổ trợ tư pháp tích cực hoạt động, phát huy vai trò tự quản, tranh thủ được các nguồn lực ở trong và ngoài nước. Cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh những nội dung trong quá trình hoạt động của các tổ chức, đơn vị, bảo đảm thời hạn quy định của pháp luật; phân định rạch ròi về vai trò, nhiệm vụ của mỗi lĩnh vực; tránh việc lợi dụng chức quản lý để can thiệp quá sâu vào tổ chức, hoạt động của các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp; không sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cần chủ động tăng cường phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, giúp cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đưa công tác bổ trợ tư pháp ngày càng phát triển.

Tóm lại, để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong bối cảnh mới, vấn đề hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp là hết sức quan trọng, cần được quan tâm hiện nay. Đây là chủ trương đúng đắn đã được định hướng trong các Nghị quyết của Đảng, tin rằng với việc tập trung nghiên cứu, thể chế hóa bằng pháp luật, các tổ chức, cá nhân thuộc các lĩnh vực bổ trợ tư pháp có hành lang pháp lý đầy đủ, nhanh chóng ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, cần giải quyết hài hòa các mối quan hệ, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp thành công không chỉ là một trong các nội dung quan trọng của cải cách tư pháp mà còn là yêu cầu xuất phát từ thực tế xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

(1)    Bộ Tư pháp, Báo cáo Tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2023.

(2)    Tính đến tháng 3/2023.

 

Tài liệu tham khảo:
1.    Bộ Chính trị, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
2.    Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
3.    Bộ Tư pháp, Báo cáo Tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2023.
4.    Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ.
5.    Quyết định số 759/QĐ-BTP ngày 18/4/2018 của Bộ Tư pháp.

TS. LS LIÊU CHÍ TRUNG

Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị quyết về bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

Nguyễn Hoàng Lâm