/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo

Hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo

25/01/2023 07:21 |

(LSVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự bùng nổ của các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), công nghệ sổ cái phân tán (DLT) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain)... và việc ứng dụng các công nghệ này đã làm xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới, chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại, trong đó có tài sản ảo, tiền ảo. Việc phát hành, lưu thông, trao đổi các loại tài sản ảo, tiền ảo ngày càng được mở rộng về quy mô, phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của công chúng, các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, tài chính, pháp lý, các chính phủ và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên về mặt pháp lý, việc “định danh”, ghi nhận các loại tài sản này, khả năng tham gia giao dịch của mỗi loại tài sản đang còn có những khoảng trống hoặc được quy định tương đối phức tạp, thiếu thống nhất. Bài viết phân tích những khái niệm và đặc điểm của tài sản ảo, tiền ảo và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với các loại hình tài sản này.

Ảnh minh họa.

Khái niệm và đặc điểm của tài sản ảo và tiền ảo

Thế giới hiện nay chưa có định nghĩa thống nhất về tài sản ảo cả về thuật ngữ và nội hàm, tuy nhiên, theo định nghĩa của Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (ISO)(1), tài sản ảo (virtual asset hay virtual property) là biểu hiện của tài sản trong không gian mạng (cyberspace), tức trong môi trường phức hợp được hình thành bởi sự tương tác của người sử dụng, phần mềm và các dịch vụ trên internet thông qua các thiết bị kỹ thuật và mạng lưới được kết nối. Tài sản ảo còn có biểu hiện là một dạng tài sản số (digital asset). Theo Luật mẫu về tài sản số của Ủy ban Thống nhất pháp luật Hoa Kỳ, tài sản số là bản ghi điện tử (electronic record) xác nhận quyền hay lợi ích của một người(2).

Dưới góc độ kỹ thuật, “tài sản ảo” hay “tài sản kỹ thuật số” là loại tài sản ảo sử dụng công nghệ blockchain hay công nghệ sổ cái phân tán (DLT) cùng công nghệ mã hóa để tạo lập và xác thực giao dịch một cách minh bạch, bảo mật, đáng tin cậy. Chính vì vậy, IMF sử dụng thuật ngữ tài sản mã hóa (crypto asset) để chỉ tài sản mã hóa, tài sản ảo hay tài sản kỹ thuật số(3). Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù thuật ngữ tiền ảo được sử dụng thông dụng, các thuật ngữ như “tài sản mã hóa” (crypto asset), “tiền kỹ thuật số” (digital currency), “tiền thay thế” (alternative currency), “tiền internet” (internet currency), “tiền mã hóa” (crypto currency) thường được sử dụng với nghĩa tương đương(4). Tùy theo từng ngữ cảnh cụ thể, trong một số trường hợp, khái niệm tài sản ảo hay tài sản số có thể được sử dụng để chỉ một phạm trù hẹp hơn là tài sản mã hóa, thậm chí là tiền mã hóa. 

Xét về bản chất, tài sản ảo hay tài sản mã hóa cũng là sản phẩm của trí tuệ, sức lao động của con người để phục vụ cho nhu cầu cụ thể nào đó của con người, có thể được thừa nhận giá trị trong cộng đồng người sử dụng như các loại tài sản truyền thống khác, vì thế cũng có thể được coi là tài sản. Loại tài sản này có một số đặc tính cơ bản như sau: i) vô hình; ii) được xác thực thông qua mã hóa; iii) sử dụng công nghệ sổ cái phân tán; iv) phi tập trung; và v) được điều chỉnh bởi nguyên tắc đồng thuận.

Dưới góc độ pháp lý, việc xem xét tài sản ảo có phải là một loại tài sản (và gắn với nó là các đặc tính tương tự như các tài sản truyền thống) hay không sẽ phụ thuộc vào việc pháp luật có thừa nhận tài sản ảo là một tài sản hay không. Như trên đã phân tích, về bản chất, tài sản ảo cũng là một loại tài sản tương tự như các tài sản thông thường khác; hiện nay trên thế giới, với cách hiểu tài sản theo nghĩa rộng, pháp luật nhiều nước đã thừa nhận tài sản ảo cũng là một loại tài sản có thể được sở hữu và giao dịch(5).

Tiền ảo với tư cách là một dạng đặc biệt của tài sản ảo phải được nhìn nhận khác với tài sản ảo nói chung - cũng giống như tiền được nhìn nhận là một loại tài sản đặc biệt trong thế giới thực. 

Theo Tổ chức quốc tế về Tiêu chuẩn hóa (ISO)(6), tiền ảo (virtual currency) là loại tài sản ảo có tính chất tiền tệ (monetary virtual asset), tức có thể được sử dụng làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể như trong trò chơi điện tử (video game) hay trong một trò chơi mô phỏng giao dịch tài chính. Loại tiền này không được một ngân hàng trung ương hay một cơ quan nhà nước nào phát hành hay bảo đảm, không gắn liền với một đồng tiền pháp định nào và không có địa vị pháp lý của tiền tệ, nhưng được chấp nhận thanh toán bởi cá nhân hoặc pháp nhân như là một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển đổi, lưu trữ hay giao dịch bằng phương thức điện tử(7). 

Khác với tài sản ảo đã được nhiều quốc gia thừa nhận giá trị về mặt pháp lý, tiền ảo hiện nay chưa được thừa nhận là “tiền” với các đặc tính giống như tiền pháp định, do còn quá nhiều rủi ro pháp lý ở tầm vĩ mô. Cho tới nay, mới chỉ có El Salvador và Cộng hòa Trung Phi là 2 quốc gia duy nhất thừa nhận tiền ảo là tiền về mặt pháp lý.

Phân biệt tài sản ảo/tiền ảo với vật phẩm ảo/tiền điện tử

Cần phân biệt tài sản ảo (tài sản mã hóa) với các vật phẩm ảo (trong các trò chơi trực tuyến) hay điểm thưởng (trong các hệ thống siêu thị, chương trình khách hàng thân thiết…), được tạo ra và sử dụng một cách hạn chế, chủ yếu trong nội bộ chương trình, cộng đồng đó, không có ảnh hưởng hay có tác động đến kinh tế, xã hội; không tạo ra rủi ro lớn trong việc sử dụng vào các hoạt động phi pháp như lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền và tài trợ khủng bố(8). 

Cũng cần phân biệt tiền ảo và tiền điện tử. Về bản chất, tiền điện tử (e-money) chỉ là biểu hiện dưới hình thức kỹ thuật số (hình thức điện tử) của tiền pháp định được sử dụng để chuyển giao giá trị của đồng tiền pháp định qua phương thức điện tử. Đó là giá trị được lưu trữ trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng. Tiền điện tử có 05 đặc tính cơ bản: (i) được lưu trữ giá trị bằng phương tiện điện tử; (ii) được thể hiện bằng quyền truy đòi đối với tổ chức phát hành tiền điện tử; (iii) được phát hành dựa trên một khoản tiền pháp định; (iv) được sử dụng để thực hiện giao dịch thanh toán; và (v) được chấp nhận bởi cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức phát hành tiền điện tử. Như vậy, tiền điện tử hiểu đơn giản là hình thức thể hiện dưới dạng điện tử hay dạng số của tiền pháp định, là giá trị tiền tệ lưu trữ trong ví điện tử, thẻ trả trước, thiết bị điện tử di động…; có tỷ lệ quy đổi 1:1 với tiền pháp định (tiền giấy, tiền xu); có thể sử dụng cho mục đích trao đổi, thanh toán.

Theo Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu vào tháng 4/2018 của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), việc sử dụng thuật ngữ “tiền” trong “tiền ảo” hay “tiền kỹ thuật số” có thể gây nhầm lẫn, vì thực chất loại tài sản này có tiềm năng kết hợp lợi ích của tiền tệ và hàng hóa; cụ thể:

Thứ nhất, giống như tiền thật (tiền pháp định), chúng có khả năng được sử dụng để trao đổi với các loại tiền tệ khác, hoặc thậm chí được sử dụng để thanh toán và có thể lưu giữ giá trị. 

Thứ hai, là sản phẩm đầu tư, chúng có thể giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, tuy nhiên, khả năng này còn rất hạn chế do sự không chắc chắn về khía cạnh pháp lý, thị trường nhiều biến động, chứa đựng nhiều rủi ro...(9)

Các thách thức pháp lý liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo

Sự xuất hiện của tài sản ảo, tiền ảo đã đặt ra những thách thức về mặt pháp lý mới cho các hệ thống pháp luật trên thế giới. Các thách thức đó bao gồm:

Thách thức liên quan tới khái niệm và giá trị pháp lý của tài sản ảo, tiền ảo

Các thuật ngữ “tài sản ảo”, “tiền ảo” là các thuật ngữ phổ thông, thường được sử dụng để phân biệt với tài sản, tiền theo nghĩa truyền thống trong thế giới vật chất. Trong khi đó, các thuật ngữ “tài sản mã hóa”, tiền mã hóa” là các thuật ngữ chuyên ngành, gần đây được sử dụng để đề cập đến các loại “tài sản” mới được hình thành nhờ ứng dụng của công nghệ blockchain kết hợp công nghệ mã hóa (mật mã). Tuy nhiên, hiện nay, thuật ngữ “tài sản ảo”, “tiền ảo” hay “tài sản mã hóa”, “tiền mã hóa” chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật Việt Nam; chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào khẳng định rõ chúng có được coi là một loại tài sản hay không (mặc dù trong một số lĩnh vực pháp luật cũng đã có một số quy định có liên quan hoặc có thể vận dụng - khi xét đến bản chất) để có thể áp dụng đối với tài sản ảo, tài sản mã hóa hay tiền ảo, tiền mã hóa).

Thách thức liên quan tới việc tạo ra, phát hành (chào bán) tài sản ảo, tiền ảo

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu tài sản mã hóa có thuộc tính như chứng khoán thì hoàn toàn có vận dụng các quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành để điều chỉnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài sản mã hóa có những đặc thù so với các loại chứng khoán “truyền thống” bởi tài sản mã hóa chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số và còn có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán (hỗn hợp: hybrid). Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật chứng khoán như về điều kiện chào bán, hình thức chào bán, đăng ký chào bán, thủ tục chào bán, hồ sơ chào bán, công bố thông tin, báo cáo tài chính... đối với hoạt động chào bán ra công chúng (ICO) cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đầy đủ hơn trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, cần phải cảnh báo và ngăn chặn các hoạt động ICO dưới dạng kinh doanh đa cấp trái pháp luật, mang tính chất lừa đảo.

Đối với tiền ảo, để được thừa nhận là một căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với loại tài sản này, các hoạt động “đào” tài sản mã hóa (như đào Bitcoin), “phát hành” tài sản mã hóa (như ICO) hay các giao dịch trao đổi, mua bán tài sản mã hóa sau khi “đào”, “phát hành” cần được pháp luật công nhận là một trong những căn cứ xác lập quyền sở hữu.

Thách thức liên quan tới việc quản lý hoạt động sử dụng, mua bán, trao đổi, lưu thông tài sản ảo, tiền ảo

Hiện nay, ngay cả trong trường hợp chưa thừa nhận giá trị pháp lý của “tài sản mã hóa” và không cho phép thực hiện giao dịch cũng như cung cấp các dịch vụ trung gian liên quan đến giao dịch tài sản mã hóa thì các hoạt động này vẫn có thể diễn gia trực tiếp giữa những người sở hữu tài sản mã hóa, tuy nhiên giao dịch loại này tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến lừa đảo, rửa tiền và việc giải quyết các tranh chấp phát sinh có liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu hoặc thực hiện các giao dịch dân sự trở nên rất khó khăn do không thể yêu cầu tuân thủ quy định về định danh khách hàng (KYC) và không thừa nhận tính pháp lý của việc sở hữu tài sản mã hóa cũng như thực hiện giao dịch có liên quan.

Tuy nhiên, khi tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa nói riêng đều có thể được coi là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì các loại tài sản này đều có thể trở thành hàng hóa (nếu không phải là chứng khoán hay phương tiện thanh toán) theo quy định của Luật Thương mại. Trong trường hợp này, việc ghi nhận tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa là một loại hàng hóa là cơ sở để có thể xem xét áp dụng các loại thuế và xác định mức thuế phù hợp.

Thách thức liên quan tới hành vi rửa tiền

Theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: (i) hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự; (ii) trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; và (iii) chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản (khoản 1 Điều 4). Khái niệm “tài sản” theo Luật này bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”. Khái niệm tài sản như vậy thậm chí rộng hơn khái niệm tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, tài sản mã hóa hoàn toàn có thể được coi là một loại tài sản được điều chỉnh bởi pháp luật phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 mới chỉ tập trung chủ yếu vào đối tượng là các tổ chức tài chính, ngân hàng là tổ chức được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan là tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh kim loại quý và đá quý; cung ứng dịch vụ công chứng, kế toán; dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; dịch vụ ủy thác đầu tư; dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp...(10). Các quy định này cần có hướng dẫn chi tiết để điều chỉnh việc phòng chống rửa tiền liên quan tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa nói riêng.

Thách thức liên quan tới việc quy định thuế

Theo pháp luật thuế của một số quốc gia, tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa nói riêng được coi là hàng hóa (như Thái Lan) hay dịch vụ (cung cấp dịch vụ như Singapore) nên thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (hay thuế tiêu dùng GST). Tuy nhiên, tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa nói riêng có phải là hàng hóa, dịch vụ hay không theo pháp luật thuế Việt Nam hiện hành là điều chưa rõ ràng do Luật Thuế giá trị gia tăng đang liệt kê đối tượng chịu thuế và đối tượng miễn thuế chứ chưa đi vào bản chất của thuế giá trị gia tăng.

Theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, tài sản ảo, tài sản mã hóa nói chung và tiền ảo, tiền mã hóa nói riêng không phải là phương tiện thanh toán; tuy nhiên, nếu chúng là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành (theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì không chịu thuế giá trị gia tăng.

Như trên có thể thấy, thách thức lớn nhất đối với tài sản ảo, tiền ảo chính là việc thừa nhận giá trị pháp lý của loại tài sản mới mẻ này. Ở Việt Nam hiện nay, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định về tài sản có tính chất liệt kê mà không đưa ra các đặc điểm pháp lý về bản chất của tài sản, vì vậy rất khó có thể xác định tài sản ảo, tiền ảo có phải là tài sản hay không. Mà theo thực tiễn áp dụng pháp luật, một khi khái niệm còn chưa rõ ràng, các cơ quan áp dụng pháp luật sẽ có xu hướng “chờ văn bản giải thích”. 

Cũng tương tự như vậy, vướng mắc pháp lý lớn nhất hiện nay về quyền sở hữu đối với tài sản nằm ở việc chưa có quy định pháp luật nào khẳng định tài sản ảo là một loại tài sản, do đó quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân đối với loại tài sản này cũng chưa được pháp luật công nhận. Điều này đồng nghĩa với việc một loạt các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng, đầu tư, kinh doanh, hình sự... cũng không có cơ chế pháp lý để áp dụng giải quyết một cách phù hợp.

Một số kiến nghị 

Bộ luật Dân sự năm 2015 dù đã có các quy định tương đối đầy đủ và cập nhật về vấn đề tài sản và quyền sở hữu, nhưng vẫn liên tục được nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện thêm về mọi mặt, trong đó có xu hướng hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh và các thách thức mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề tài sản ảo và tiền ảo cùng các thách thức liên quan.

Mặc dù tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề mới, chỉ xuất hiện trong thời gian rất gần đây, khi các thành tựu của khoa học công nghệ được áp dụng rộng rãi trong các hoạt động kinh tế, thương mại, nhưng có thể nói Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này rất nhanh chóng. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Quyết định này đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng và phát hành Báo cáo này vào tháng 10 năm 2018.

Tuy nhiên, kể từ sau năm 2018, những bước tiến triển tiếp theo trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về loại tài sản mới này dường như có bước chững lại. Cho tới gần đây, vấn đề này mới trở nên “nóng” trở lại trong các diễn đàn, khi Quốc hội thảo luận về những dự thảo luật có nội dung liên quan tới loại tài sản đặc biệt này. Cụ thể, ngày 06/10/2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về quyền sở hữu đối với tài sản ảo và khuyến nghị cho Việt Nam”. Mới đây nhất, khi thảo luận và biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền vào ngày 15/11/2022, Quốc hội cho rằng mặc dù đã có một số kết quả ban đầu, nhưng quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về tài sản ảo vẫn đang được các cơ quan liên quan tiếp tục tiến hành, nên chưa thể có kết luận chính thức và chuyển hóa thành các nội dung của các đạo luật cụ thể.

Trên cơ sở các phân tích và thông tin nêu trên, có thể đưa ra một số kiến nghị mang tính khái quát như sau:

Thứ nhất, cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo cũng như về các tài sản có thể phát sinh trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (bao gồm cả nghiên cứu về thông tin với tính chất là tài sản) và thực hiện thể chế hóa thành quy định pháp luật cụ thể. Bởi vì trong thời đại phát triển nhanh chóng hiện nay, việc chậm trễ đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội phát triển hoặc để sự việc phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước.

Thứ hai, cần thống nhất quan điểm coi tài sản ảo, tiền ảo, hay bất kỳ tài sản nào khác phát sinh đều là những sản phẩm tất yếu của sự phát triển, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải đối mặt và xử lý vấn đề này bằng việc đưa ra các quy định pháp lý phù hợp.

Thứ ba, cần có các quy định về tài sản, quyền tài sản và quyền sở hữu mang tính khái quát cao và “trung tính” về công nghệ để có thể cụ thể hóa và giải thích theo các bối cảnh khác nhau, với các công nghệ khác nhau trong các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thứ tư, về các nội dung cụ thể, cần bám sát các vấn đề như đã phân tích ở trên trong các nghiên cứu, báo cáo chính thức của các cơ quan, tổ chức liên quan; có thể phải thành lập các tổ chuyên trách liên ngành làm việc liên tục với các dự thảo, song song với việc áp dụng cách tiếp cận ban hành một luật sửa nhiều luật để giải quyết nhanh chóng và thấu đáo vấn đề.  

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Các Luật: Thương mại năm 2005; Giao dịch điện tử năm 2005; Công nghệ thông tin năm 2006; Phòng, chống rửa tiền năm 2012; Phòng, chống tham nhũng. 

4. Báo cáo số 255/BC-BTP tháng 10/2018 về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện.

5. Đề tài khoa học cấp bộ 2020: Hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

6. Tài liệu tập huấn về chuyển đổi số của Bộ Tư pháp, tháng 01/2022. 

7. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về sở hữu, hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

8. Hoàn thiện chính sách pháp luật về quyền sở hữu đối với tài sản ảo, https://quochoi.vn/vanphongquochoi/cocautochuc/Pages/trang-chu.aspx?ItemID=69202 . 

9. Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý với tiền ảo, tài sản ảo, https://thanhnien.vn/quoc-hoi-de-nghi-chinh-phu-hoan-thien-khung-phap-ly-voi-tien-ao-tai-san-ao-post1521770.html

   

(1) ISO/IEC 27032:2012(en), Information Technology - Security Techniques - Guidelines for Cybersecurity, Mục 4.49, https://www.iso.org/obp/ui/#iso:std:iso-iec:27032:en

(2) Uniform Fiduciary Access to Digital Assets Act, Revised (2015), Điều 2(10), http://www.uniformlaws.org/Act.aspx?title=Fiduciary%20Access%20to%20Digital%20Assets%20Act,%20Revised%20(2015). 

(3) Tính đến ngày 24/10/2018, có 2.056 loại tài sản mã hóa (tiền mã hóa) khác nhau được giao dịch trên 15.154 sàn giao dịch với tổng vốn hóa trên thị trường trên 209 tỷ USD, trong đó Bitcoin (BTC, với tổng vốn hóa khoảng hơn 112 tỷ USD, 1 BTC tương đương khoảng 6.500 USD) và Ethereum (ETH, với tổng vốn hóa hơn 21 tỷ USD, 1 ETH tương đương 204 USD) là hai tài sản mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất. Mặc dù vậy, giá giao dịch của các tài sản mã hóa này thường xuyên thay đổi với biên độ rất lớn trong thời gian rất ngắn. Xem https://coinmarketcap.com

(4) University of Malyasia, Malaysian Blockchain Regulatory Report, 5/2018, tr. 16, 133.

(5) Michaela MacDonald, The Case for Virtual Property, Queen Mary University of London, 2017,

https://qmro.qmul.ac.uk/xmlui/handle/123456789/30717, tr. 216.

(6) ISO/IEC 27032:2012(en), Information technology - Security techniques - Guidelines for cybersecurity, Mục 4.50, https://www.iso.org/obp/ui/#iso:std:iso-iec:27032:en

(7) Directive (EU) 2018/843 of the European Parliament and of the Council of 30 May 2018 amending Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing, and amending Directives 2009/138/EC and 2013/36/EU, OJ L 156/43 (điểm d khoản 2 Điều 1).

(8) Đây là quan điểm của Hoa Kỳ, Bermuda.

(9) IMF, Global Financial Stability Report: A Bumpy Road Ahead, 4/2018, tr. 21-22.

CAO XUÂN PHONG            

Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư Pháp

Những quy định mới về học và thi sát hạch bằng lái xe ôtô năm 2023

Bùi Thị Thanh Loan